Tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) bản điện tử ngày 19/3 cho biết, giới chức tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), các nước Đông Nam Á và một số địa phương tại Trung Quốc đang gấp rút tìm kiếm biện pháp đối phó mới sau khi xuất hiện làn sóng thứ hai dịch COVID-19.
Giới chuyên gia cho rằng, sự gia tăng bất ngờ các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cho thấy các biện pháp về phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm diện rộng mà Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực áp dụng có một số hạn chế nhất định. Nó cũng phản ánh lo ngại ngày một gia tăng về nguồn lây nhiễm từ nước ngoài. Số lượng các ca mắc mới dưới dạng “lây nhiễm nhập khẩu” tăng mạnh khi người dân tìm cách thoát ra các vùng dịch ở châu Âu và trở về nước.
Ông Ben Cowling, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hong Kong nhìn nhận, những biện pháp vừa qua chỉ là thành công tạm thời, chưa thực sự bền vững. Kiểm soát bệnh dịch đối mặt với thách thức mới khi số ca mắc bệnh có nguồn gốc từ châu Âu quay về ngày một tăng. Tình hình còn phức tạp hơn khi không chỉ châu Âu, mà các nơi trên thế giới đều xuất hiện dịch.
Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát sau khi lệnh phong tỏa được thực hiện từ tháng 12/2019. Nhưng trong hai tuần qua, số ca mắc bệnh có nguồn gốc từ nước ngoài tăng từ 50 lên 155 ca. Cục Xuất nhập cảnh Quốc gia Trung Quốc ngày 17/3 cho biết, kể từ thời điểm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch hôm 11/3, trung bình hàng ngày có khoảng 120.000 người nhập cảnh vào Trung Quốc.
Đài Loan (Trung Quốc) là nơi có tỉ lệ ca mắc mới ở mức thấp nhất trong khu vực, chỉ còn khoảng 100 ca dương tính với SARS-CoV-2 tính đến ngày 18/3. Nhưng hai tuần qua, số ca lây nhiễm tại Đài Loan có nguồn gốc từ nước ngoài tăng lên 31 ca. Tại Hong Kong, số bệnh nhân mắc COVID-19 tăng lên 168 trường hợp so với 116 ca tại thời điểm ngày 9/3 và khoảng 90% ca mắc mới rơi vào những người có hành trình đi lại gần đây. Singapore cũng ghi nhận mức tăng 60% ca nhiễm và hiện có 266 ca dương tính với SARS-CoV-2 chỉ sau tuần qua.