Theo tờ Wall Street Journal ngày 30/9, vài tuần sau khi Hamas thực hiện cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10 năm ngoái, Hassan Nasrallah, thủ lĩnh của Hezbollah, đã có một bài phát biểu mạnh mẽ, tuyên bố rằng phong trào này sẽ tham gia vào cuộc chiến chống Tel Aviv. Ông Nasrallah khẳng định rằng Israel đang "run rẩy" và "yếu hơn cả mạng nhện", nhấn mạnh rằng cuộc chiến này không chỉ mang tính lịch sử mà còn là một bước ngoặt, đồng thời kêu gọi tất cả các phong trào dân quân thân Iran ở Liban đến Syria, Iraq và Yemen tham gia.
Tuy nhiên, vào cuối tuần qua, ông Nasrallah đã thiệt mạng, cùng với nhiều lãnh đạo cấp cao khác của Hezbollah, và nhóm này đã chịu thiệt hại nặng nề từ các cuộc tấn công của Israel. Israel không chỉ tấn công thành công vào các mục tiêu quân sự của Hezbollah mà còn cho thấy họ đã xâm nhập sâu vào hệ thống tình báo của nhóm này. Hậu quả đó cho thấy hai sai lầm chiến lược nghiêm trọng của ông Nasrallah và Hezbollah: đánh giá thấp khả năng của Israel và đánh giá quá cao năng lực từ các đồng minh của họ trong khu vực.
Hezbollah sở hữu một kho vũ khí khổng lồ, bao gồm tên lửa và rocket, nhằm răn đe và ngăn chặn sự leo thang từ phía Israel. Tuy nhiên, cho đến nay, những vũ khí này chưa gây ra thiệt hại đáng kể nào cho Israel. Theo Bộ Y tế Liban, hơn 1.000 người đã thiệt mạng tại nước này trong các cuộc không kích của Israel kể từ ngày 16/9, nhưng không một người Israel nào thiệt mạng do các cuộc tấn công của Hezbollah kể từ ngày 19/9.
Fouad Siniora, cựu Thủ tướng Liban, chỉ ra rằng mặc dù Hezbollah hành động như một đội quân, nhưng họ không thể sánh được với Israel về hỏa lực, sức mạnh trên không, tình báo và công nghệ. Điều này cho thấy Hezbollah, dù mạnh trong mắt nhiều người ở Liban và khu vực, vẫn là một lực lượng yếu thế khi đối đầu với Israel.
Nhà phân tích chính trị người Liban Michael Young nhận định, một trong những hậu quả lớn nhất đối với Hezbollah từ sai lầm trên chính là sự suy yếu nghiêm trọng về danh tiếng và uy tín chính trị tại Liban. Trước đây, Hezbollah từng được coi là một lực lượng "bất khả chiến bại" trong mắt nhiều người Liban, nhưng giờ đây, sự thất bại trong cuộc chiến với Israel đã làm mất đi "ánh hào quang" đó.
Khu vực phía Nam Liban, nơi tập trung phần lớn cộng đồng người Shiite, đã phải chịu những tổn hại nặng nền từ các cuộc không kích của Israel, khiến hàng nghìn người phải di tản. Điều này đặt ra các thách thức cho Hezbollah trong việc duy trì sự hỗ trợ từ chính cộng đồng người Shiite mà họ dựa vào.
Kết quả cuối cùng của cuộc xung đột hiện tại vẫn chưa rõ ràng, nhưng một điều chắc chắn là Hezbollah đã mất đi phần lớn kiểm soát và ảnh hưởng mà họ từng có ở Liban. Thêm vào đó, phong trào này hiện phải đối mặt với nguy cơ bị phản đối ở Liban, khi nhiều người dân bắt đầu tỏ ra thất vọng với các cuộc xung đột mà Hezbollah đã gây ra.
Có thể nói, Hezbollah hiện đang rơi vào một tình thế khó khăn, nhưng Israel cũng có nguy cơ mắc phải cái bẫy tương tự. Nếu Israel tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Liban, họ có thể gặp phải những hậu quả giống như cuộc chiến năm 1982, vốn dẫn đến việc thành lập Hezbollah và cuộc rút quân đơn phương khỏi miền Nam Liban vào năm 2000. Bất chấp việc ông Nasrallah và các chỉ huy cấp cao thiệt mạng, Hezbollah vẫn còn hàng nghìn chiến binh dày dạn kinh nghiệm và một kho vũ khí lớn có thể gây ra thương vong đáng kể.
Ksenia Svetlova, cựu nhà lập pháp Israel, cảnh báo rằng Hezbollah có thể trỗi dậy từ đống tro tàn nếu Israel bắt đầu hoạt động trên bộ ở miền Nam Liban. Trong khi các chỉ huy Israel nhận thấy những nguy hiểm của chiến đấu trên bộ và nhớ lại những tổn thất từ chiến dịch năm 2006, mục tiêu chính trị của Israel - đưa khoảng 60.000 người Israel trở về khu vực biên giới phía Bắc - rất khó đạt được chỉ bằng sức mạnh không quân.
Dù Hezbollah đã bị suy yếu, nhóm này vẫn từ chối ngừng bắn nếu Israel không đồng ý với điều kiện ngừng bắn với Hamas ở Gaza. Theo Eyal Zisser, chuyên gia về khu vực, điều này sẽ là một thất bại nếu Hezbollah đồng ý ngừng bắn trong hoàn cảnh này. Sự suy yếu của Hezbollah đang đặt ra thách thức đặc biệt cho Iran, vì họ phụ thuộc vào lực lượng này để bảo vệ lợi ích của mình trước các cuộc tấn công tiềm tàng từ Israel.
Michael Horowitz, Giám đốc tình báo tại Le Beck International, nhận định rằng Hezbollah không chỉ là một "công cụ" của Iran mà còn là một phần quan trọng trong học thuyết phòng thủ của nước này. Tuy nhiên, hiện tại Iran đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: họ cần bảo vệ Hezbollah, nhưng đồng thời lại không muốn dấn thân vào một cuộc xung đột trực tiếp với Israel.