Kế hoạch phát 1.000 USD/người Mỹ của Tổng thống Trump triển vọng tới đâu?

Khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đe dọa đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất một ý tưởng khác lạ: phát không tiền mặt cho người dân.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trong cuộc họp báo hàng ngày về dịch COVID-19 tại Nhà Trắng ngày 17/3. Ảnh: Reuters  

Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hôm 17/3 đã đề xuất gửi các tấm séc trị giá 1.000 USD cho mỗi người trưởng thành tại Mỹ nhằm nhanh chóng bơm hàng trăm tỉ USD vào nền kinh tế, trong bối cảnh các hãng hàng không đang cắt giảm mạnh chuyến bay, các nhà hàng, sân vận động và nhiều địa điểm công cộng khác cũng bị đóng cửa.

Theo hãng tin Reuters, mặc dù chi tiết kế hoạch trên vẫn chưa rõ ràng, Washington có thể đang lặp lại chính sách từng được triển khai vào tháng 2/2008, khi xảy ra cuộc suy thoái toàn cầu. Đạo luật Kích thích Kinh tế năm 2008 đã cho phép cung cấp những khoản thanh toán trung bình 600 USD/người, qua đó bơm trên 100 tỉ USD vào nền kinh tế Mỹ chỉ trong vài tháng. Các khoản thanh toán đó được Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) gửi trực tiếp vào tài khoản của những người đóng thuế đã nộp thuế điện tử hoặc chuyển séc giấy cho những người đóng thuế khác. 

Các nhà kinh tế kết luận rằng đó là một trong nhưng biện pháp hiệu quả nhất được triển khai để giảm bớt tác động của cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ thập niên 1930.

Tuy nhiên, bất cứ một chương trình nào tương tự cũng cần có sự chấp thuận từ Quốc hội Mỹ. Hiện nay, chính quyền Tổng thống Trump đang vận động sự ủng hộ từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.

“Chúng ta chỉ đơn giản là sử dụng các hệ thống hiện có để đưa tiền mặt với tay người lao động và gia đình họ càng nhanh càng tốt”, Thượng nghị sĩ Tom Cotton phát biểu tại Thượng viện hôm 16/3 khi các nghị sĩ quay trở lại thủ đô Washington D.C để xem xét gói cứu trợ kinh tế, trước đó đã được Hạ viện thông qua với đa số áp đảo. 

Chú thích ảnh
Du khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Washington DC., Mỹ ngày 9/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Những người ủng hộ kế hoạch trên nói rằng nó sẽ có tác dụng nhanh hơn là những đề xuất khác, như giảm thuế quỹ lương (payroll tax), bởi vì chính phủ có thể đưa tiền đến tay người dân chỉ trong vài tháng và những đồng bạc xanh này sẽ nhanh chóng quay trở lại nền kinh tế.

“Tôi nghĩ các ngài nên chi tiền cho người dân. Rồi họ còn chi ra nhiều hơn thế”, bà Claudia Sahm, Giám đốc chính sách kinh tế vĩ mô tại Trung tâm Tăng trưởng công bằng Washington, phát biểu.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitt Romney và Thượng nghị sĩ Dân chủ Sherrod Brown cũng ủng hộ khoản thanh toán 1.000 USD, trong khi nữ Thượng nghị sĩ Dân chủ Kamala Harris kêu gọi chi “tiền mặt khẩn cấp” cho các gia đình.

Một số nhà kinh tế cho rằng hầu hết các hộ gia đình ở Mỹ, nếu có, thì cũng có rất ít tiền tiết kiệm, và số tiền được phát có thể được sử dụng để trang trải tiền thuê nhà, các hóa đơn khác nếu họ mất việc, hoặc được dùng để mua nhu yếu phẩm, từ đó quay trở lại nền kinh tế.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng có thể còn quá sớm để xem xét các khoản thanh toán trực tiếp cho người dân vì vẫn chưa rõ virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 sẽ ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế. Trong khi các hãng hàng không và nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nề thì tập đoàn Amazon thông báo có kế hoạch thuê 100.000 nhân viên để đáp ứng lượng đơn hàng giao tận nhà tăng vọt giữa mùa dịch. Hơn nữa, có thể mất nhiều tháng để những phản ứng tiền tệ mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ mới phát huy tác dụng.

Paul Winfree, một nhà kinh tế tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation) cho rằng, những nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 thông qua “khoảng cách an toàn” cũng có thể bị ảnh hưởng nếu chính quyền khuyến khích người dân ra ngoài để đi nhận thanh toán. “Tôi không biết rằng các quan chức y tế công cộng khuyến cáo tất cả chúng ta đều đi siêu thị và rạp phim để tiêu chi phiếu đó”, ông Winfree mỉa mai.

Chú thích ảnh
Tổng thống Donald Trump đã quyết định điều siêu tàu bệnh viện quân sự 1000 giường bệnh tới cảng New York, nhằm hỗ trợ tiểu bang này đối phó với tình hình dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: TTXVN phát

Ngoài ra, giống như các nỗ lực kích thích kinh tế khác, chi phí cho việc phát tiền không cũng sẽ không hề rẻ. Năm 2009, Sở Thuế vụ Mỹ từng gửi trên 132 triệu khoản thanh toán trong thời gian từ tháng 5-7 tới các hộ gia đình đã khai hoàn thuế cho năm trước đó. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, chương trình này tiêu tốn của Chính phủ Mỹ 106 tỉ USD doanh thu thuế bị mất và các khoản thanh toán thêm.

Mặc dù vậy, các nhà kinh tế cũng nhận thấy các khoản hoàn thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất mà Washington từng triển khai để giảm bớt tác động của suy thoái kinh tế. Công ty phân tích kinh tế Moody’s Analytics ước tính rằng mỗi đồng đô-la Mỹ chi tiêu sẽ dẫn đến 1,55-1,71 USD trong hoạt động kinh tế.

Nếu Quốc hội phê chuẩn tờ séc 1.000 USD mà Tổng thống Trump đề xuất, điều đó sẽ dẫn đến chi phí thực tế lớn hơn nhiều trong bối cảnh Washington đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách gần mức kỷ lục.

Nhưng ngay cả kế hoạch đó cũng có thể là không đủ. Jay Shambaugh, nhà kinh tế thuộc Dự án Hamilton - Viện Brookings, cho rằng các nhà lập pháp cũng nên nhanh chóng tăng thanh toán phiếu thực phẩm cho người thu nhập thấp và cắt giảm thuế quỹ lương cho các doanh nghiệp để giảm thiểu tình trạng sa thải nhân công. “Tôi nghĩ 1.000 USD là một ý tưởng hay, nhưng không thể là giải pháp duy nhất”, ông Shambaugh nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Hình thức thuê máy bay riêng 'phất' lên thời dịch COVID-19
Hình thức thuê máy bay riêng 'phất' lên thời dịch COVID-19

Trong bối cảnh các hãng hàng không thương mại trên toàn cầu đang lao đao trong cơn khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, một lĩnh vực của ngành hàng không lại đang “phất” lên nhờ đối tượng khách hàng giàu có, đó là dịch vụ cho thuê máy bay riêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN