Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Rustem Umerov (thứ 5 từ phải sang) họp với các bộ trưởng quốc phòng các nước tham gia "Liên minh tự nguyện" vào ngày 10/4/2025, tại Brussels (Bỉ). Ảnh: Rustem Umerov/X
Theo báo The Kyiv Post, vào ngày 5/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tổ chức một cuộc họp với các lãnh đạo quân sự Anh và Pháp tại thủ đô Kiev. Các cuộc họp công tác tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra thường xuyên. Dẫn đầu “Liên minh tự nguyện” – lực lượng có thể tiến hành một sứ mệnh gìn giữ hòa bình sau khi xung đột Nga – Ukraine kết thúc – là Pháp và Anh, nhưng danh sách các nước tham gia còn dài hơn. Liệu Ba Lan có nằm trong số đó?
Kể từ khi Liên bang Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, chính sách của Ba Lan đã thể hiện rõ thái độ cứng rắn với Liên bang Nga và ủng hộ kiên định Ukraine trong phòng vệ. Trong khi các thủ đô phương Tây còn đang thảo luận khả năng hỗ trợ, thì Vacsava (Warsaw) đã gửi hàng trăm xe tăng, đạn dược và thiết bị quân sự khác cho Ukraine. Lập trường của Ba Lan về vấn đề này trước sau như một.
Tuy nhiên, chính quyền Ba Lan vẫn ngần ngại tuyên bố tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình quân sự, mặc dù vào giữa tháng 3/2022, ông Jarosław Kaczyński – lãnh đạo đảng PiS cầm quyền khi đó - đã phát biểu tại Kiev rằng: “Ukraine cần một sứ mệnh gìn giữ hòa bình của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) hoặc của cộng đồng quốc tế rộng hơn”. Điều này có vẻ bất ngờ, nhất là khi xét đến sự tham gia của Ba Lan trong các hội nghị thượng đỉnh trước đó và việc nước này đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay.
Các ứng viên tổng thống Ba Lan: Nói “Không” với việc đưa quân tới Ukraine
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống đang diễn ra ở Ba Lan, tất cả các ứng viên chủ chốt và đảng phái ủng hộ họ đều khẳng định rõ ràng: “Không” có chuyện cử quân đội tới Ukraine. Quan điểm này đã được Thủ tướng Donald Tusk và các đại diện của lực lượng đối lập chính hiện nay là PiS thể hiện rõ.
Quan điểm này cũng được củng cố bởi dữ liệu thăm dò dư luận. Theo một cuộc khảo sát do United Surveys thực hiện cho Wirtualna Polska vào tháng 3/2025, có tới 86,5% người được hỏi trả lời “không” cho câu hỏi liệu Ba Lan có nên đưa binh sĩ tới Ukraine hay không. Trong đó, 58,5% phản đối mạnh mẽ, 28% phản đối ở mức vừa phải. Lý do chính không phải là vì thiếu thiện chí tiếp tục hỗ trợ Ukraine, mà chủ yếu là nỗi lo sợ về khả năng xảy ra chiến tranh trực tiếp với Liên bang Nga.
Trong tranh luận công khai, quan điểm ủng hộ tiếp tục giúp Ukraine chiến đấu vẫn chiếm ưu thế, nhưng phản đối việc đưa quân vẫn rất mạnh mẽ. Mối lo chính là nguy cơ Ba Lan bị lôi kéo trực tiếp vào cuộc chiến. Cũng có nhiều lời kêu gọi tiếp tục phát triển kinh tế, với lập luận rằng nguy cơ xung đột quân sự với Liên bang Nga sẽ làm gián đoạn quá trình tăng trưởng kinh tế kéo dài suốt hơn 35 năm – được xem là một thành công lớn.
