Một máy bay trực thăng chở phái đoàn cấp cao Iran đã bị rơi tại khu rừng rậm ở tỉnh Đông Azarbaijan, Iran hôm 19/5. Các hành khách trên trực thăng, bao gồm Tổng thống Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein AmirAbdollahian, Thống đốc tỉnh Đông Azerbaijan của Iran Malek Rahmati, và Ayatollah Mohammad Ali Ale-Hashem - đại diện của Lãnh đạo Cách mạng Hồi giáo ở Đông Azerbaijan, cùng với một số người khác đã thiệt mạng trong vụ tai nạn.
Sự cố gây chấn động khu vực
Vụ tai nạn máy bay trực thăng khiến Tổng thống và Ngoại trưởng Iran thiệt mạng đã gây ra làn sóng chấn động khắp khu vực. Truyền thông nhà nước Iran hôm 20/5 cho biết, thi thể của Tổng thống Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian cùng các quan chức, vệ sĩ của Tổng thống đã được tìm thấy tại địa điểm chiếc trực thăng gặp nạn sau nhiều giờ tìm kiếm ở vùng núi đầy sương mù ở phía Tây Bắc Iran.
Ông Raisi, 63 tuổi, người có đường lối cứng rắn, từng lãnh đạo cơ quan tư pháp, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2021 của Iran. Ông Raisi cũng tiếp tục chính sách “hướng Đông” của người tiền nhiệm Hassan Rouhani. Để đạt được mục tiêu này, ông và chính quyền đã theo đuổi mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh đã tăng nhập khẩu dầu của Iran và làm trung gian cho một thỏa thuận ngoại giao lịch sử giữa Iran và Saudi Arabia vào tháng 3/2023. Theo hãng Thông tấn nhà nước IRNA, vụ tai nạn đã khiến toàn bộ 8 người trên chiếc trực thăng Bell 212 mà Iran mua vào đầu những năm 2000 thiệt mạng.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei đã tìm cách trấn an công chúng nước này, cho rằng mọi người “không phải lo lắng, vì việc điều hành đất nước sẽ không bị gián đoạn”. Ngày 20/5, ông Khamenei tuyên bố 5 ngày quốc tang Tổng thống Raisi và thông qua việc chỉ định Phó Tổng thống Mohammad Mokhber tạm thời tiếp quản vị trí của ông Raisi. Nội các Iran cũng đã bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ali Bagheri làm quyền Bộ trưởng sau khi Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian tử nạn trong vụ rơi trực thăng. Cùng ngày, Chủ tịch Cơ quan bầu cử Iran Mohsen Eslami, thông báo cuộc bầu cử bất thường để bầu ra Tổng thống mới của Iran sẽ được tổ chức vào ngày 28/6 tới.
Phản ứng của thế giới
Vụ tai nạn đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới bày tỏ quan ngại, đề nghị hỗ trợ sau khi trực thăng của Tổng thống Iran bị rơi do điều kiện thời tiết xấu. Các nước trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Iraq và Saudi Arabia đã bày tỏ quan ngại về vụ việc và sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực tìm kiếm cứu nạn. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, tối 19/5, nước này đã cử một máy bay không người lái tham gia các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ theo yêu cầu của phía Iran thông qua Bộ Ngoại giao. Máy bay không người lái Akinci của Thổ Nhĩ Kỳ đã xác định được “nguồn nhiệt được cho là mảnh vỡ của chiếc trực thăng” và đã chia sẻ tọa độ của nó với chính quyền Iran.
Còn Saudi Arabia cho biết, họ luôn “sát cánh với Iran trong hoàn cảnh khó khăn này”. Qatar cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về vụ chiếc trực thăng chở Tổng thống Iran gặp nạn, cho biết sẵn sàng cung cấp mọi hình thức hỗ trợ để tìm kiếm chiếc máy bay.
Các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ việc và sẵn sàng hỗ trợ Iran. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã rút ngắn kỳ nghỉ của ông và nhanh chóng quay trở lại Nhà Trắng để họp khẩn cấp sau vụ việc liên quan đến chiếc trực thăng chở Tổng thống Iran. Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết: “Tổng Thư ký theo dõi các tin tức về sự cố máy bay của Tổng thống Iran Raisi với sự quan ngại”. Ủy viên châu Âu phụ trách viện trợ nhân đạo và quản lý khủng hoảng Janez Lenarcic cho biết ủy ban đã kích hoạt dịch vụ lập bản đồ vệ tinh để hỗ trợ các nỗ lực tìm kiếm, sau khi Iran đề nghị trợ giúp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong một tuyên bố do Điện Kremlin đưa ra, đã mô tả ông Raisi “là một người bạn thực sự của Nga”. Trên trang cá nhân, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ “vô cùng đau buồn và sốc trước cái chết bi thảm của Tiến sĩ Seyed Ebrahim Raisi, Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran. Đóng góp của ông trong việc tăng cường mối quan hệ song phương Ấn Độ - Iran sẽ luôn được ghi nhớ”. Ngày 20/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Chủ tịch nước Tập Cận Bình, đã gửi lời chia buồn về sự ra đi của Tổng thống Iran Raisi. Rafael Grossi, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, đã tổ chức một phút mặc niệm tại một hội nghị hạt nhân.
