Điều khiến ông ấn tượng nhất là mỗi lần đến thăm “dải đất hình chữ S”, ông đã thấy Việt Nam “thay da đổi thịt” mạnh mẽ.
Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia (Đại học New South Wales) trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Australia. Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia
Giáo sư Carl Thayer nhắc lại, 15 năm đầu tiên sau khi thống nhất là thời điểm khó khăn của Việt Nam với các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, và lệnh cấm vận, thương mại của Mỹ đối với Việt Nam. Có thể nói, tại thời điểm đó, Việt Nam đã lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Carl Thayer, chính tầm nhìn xa trông rộng mang tính chiến lược của ban lãnh đạo đất nước khi thực hiện công cuộc đổi mới nền kinh tế và mở cửa hội nhập với thế giới, cho phép khu vực tư nhân phát triển là những yếu tố then chốt đưa Việt Nam thoát khỏi cuộc khủng hoảng đó.
Việt Nam quyết định chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung cứng nhắc sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời đa dạng hóa và đa phương hóa các mối quan hệ đối ngoại. Năm 1995 được coi là năm then chốt khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tư cách là thành viên thứ bảy. Với việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam dần chuyển dịch nền kinh tế từ nông nghiệp sang sản xuất, từ đó có được nguồn lực để xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập hộ gia đình.
Nhận định về chiến thắng lịch sử 30/4/1975 của dân tộc Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer cho rằng cốt lõi làm nên chiến thắng này chính là phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, cũng từng được coi là “chìa khóa” giúp Việt Nam vượt qua sự chia cắt thành ba miền dưới thời thực dân Pháp, minh chứng bằng sự ra đời của Việt Nam Độc lập Đồng minh năm 1941, Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, sư kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 và Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp suốt 8 năm.
Có thể nói, chiến thắng 30/4/1975 là sự kết hợp giữa nghệ thuật quân sự và ngoại giao khéo léo, tận dụng sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Sau khi thống nhất, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã bảo vệ đất nước khỏi các cuộc tấn công vào biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, hiện đại hóa và bảo vệ chủ quyền quốc gia ở cả trên bộ lẫn trên biển. Điều đó mang lại cho Việt Nam một sức mạnh to lớn mà không phải quốc gia Đông Nam Á nào cũng có được.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng Việt Nam không chỉ đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ đối ngoại thông qua các mối quan hệ đối tác chiến lược mà còn chủ động, tích cực theo đuổi và hội nhập quốc tế, thể hiện qua việc tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ASEAN, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức đa phương khác.
Chiến lược ngoại giao này đã mang lại thành công vang dội khi Việt Nam hai lần được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu áp đảo. Việt Nam đã khẳng định được uy tín quốc tế là đối tác đáng tin cậy thông qua việc theo đuổi độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Giáo sư Carl Thayer nhận định hầu hết các nước đang phát triển nhìn Việt Nam với ánh mắt ngưỡng mộ.
Theo Giáo sư Carl Thayer, các nhà lãnh đạo Việt Nam thường kêu gọi “kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại”. Trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ từ những người bạn truyền thống, song từ trong nước cũng đã có những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của mình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã điều chỉnh chiến lược để đánh bại người Pháp tại Điện Biên Phủ. Việt Nam đã điều chỉnh công nghệ quân sự của Liên Xô cho phù hợp với điều kiện chiến trường tại Việt Nam.
Ngày nay, trong thời bình, Việt Nam khuyến khích chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất. Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ hai (tháng 12/2024) là một minh chứng, cho thấy Việt Nam có khả năng cải tiến và phát triển tên lửa bờ biển và máy bay không người lái để phù hợp với điều kiện đặc biệt của mình. Việt Nam cũng đã có được kiến thức và kỹ năng để sản xuất chip máy tính và xe điện.
Việt Nam đã gửi sinh viên của mình đi khắp nơi để tìm hiểu về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những đổi mới trong khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo... Việt Nam hiện đang vận dụng những kiến thức này để tạo ra bước đột phá trong phát triển, tránh bẫy thu nhập trung bình. Nếu có thể đột phá và tiến lên, Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia có thu nhập cao, công nghiệp hóa vào năm 2030 và xa hơn nữa.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhiều bài học từ chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 cần được nhìn nhận và phát huy. Giáo sư Carl Thayer mượn lời đại văn hào William Shakespeare cho rằng bài học quan trọng nhất ở đây là "hãy trung thực với chính mình". Nói cách khác, Việt Nam cần giữ gìn bản sắc dân tộc, luôn chủ động, không được để mất nền văn hóa, đồng thời phải luôn có khả năng đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của mình khi theo đuổi tầm nhìn chiến lược dài hạn. Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia khác, nhưng phải luôn đảm bảo lợi ích quốc gia của mình. Điều này đòi hỏi sự ổn định chính trị, đoàn kết nhân dân và khả năng thích ứng liên tục và có những đổi mới quan trọng.
Giáo sư Carl Thayer bày tỏ tin tưởng vào tương lai xán lạn của Việt Nam bởi "Việt Nam luôn đón nhận những thách thức và biến chúng thành cơ hội".