Những người hoài nghi cho rằng binh sĩ Ba Lan dễ trở thành mục tiêu khiêu khích của Liên bang Nga hơn so với lính Anh hay Pháp, dưới cả hình thức chiến tranh thông thường lẫn hỗn hợp. Theo họ, lực lượng mặt đất nên đến từ các quốc gia không có đường biên giới với Liên bang Nga.
Ngược lại, những người ủng hộ sự tham gia của Ba Lan vào một sứ mệnh quân sự quốc tế ở Ukraine cho rằng đây sẽ là công cụ để định hình chính sách an ninh thực chất trong khu vực. Theo logic này, một quốc gia tham gia sứ mệnh sẽ có vị thế cao hơn tại bàn đàm phán và đáng tin cậy hơn với các đồng minh. Nếu không, Ba Lan có thể bị xem là “nước chỉ biết hô hào to tiếng nhưng lại trốn sau lưng kẻ mạnh” khi Liên bang Nga nhìn về phía mình.
Một lập luận khác là: uy tín với đồng minh – trong tình huống khủng hoảng, nếu không tham gia, sẽ khó thuyết phục đồng minh điều quân đến bảo vệ Ba Lan.
Hôm nay không cử binh sĩ tới Ukraine, nhưng ngày mai là có thể?
Nguồn tin của báo The Kiev Post từ giới chính trị và quan chức cấp bộ trưởng cho biết, sau cuộc bầu cử tổng thống ở Ba Lan, tình hình có thể thay đổi và cả liên minh cầm quyền lẫn phe đối lập PiS có thể điều chỉnh lập trường hiện tại, tùy theo lợi ích quốc gia và mối quan hệ với các đồng minh.
Tuy nhiên, việc cử quân trong một sứ mệnh không đơn giản là “có hay không”. Ba Lan không chỉ là nước nhận sự bảo vệ, mà còn là nước cung cấp an ninh. Nước này giáp ranh Liên bang Nga (vùng Kaliningrad) và Belarus – nơi được cho là đã tiến hành các hoạt động hỗn hợp nhắm vào Ba Lan từ mùa hè năm 2021.
Ba Lan đã hỗ trợ rất lớn cho Ukraine trong chiến sự và là trung tâm hậu cần chính cho viện trợ (sân bay Rzeszów-Jasionka, đường sắt, đường bộ, cơ sở hạ tầng biên giới) và đây là những yếu tố Vacsava sẽ sử dụng trong đàm phán.
Chính quyền Ba Lan có thể điều kiện hóa việc triển khai lực lượng, cũng như số lượng binh lính, tùy thuộc vào mức độ hiện diện quân đồng minh, đặc biệt là lực lượng Mỹ (những cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra). Việc cử quân không nhất thiết phải là đưa lính mặt đất, có thể là tham gia sứ mệnh huấn luyện hoặc phòng không trên một phần không phận Ukraine, hoặc điều động các đơn vị công binh. Những điều này, cũng như nhiệm vụ cụ thể của sứ mệnh, sẽ cần được tiếp tục đàm phán và làm rõ.
Nguồn tin từ Vacsava của báo The Kyiv Post cũng cho biết Ba Lan không muốn đưa quân tới khu vực Tây Ukraine vì lý do lịch sử. Nguyên nhân là do điều này có thể bị Liên bang Nga lợi dụng tuyên truyền và gây chia rẽ xã hội. Gửi quân tới vùng Donbass của Ukraine cũng bị phản đối do các nguy cơ nhắm vào lính Ba Lan.
Tuy nhiên, phải thấy rằng do ảnh hưởng của cuộc bầu cử tổng thống, lập trường của Ba Lan khó có thể thay đổi trước tháng 6 và thời gian sẽ trả lời Ba Lan muốn gửi bao nhiêu binh sĩ tham gia vào liên minh tương lai cũng như vào việc định hình kiến trúc an ninh châu Âu, nhưng có thể kỳ vọng một sự mềm hóa trong lập trường của Ba Lan trong hiện tại.