Đặc biệt, Mỹ và EU cũng gửi lời chia buồn tới Chính phủ Iran sau vụ tai nạn. Động thái này từ Washington và Brussels đã đưa ra dấu hiệu rõ ràng về mong muốn của phương Tây trong việc duy trì đường lối ngoại giao với Tehran vào thời điểm bất ổn lớn ở Trung Đông. Các quan chức Mỹ và châu Âu đã tổ chức các cuộc thảo luận với những người đồng cấp Iran trong những tuần gần đây để cố gắng ngăn chặn cuộc chiến giữa Israel và Hamas lan rộng hơn nữa trên toàn khu vực.
Đến nay, dù chưa có phản ứng chính thức nào từ Israel, nhưng hãng tin Reuters ngày 20/5 dẫn lời một quan chức Israel tuyên bố nước này không liên quan tới vụ tai nạn trực thăng chở Tổng thống Iran khiến ông và một số thành viên trong đoàn tùy tùng thiệt mạng.
Tác động hạn chế
Vụ tai nạn đã có tác động ngay lập tức đến hoạt động ngoại giao của Iran. BagheriKani, người đã có cuộc hội đàm gián tiếp với các quan chức Mỹ vào tuần trước do phía Oman làm trung gian, đã hủy cuộc gặp dự kiến diễn ra tại Geneva vào ngày 22/5 với quan chức EU Enrique Mora, người đã chủ trì các cuộc đàm phán hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng vụ tai nạn sẽ khó dẫn đến những thay đổi đáng kể trong chính sách của Iran trên trường quốc tế hoặc vai trò của nước này ở Trung Đông, bao gồm cả vấn đề hạt nhân và cuộc chiến ở Gaza.
Jonathan Panikoff, Giám đốc Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft thuộc Chương trình Trung Đông của Hội đồng Đại Tây Dương và là cựu quan chức tình báo quốc gia Mỹ về Trung Cận Đông, nhận định: Việc Tổng thống Raisi thiệt mạng trong vụ tai nạn có thể đã gây sốc cho Trung Đông và thế giới, nhưng không làm thay đổi định hướng chiến lược của Iran trong chính sách đối nội hoặc đối ngoại. Trong khi ông Raisi giữ chức Tổng thống, quyền lực của ông bị hạn chế bởi nhà lãnh đạo tối cao của Iran, người có quyền quyết định cuối cùng.
Đồng quan điểm trên, Ali Vaez, chuyên gia về Iran tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho biết: “Người kế nhiệm sẽ là người bảo thủ và trung thành với hệ thống như ông Raisi”. Hôm 20/5, nhà đàm phán hạt nhân lâu năm của Iran Ali Bagheri được bổ nhiệm làm quyền Ngoại trưởng để thay thế nhà ngoại giao hàng đầu Hossein Amir-Abdolahian, người cũng thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng. Hasni Abidi, Giám đốc Trung tâm
Phân tích và Nghiên cứu về Thế giới Arab và Địa Trung Hải ở Geneva, nêu quan điểm: Bộ Ngoại giao Iran đã có người đứng đầu mới và có cùng ưu tiên: Đàm phán về chương trình hạt nhân. Chương trình hạt nhân của Iran và việc ra quyết định liên quan vấn đề này sẽ không thay đổi vì cuối cùng thì lãnh đạo tối cao và Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran mới là đối tượng giám sát hồ sơ hạt nhân.
Mặc dù vậy, chuyên gia Panikoff lưu ý rằng, việc ông Raise đột ngột qua đời đã để lại khoảng trống quyền lực nhất định ở Iran. Mục 131 của Hiến pháp Iran cho phép Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber lên tạm quyền. Nhưng ông Mokhber khó có thể kế nhiệm ông Raisi. Nhiều khả năng, ông Mokhber sẽ được thay thế bởi người kế nhiệm sau cuộc bầu cử ngày 28/6 tới. Đối với chế độ, cuộc bầu cử Tổng thống bất thường là một vấn đề đau đầu mà gần như chắc chắn họ muốn tránh. Hội đồng Hiến pháp (hay Hội đồng Giám hộ) từng cho rằng Tổng thống Raisi có thể thay thế lãnh đạo tối cao Khamenei. Với kế hoạch đó hiện đã tan vỡ, Hội đồng trên có thể sẽ còn nghiêm ngặt hơn về việc cho phép ai tham gia tranh cử, với mục đích đảm bảo Tổng thống tiếp theo có thể bảo vệ và duy trì chế độ vào thời điểm có nhiều biến động trong nước và khu vực.