Tổng thống Iran thiệt mạng trong vụ rơi máy bay trực thăng
Ngày 19/5, chiếc máy bay trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cùng đoàn tháp tùng đã rơi xuống vùng núi xa xôi thuộc tỉnh Đông Azarbaijan trong điều kiện thời tiết xấu.
Chiếc máy bay đã bất ngờ mất liên lạc khi đang trên đường di chuyển từ Khoda Afarin, nơi ông Raisi đã tham dự lễ khánh thành một đập nước cùng với người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev, đến thủ phủ tỉnh Tabriz để dự lễ khánh thành một khu liên hợp hóa dầu.
Phái đoàn tháp tùng ông Raisi di chuyển trên 3 chiếc trực thăng. Khoảng 30 phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay chở ông Raisi mất liên lạc với hai chiếc còn lại. Các máy bay trực thăng ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm xung quanh khu vực trong khoảng 20 phút, nhưng buộc phải hạ cánh khẩn cấp do điều kiện thời tiết xấu và sương mù dày đặc.
Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ của Iran (IRCS) sau đó thông báo tất cả những người trên máy bay trực thăng chở Tổng thống Raisi và đoàn tháp tùng, trong đó có Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian, đã tử nạn. Ngày 20/5, IRCS cho biết đã tìm thấy thi thể của ông Raisi và những quan chức tháp tùng trong vụ rơi máy bay một ngày trước đó, đồng thời tuyên bố công tác tìm kiếm đã kết thúc.
Ngày 23/5, thi thể ông Raisi đã được chôn cất tại thánh địa Hồi giáo Imam Reza tại quê hương ông ở thành phố Mashhad, phía Đông Bắc Iran.
Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã chủ trì tang lễ Tổng thống Ebrahim Raisi, với sự tham dự của những người đứng đầu và đại diện các nước ở Trung Đông, Bắc Phi, châu Á và châu Âu. Đông đảo người dân Iran cũng đã đổ ra các tuyến đường ở thủ đô Tehran để tham dự lễ đưa tang nhà lãnh đạo đất nước.
Cùng ngày, Iran đã công bố báo cáo đầu tiên về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay trực thăng, cho thấy không có dấu vết của đạn hay vật dụng tương tự nào được tìm thấy trên mảnh vỡ của chiếc trực thăng bị rơi.
Liên quan đến tình hình Iran, ngày 20/5, Nội các Iran tuyên bố chính phủ nước này sẽ tiếp tục hoạt động mà “không có sự gián đoạn dù là nhỏ nhất”, sau khi Tổng thống Raisi tử nạn. Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber đảm nhận chức Tổng thống tạm quyền và Iran sẽ tổ chức cuộc bầu cử sớm và 28/6.
Tổng thống Nga ký sắc lệnh tịch thu tài sản của Mỹ
Ngày 23/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh, trong đó nêu rõ phương hướng hành động của Moskva đối với việc các nước tịch thu và sử dụng bất kỳ tài sản nào của Nga bị “đóng băng” ở Mỹ.
Theo sắc lệnh, Nga sẽ xác định các loại tài sản tài chính của Mỹ có thể được dùng để bồi thường cho những tổn thất từ việc tịch thu tài sản của Nga bị phong tỏa ở Mỹ. Những loại tài sản này gồm chứng khoán đã được niêm yết, bất động sản, động sản (tài sản di dời được) và quyền sở hữu. Thẩm quyền xác định loại tài sản nói trên sẽ thuộc về một ủy ban của Chính phủ Nga. Còn việc đưa ra quyết định bồi thường sẽ thuộc về thẩm quyền của tòa án.
Mỹ và các đồng minh đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Nga như một phần của các lệnh trừng phạt khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Hầu hết số tài sản đó đang được nắm giữ ở EU. Theo kế hoạch của EU, lợi nhuận hằng năm của các tài sản này dự kiến từ 2,5 - 3 tỷ euro và 90% lợi nhuận thu được từ tài sản này sẽ được sử dụng để hỗ trợ quân sự cho Kiev thông qua Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF), phần còn lại sẽ được chuyển vào ngân sách EU và được sử dụng cho mục đích tái thiết Ukraine.
Lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cũng đang thảo luận cách thức có thể làm đối với số tài sản bị phong tỏa của Nga. Trong khi đó, Moskva đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về những hậu quả nghiêm trọng nếu các nước này tịch thu và sử dụng tài sản của Nga.
Anh bồi thường cho các nạn nhân trong vụ bê bối “máu bẩn”
Ngày 21/5, Chính phủ Anh thông báo bắt đầu trả thêm các khoản bồi thường tạm thời cho nạn nhân của vụ bê bối truyền máu nhiễm bệnh hồi thập niên 1970 và 1980 ở nước này.
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Dịch vụ Tài chính John Glen cho biết chính phủ sẽ thực hiện các khoản bồi thường tạm thời trước khi lập kế hoạch đầy đủ. Theo đó, những người mắc bệnh còn sống sẽ nhận được khoản tiền 210.000 bảng Anh (265.000 USD).
Một ngày trước đó, phát biểu trước Hạ viện,Thủ tướng Rishi Sunak đã chính thức gửi lời xin lỗi tới các nạn nhân và gia đình của họ. Theo ông, vụ bê bối này là có thể tránh được, song những cảnh báo đã bị giới chức chính phủ và y tế Anh khi đó phớt lờ.
Lời xin lỗi được Thủ tướng Anh đưa ra sau khi cùng ngày ủy ban điều tra công bố kết quả cuộc điều tra kéo dài tới 6 năm cho thấy vụ bê bối này không phải là sự cố ngẫu nhiên mà do lỗi bất cẩn, từ cả phía các bác sĩ và các chính phủ Anh thời đó. Hơn 30.000 người trên khắp thế giới bị truyền máu và các sản phẩm “máu bẩn” từ Dịch vụ y tế quốc gia Anh, khiến 3.000 người tử vong và hàng nghìn người khác mắc các bệnh về gan hay HIV.
Đây được xem là một trong những vụ bê bối tồi tệ nhất trong lịch sử y tế nước Anh. Năm 2022, Anh đã mở lại cuộc điều tra về vụ việc. Ủy ban điều tra cũng kêu gọi Chính phủ Anh bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân.
Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI)
Với chủ đề “Xây dựng dựa trên Hội nghị thượng đỉnh An toàn AI: Hướng tới một tương lai đổi mới và toàn diện”, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) do Hàn Quốc và Anh đồng tổ chức diễn ra trong hai ngày 21 và 22/5/2024 tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Hội nghị được xem là bước cụ thể hóa các nội dung trong Tuyên bố Bletchley - hướng dẫn toàn cầu đầu tiên về an toàn AI - được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh an toàn AI toàn cầu đầu tiên được tổ chức tại Anh vào tháng 11/2023.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Seoul về việc thúc đẩy AI an toàn, sáng tạo và toàn diện để giải quyết các thách thức và cơ hội liên quan đến công nghệ đang phát triển nhanh chóng này.
“Chúng tôi nhận thức rằng an toàn, đổi mới và tính toàn diện của AI là những mục tiêu liên quan với nhau và việc đưa các ưu tiên này vào các cuộc thảo luận quốc tế về quản trị AI là rất quan trọng để giải quyết phạm vi rộng các cơ hội và thách thức mà việc thiết kế, phát triển, triển khai và sử dụng AI mang lại”, tuyên bố nêu rõ.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng tương tác giữa các khuôn khổ quản trị AI theo cách tiếp cận dựa trên rủi ro để tối đa hóa lợi ích và giải quyết nhiều rủi ro từ AI, nhằm đảm bảo thiết kế, phát triển, triển khai và sử dụng AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy.
Theo các nhà phân tích, những kết quả đạt được tại hội nghị lần này có thể giúp xây nền tảng vững chắc để thế giới được an toàn trong thời đại AI.