Israel và mối tơ vò mang tên 'khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh'

Việc Qatar viện trợ cho Hamas hàng tỷ USD trong suốt quá trình tồn tại của phong trào khiến Israel tức giận, nhưng Tel Aviv lại hy vọng cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các quốc gia vùng Vịnh với Doha sẽ nhanh chóng được giải quyết.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters

Theo bài bình luận trên đài Sputnik (Nga), mối quan hệ giữa Israel và Qatar từ lâu đã trở nên lạnh giá. Trong khi Israel có những mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia vùng Vịnh khác, việc Qatar tài trợ cho phong trào Hồi giáo Hamas là một trong những mâu thuẫn giữa hai bên. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Israel không hoan nghênh việc Qatar bị các nước láng giềng cô lập.

Qatar đã viện trợ cho Hamas hàng tỷ USD trong suốt quá trình tồn tại của phong trào này. Qatar đã đề nghị hỗ trợ ngoại giao, cho các nhà lãnh đạo lưu vong và các thành viên lưu vong của Hamas tị nạn. Hồi tháng 5, tại Doha, Hamas đã công bố một bản điều lệ bổ sung, theo đó chính thức chấp nhận ý tưởng về một nhà nước trong các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng kể từ cuộc chiến năm 1967.

Sự ủng hộ này của Qatar đã chọc giận Israel, vì vậy, việc các nhà lãnh đạo Israel hầu như không có phản ứng đối với cuộc khủng hoảng vùng Vịnh khá khó hiểu. Cho tới ngày 16/6, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Avigdor Lieberman là quan chức duy nhất trong chính quyền Israel lên tiếng công khai về vấn đề này. Ông Lieberman cho rằng việc Qatar bị cô lập chứng minh các nước Arab hiểu rằng chủ nghĩa khủng bố, chứ không phải chủ nghĩa Zion (phục quốc Do Thái) mới là mối đe dọa thực sự đối với khu vực, từ đó giúp mở ra “nhiều khả năng hợp tác” trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trong khi đó, báo cáo của Viện Nghiên cứu An ninh Israel tại Đại học Tel Aviv cảnh báo đây là cuộc khủng hoảng “nghiêm trọng nhất” kể từ khi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) được thành lập năm 1981, và lưu ý rằng mặc dù sự ủng hộ của Qatar đối với Hamas khiến giới chức Israel không hài lòng nhưng sự ủng hộ của Qatar ở những nơi khác có “tầm quan trọng lớn”.

Về cơ bản, trong khi chính quyền Israel tức giận vì sự ủng hộ của Qatar đối với Hamas, họ đã bớt căng thẳng về việc tiền của Qatar được chuyển vào Dải Gaza nhiều hơn thông lệ. Sau cuộc xung đột giữa lực lượng phòng vệ Israel và các tay súng Hamas tại Dải Gaza năm 2014, Doha đã cam kết chi 1 tỷ USD để tái thiết, dành cho các dự án nhân đạo, chi phí điện và tiền lương trong ở khu vực này.

“Qatar đầu tư vào Judea và Samaria (ví dụ ở thị trấn Rawabi của Palestine) và trong khu vực người Arab ở Israel. Tuy nhiên, hầu hết sự ủng hộ của Qatar đã chuyển tới Dải Gaza. Sự ủng hộ của Qatar đối với Hamas lớn hơn từ bất kỳ nước nào khác, được phản ánh trong việc tăng cường năng lực của chính quyền Hamas ở Dải Gaza, chủ yếu thông qua việc trả tiền lương và hỗ trợ cung cấp điện thường xuyên từ Israel, và xúc tiến phê duyệt các dự án nhân đạo và cơ sở hạ tầng. Qatar cũng có những nỗ lực hòa giải Israel và Hamas tập trung vào trao đổi tù nhân, thúc đẩy xây dựng cảng biển ngoài khơi Dải Gaza và cung cấp viện trợ cho cư dân Gaza”, báo cáo cho biết.

Sau cuộc xung đột năm 2014, Dải Gaza phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ - một tình trạng mà tới năm 2017 khu vực này mới khôi phục nhờ sự hào phóng của Qatar. Israel hoàn toàn nhận thức được rằng một cuộc khủng hoảng nhân đạo hay sự sụp đổ của khu vực bị chiến tranh tàn phá sẽ là công cụ tuyển mộ rõ ràng của chủ nghĩa cực đoan, và gần như chắc chắn sẽ kích động bạo lực – mối đe dọa khủng hoảng trong khu vực đã dẫn tới nhiều cuộc giao tranh quy mô lớn trong quá khứ.

Một áp lực nữa ở khu vực là việc Israel cắt giảm điện ở Dải Gaza theo yêu cầu của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, một động thái được xem là nỗ lực làm suy yếu Hamas. Đáp trả, Hamas tuyên bố động thái này “sẽ làm bùng nổ tình hình ở Dải Gaza”.
 
Ngoài ra, Israel có thể lo ngại rằng nếu nguồn tài chính mà Qatar cung cấp cho Hamas bị cắt đi, Hamas sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ các nguồn khác – mà Iran, đối thủ lớn nhất trong khu vực của Israel, là ứng cử viên tiềm năng nhất. Nguy cơ này sẽ không chỉ ảnh hưởng tới Israel mà còn tới các quốc gia vùng Vịnh khác và Mỹ. Israel thừa nhận rằng sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với bất lợi khi hợp tác với Qatar trong vấn đề này.

Trần Minh/Báo Tin Tức
Mỹ bắn hạ máy bay Su-22 của không quân Syria ở Raqqa và những điều cần biết
Mỹ bắn hạ máy bay Su-22 của không quân Syria ở Raqqa và những điều cần biết

Ngày 18/6, liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã bắn hạ một máy bay của không quân Syria. Căng thẳng Syria có thể leo thang lên cấp độ mới khi Moskva tuyên bố việc Mỹ tấn công máy bay của quân đội Syria là hành động "xâm lược", "hỗ trợ khủng bố" và Nga sẵn sàng bắn hạ bất kỳ máy bay nào lọt vào khu vực của nước này tại Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN