Bài viết cho rằng Đại hội đã khơi dậy những tư tưởng về chủ nghĩa xã hội với sức sống mới và kết quả Đại hội cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn là lực lượng lãnh đạo đối với cả hệ thống chính trị và toàn xã hội và sẽ “hoàn thiện đồng bộ, toàn diện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô”.
Bài viết nêu ra các mục tiêu phát triển đất nước trước mắt cũng như dài hạn đã được tất cả đại biểu dự Đại hội nhất trí trong đó có duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm (2021-2025) đạt khoảng 6,5 - 7%/năm, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Bài viết cho rằng thành công của Đại hội XIII còn là việc Đại hội đã bầu được nhiều cán bộ lãnh đạo trẻ, một minh chứng cho thấy tính cân bằng trong sự đổi mới của Đảng khi tiến hành thay đổi từng bước các thế hệ trong hàng ngũ lãnh đạo, đảm bảo duy trì sự cân bằng cần thiết giữa kinh nghiệm của những người lớn tuổi và sự năng nổ nhiệt tình của những người trẻ tuổi hơn...
Bên cạnh những điểm thuận lợi, nhiều vấn đề còn tồn tại cũng đã được thảo luận tại Đại hội. Nghị quyết đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới hơn nữa phương thức lãnh đạo - cầm quyền của Đảng, xây dựng bộ máy hệ thống chính trị tinh, gọn, hiệu quả, đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực, “lợi ích nhóm” và những biểu hiện "tự diễn biến", “tự chuyển hóa”.
Theo bài viết, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam ngày nay đã trở thành một trong những nước đi đầu cả về tốc độ phát triển kinh tế và sự đổi mới trong xã hội, với vị thế ngày càng gia tăng trên trường quốc tế. Các đại biểu dự Đại hội hoàn toàn ủng hộ việc duy trì một chính sách đối ngoại cân bằng và đa phương nhằm xây dựng quan hệ cùng có lợi với tất cả các nước, duy trì độc lập, tự chủ trong quan hệ với các đối tác thương mại chính, phát triển quan hệ với Nga. Nghị quyết Đại hội đã chỉ ra sự cần thiết phải “theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa; chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam”.
Bài viết cũng điểm lại một loạt các thành tựu của Việt Nam trong cả lĩnh vực đối nội và đối ngoại, từ phát triển kinh tế - xã hội, việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 đến những kết quả hoạt động của Việt Nam tại diễn đàn Liên hợp quốc, đặc biệt là chính sách đối ngoại hòa bình và có trách nhiệm của Việt Nam.