Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đầu tiên nêu ra phương án triển khai lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới Ukraine để chống lại Nga, tuyên bố rằng “không còn ranh giới đỏ, không còn biên giới” liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Pháp đang thành lập một liên minh bao gồm các quốc gia có khả năng sẵn sàng gửi lực lượng phương Tây tới Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Franz Stéphane Séjourné đã tới Litva để thảo luận về những vấn đề này. Tại Litva, ông Séjourné gặp những người đồng cấp vùng Baltic cũng như Ukraine và lên tiếng ủng hộ ý tưởng rằng các lực lượng nước ngoài có thể hỗ trợ Ukraine trong các lĩnh vực như rà phá bom mìn.
Tại cuộc họp do Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis chủ trì và có sự tham dự của người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba, ông Séjourné đã chỉ trích Nga gay gắt, nói rằng: “Nga không có quyền nói với chúng ta rằng chúng ta nên giúp đỡ Ukraine như thế nào trong những tháng hoặc năm tới. Công việc của Nga không phải là đứng ra tổ chức hoạt động cho chúng ta hay đặt ra các ranh giới đỏ. Vì vậy, chúng ta sẽ tự mình quyết định việc này”.
Hầu hết các nước châu Âu, bao gồm Đức, Cộng hòa Séc và Ba Lan, đều tuyên bố rằng họ không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine, bất chấp sự nhất quyết của ông Macron rằng cần phải làm như vậy. Nhưng cũng có nước thay đổi. Ba Lan là nước ban đầu phản đối đề xuất của ông Macron, nhưng gần đây đã thay đổi lập trường. Trong khi đó, ba quốc gia vùng Baltic - những nước được cho là dễ bị Nga tấn công nhất nếu Moskva thành công trong cuộc chiến chống Ukraine - tỏ ra cởi mở hơn nhiều trước đề xuất của Tổng thống Pháp, nhất là Litva.
Từ hồi tháng 3/2024, Ngoại trưởng Litva, ông Gabrielius Landsbergis đã nói thẳng rằng: “Nga không có quyền nói với chúng ta rằng chúng ta nên giúp đỡ Ukraine như thế nào trong những tháng hoặc trong những năm tới. Công việc của Nga không phải là tổ chức hoạt động cho chúng ta hay đặt ra các ranh giới đỏ. Vì vậy, chúng ta sẽ tự mình quyết định việc này". Sau đó, vào ngày 8/5 vừa qua, Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte đã nói với tờ Thời báo Tài chính (FT) rằng bất chấp các mối đe dọa hạt nhân của Nga, đất nước của bà sẵn sàng gửi quân đến Ukraine để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.
Về phần mình, Kiev vẫn chưa đưa ra yêu cầu Litva gửi quân tới Ukraine thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Điều này có thể là do ảnh hưởng của Mỹ đối với Ukraine. Bởi trên thực tế, Mỹ phản đối ngay cả việc Ukraine sử dụng vũ khí sản xuất trong nước để nhắm vào lãnh thổ Nga. Do đó, việc sử dụng vũ khí của các nước NATO trong một cuộc tấn công tiềm tàng của Kiev vào lãnh thổ Nga được coi là có rủi ro cao. Việc cử binh sỹ NATO tới Ukraine cũng đối mặt với rủi ro tương tự.
Xem video mảnh vỡ tên lửa đạn đạo Tochka-U làm sập một phần chung cư ở thành phố Belgorod của Liên bang Nga
Về vấn đề này, vào ngày 6/5, người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, đã bình luận rằng: “Họ đang nói về việc chuẩn bị gửi lực lượng vũ trang tới Ukraine, và thậm chí cả về ý định trên thực tế là đưa binh lính NATO ra đối mặt với quân đội Nga. Đây là một giai đoạn gia tăng căng thẳng hoàn toàn mới. Đây là tình huống chưa từng có và cần có các biện pháp đặc biệt”.
Trong bài báo có tiêu đề “Khi Nga tiến lên, NATO cân nhắc gửi huấn luyện viên đến Ukraine” đăng ngày 16/5 vừa qua, tờ Thời báo New York viết rằng có thông tin là Kiev đã yêu cầu Mỹ và các đồng minh của Mỹ hỗ trợ. Tuy nhiên, người ta không mong đợi Mỹ sẽ thực hiện bước đi này. Bởi vì một cuộc tấn công vào các huấn luyện viên quân sự của NATO ở Ukraine có thể kích hoạt điều khoản phòng thủ tập thể của NATO và nhu cầu về phòng không tiên tiến để bảo vệ họ. Trong khi một số nước, đặc biệt là các nước vùng Baltic, chính thức ủng hộ hoặc thể hiện sự quan tâm đến ý tưởng này thì đa số, bao gồm cả Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, lại phản đối”. Tuy nhiên, khi phát biểu với các phóng viên ngày 16/5, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đại tướng Charles Q. Brown đã tuyên bố rằng cuối cùng, một số lượng đáng kể nhân viên NATO đang tại ngũ sẽ phải được gửi đến Ukraine. Điều này cũng hàm ý việc NATO đưa quân tới Ukraine là “tất yếu”.
Tóm lại, tới nay, các cuộc tranh luận liên quan đến khả năng NATO triển khai quân tới Ukraine và việc kích hoạt Điều 5 của NATO vẫn tiếp tục. Nhưng nếu Nga không ngừng chiến tranh và tiếp tục tiến sâu vào trong lãnh thổ Ukraine, có thể NATO sẽ cân nhắc các phương án nêu trên. Trong kịch bản như vậy, chúng ta có thể đang thực sự nói về nguy cơ xung đột hoặc khủng hoảng toàn cầu. Bởi về phía Nga, họ đã đưa ra cảnh báo về “chiến tranh hạt nhân” hoặc “Chiến tranh Thế giới thứ ba” liên quan đến vấn đề này.
Trên thực tế, vào ngày 21/5, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga tuyên bố các lực lượng nước này đã bắt đầu giai đoạn thứ nhất của cuộc tập trận quân sự “bao gồm huấn luyện thực hành về chuẩn bị và sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược” tại Quân khu miền Nam, nằm tiếp giáp với Ukraine. Bộ Quốc phòng Liên bang Nga tuyên cũng nói thẳng rằng mục đích của cuộc diễn tập này là nhằm đảm bảo rằng các đơn vị và thiết bị sẵn sàng cho "việc sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược trong chiến đấu để đáp trả và đảm bảo vô điều kiện sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhà nước Nga trước những tuyên bố khiêu khích và mối đe dọa của các quan chức phương Tây chống lại Nga".
Xem video Nga bắt đầu tập trận sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm đáp trả mối đe doạ phương Tây. Nguồn: Reuters/Bộ Quốc phòng Liên bang Nga