Một trong những vị trí đáng chú ý nhất đối với các quan chức Mỹ là Ngoại trưởng mới của Iran. Tuy nhiên, sau khi tên quyền Ngoại trưởng Iran được công bố, người này được cho là một nhân vật quen thuộc với chính quyền Mỹ - ông Ali Bagheri Kani.
Theo các quan chức Mỹ, Kani mang tư tưởng đường lối cứng rắn và luôn đóng vai trò là nhà đàm phán hàng đầu cho Iran trong các cuộc đàm phán với Mỹ về mọi lĩnh vực, từ vấn đề hạt nhân đến việc các lực lượng thân nước này tấn công các tiện ích của Mỹ và đồng minh trong khu vực.
Chỉ trong tuần trước tại Oman, ông Kani là thành viên trong phái đoàn gồm các quan chức cấp cao của Iran gặp gỡ gián tiếp với các quan chức Mỹ. Do Mỹ và Iran không có quan hệ ngoại giao chính thức nên hai phái đoàn phải ngồi ở phòng riêng và chờ quan chức Oman trao đổi thông điệp qua lại.
Các quan chức Mỹ chỉ ra Kani là một minh chứng cho thấy tại sao chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phần lớn kỳ vọng sẽ có ít thay đổi trong chính sách của Iran sau cái chết bất ngờ của Tổng thống Raisi.
Sau khi biết tin Tổng thống Raisi cùng các quan chức cấp cao khác tử nạn trong vụ rơi trực thăng, chính phủ Mỹ đều nhất trí rằng chính sách đối nội và đối ngoại của Iran có thể sẽ vẫn giữ nguyên.
Đó là bởi vì nhà lãnh đạo thực sự của Iran là Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Theo Jonathan Panikoff, cựu phân tích tình báo cấp cao chuyên về khu vực, mặc dù tổng thống có sức ảnh hưởng và tác động, nhưng quyền ra quyết định cuối cùng về mọi vấn đề chỉ được nắm giữ và củng cố bởi Lãnh tụ tối cao. Các quan chức Mỹ tin rằng ông Khamenei sẽ nỗ lực để đảm bảo rằng những người thay thế những người đã khuất ngồi vào vị trí lãnh đạo đất nước sẽ tuân thủ quan điểm cứng rắn của ông.
Tuy nhiên, các quan chức chính quyền cấp cao Mỹ vẫn đưa ra cảnh báo còn quá sớm để biết chắc chắn vụ tai nạn có thể ảnh hưởng như thế nào đến sự biến động chung trong khu vực, bao gồm việc Iran ứng phó trước cuộc xung đột ở Gaza. Nhưng hiện tại, chính quyền Tổng thống Biden tin rằng tác động sẽ không nhiều.
Các quan chức quân sự đánh giá cái chết của Tổng thống Raisi và việc bổ nhiệm ông Kani lên giữ vai trò Ngoại trưởng cũng không mở ra bất kỳ cơ hội đột phá nào cho Mỹ trong ứng xử với Iran. Những vấn đề như chương trình hạt nhân của Iran tiếp tục là thách thức nan giải với hai bên.
Các quan chức cho rằng quan điểm của chính quyền Tổng thống Biden là việc không tiếp xúc với Iran sẽ làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm nguy hiểm, đồng thời nói thêm Mỹ sẽ tiếp tục triển khai kết hợp giữa răn đe và ngoại giao, như cuộc đàm phán tuần trước, để đối phó với Iran.
Ali Bagheri Kani, sinh năm 1967, là một chính trị gia và học giả người Iran. Ông Kani có bằng Tiến sĩ về Kiến thức và Kinh tế Hồi giáo tại Đại học Imam Sadiq.
Ông Kani từng là trợ lý cho trưởng đoàn đàm phán Iran Saeed Jalili. Ông đóng vai trò nổi bật trong các cuộc đàm phán với các cường quốc phương Tây, vươn lên trở thành trụ cột của Bộ Ngoại giao Iran.
Bagheri Kani bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 1989, khi ông mới ngoài 20 tuổi, làm việc trong văn phòng Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran.
Năm 1994, ông chuyển đến Tập đoàn Phát thanh và Truyền hình Iran với tư cách là nhà phân tích chính trị trong phòng tin tức của Đài phát thanh Iran và chỉ làm việc trong đơn vị này vài tháng.
Ông chính thức bắt đầu sự nghiệp ngoại giao tại Vụ Các vấn đề Arab và châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao Iran, và sau đó phụ trách Vụ Các vấn đề châu Âu vào năm 2005. Sau khi bổ nhiệm chính trị gia bảo thủ Saeed Jalili làm thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Iran vào năm 2007, Bagheri Kani đã giữ chức trợ lý thư ký hội đồng.
Tên tuổi của ông Kani liền với các cuộc đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran, khi ông từng lãnh đạo nhóm đàm phán Iran ở Vienna và một số quốc gia Arab. Ông mang đường lối bảo thủ về mặt chính trị.