Không lâu sau khi Thủ tướng Anh Theresa May cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ hạ độc ông Skripal và trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, hàng loạt quốc gia phương Tây đã nối gót Anh.
Ngày 26/3, Mỹ lệnh trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa Tổng lãnh sự quán Nga tại Seattle. Hàng chục quốc gia châu Âu và đồng minh của Anh cũng trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Nhằm trả đũa, Nga trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ, đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg. Nga cũng đã trục xuất số nhà ngoại giao phương Tây tương ứng.
Theo stratfor.com, nếu Mỹ và Anh thực hiện các biện pháp trừng phạt hoặc áp đặt quy định mới về visa, Nga cũng sẽ thực hiện theo.
Trả đũa qua lại giữa các bên sẽ có tác động mạnh tới hoạt động tình báo và phản gián của cả hai bên.
Vỏ bọc ngoại giao
Đa số mọi người thường nghĩ đại sứ quán chỉ làm chức năng ngoại giao, lãnh sự, thương mại... Song trên thực tế, các đại sứ quán còn làm vỏ bọc cho các tổ chức tình báo. Nga, Mỹ hay mọi quốc gia đều sử dụng cơ sở ngoại giao để thực hiện các nhiệm vụ tình báo và tất cả các quốc gia đều coi đây là điều bình thường. Các chính phủ Nga và phương Tây sử dụng đại sứ quán để làm nơi hoạt động cho các nhân viên tình báo dưới vỏ bọc miễn trừ ngoại giao. Họ tập trung nỗ lực phản gián thông qua hoạt động giám sát các nhân viên tình báo được cài cắm ở các cơ sở ngoại giao nước ngoài.
Trụ sở Đại sứ quán Mỹ tại Moskva. Ảnh: RT |
Sau hàng loạt vụ trục xuất nhân viên ngoại giao giữa Nga và phương Tây, tất cả các bên có liên quan sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về hoạt động tình báo và phản gián. Đặc biệt là Nga và Mỹ, vì đây là hai quốc gia có số lượng người bị trục xuất nhiều nhất (60 nhân viên ngoại giao mỗi nước).
Phần lớn những nhà ngoại giao Nga-Mỹ bị trục xuất đều không phải nhân viên ngoại giao thuần túy, mà là nhân viên tình báo dưới vỏ bọc ngoại giao. Khi họ buộc phải về nước, những người còn lại sẽ chịu áp lực lớn với khối lượng công việc phải làm thay. Nếu họ là nhân viên tình báo không có vỏ bọc chính thức hoặc quyền miễn trừ ngoại giao, họ sẽ rơi vào tình thế đặc biệt bất lợi và dễ bị tổn thương hơn.
Ở Mỹ, những nhân viên tình báo như vậy được gọi là nhân viên tình báo không có vỏ bọc chính thức. Còn ở Nga, những người này bị xếp vào loại bất hợp pháp.
Theo Stratfor, sau vụ trục xuất các nhà ngoại giao, những nhân viên tình báo thuộc diện trên sẽ phải căng mình hoạt động, đảm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ, phải tuyển thêm điệp viên mới hoặc có thêm người cần phải theo dõi. Những điệp viên thường làm việc với nhân viên tình báo vừa bị trục xuất sẽ phải phụ thuộc nặng nề vào phương pháp liên lạc bí mật, chứ không thể gặp mặt trực tiếp.
Với những nhân viên tình báo không có vỏ bọc chính thức, họ sẽ phải xử lý những vấn đề phát sinh trong các cuộc gặp trực tiếp. Mỹ và Nga có thể sẽ phải điều thêm nhân viên tình báo dạng này để hỗ trợ xử lý khối lượng công việc.
Sẽ có nhiều vụ bắt giữTừ quan điểm phản gián, các vụ trục xuất đã giải phóng nguồn lực lớn. Các cơ quan phản gián Nga và Mỹ giờ đã bớt đi "60 mục tiêu" phải theo dõi, có nghĩa là các điệp viên, đội giám sát và công nghệ có thể được sử dụng vào các ưu tiên hay nhiệm vụ khác. Họ có thể theo dõi kỹ lưỡng hơn các mục tiêu đã biết hoặc truy tìm gắt gao các nhân viên tình báo không có vỏ bọc chính thức và quyền miễn trừ ngoại giao.
Nói chung, Nga và phương Tây sẽ phải tốn công hơn trong tìm hiểu đối phương đang định làm gì.
Khi các nhân viên tình báo không có vỏ bọc chính thức bắt đầu tăng cường hoạt động, các cơ quan phản gián sẽ tập trung nhiều nguồn lực hơn để truy tìm họ. Kết quả là sẽ có ngày càng nhiều những người như vậy bị "khoanh vùng" và bắt giữ.
Các vụ bắt giữ này nhiều khả năng sẽ được công khai và gần như chắc chắn giữa hai bên sẽ thực hiện các vụ trao đổi điệp viên như thời Chiến tranh Lạnh.
Khi nhiều hoạt động xảy ra trong cuộc chiến tình báo giữa Nga và phương Tây đều dưới dạng ăn miếng trả miếng, như trục xuất và bắt giữ, thậm chí là giám sát và quấy rối các nhà ngoại giao, sân chơi sẽ không công bằng.
Phương Tây có lợi thế trong kỹ thuật theo dõi. Còn Nga sẽ có lợi thế sân nhà trong hoạt động phản gián.
Dân thường bị “vạ lây”
Dân thường ở giữa cuộc chiến tình báo leo thang có thể bị kiểm soát ngặt nghèo hơn, đặc biệt là nhà báo, nhân viên các tổ chức phi chính phủ, khách du lịch và người đi công tác nước ngoài.
Các cơ quan an ninh phương Tây sẽ “soi” kỹ các du khách từ Nga và những người ở Nga sẽ làm điều tương tự với du khách phương Tây.
Không chỉ với những người mang quốc tịch Nga hay các nước phương Tây, ngay cả với những người có quốc tịch khác cũng sẽ là mục tiêu soi chiếu an ninh kỹ hơn, vì giới chức tình báo thường sử dụng người ở nước thứ ba để đánh lạc hướng các đặc vụ phản gián.
Ví dụ, trong số 11 đặc vụ làm việc cho Nga bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ bắt năm 2010 có 4 người là công dân Canada, 4 người là công dân Mỹ, 2 người là công dân Peru và một người là công dân Anh.
Các cá nhân bị nghi là nhân viên tình báo sẽ bị giám sát gắt gao và mọi hoạt động liên lạc điện tử sẽ bị theo dõi. Cơ quan phản gián địa phương có thể cũng sẽ thẩm vấn trực tiếp nghi can để đánh động họ hoặc thông báo họ đang bị lọt vào tầm ngắm.
Người bị nghi là nhân viên tình báo hoặc có lợi ích liên quan tới tình báo Nga có thể bị bị rơi vào “bẫy mật”. Du khách phương Tây tới du lịch Nga có thể sẽ "vô tình" được bối trí ở các phòng khách sạn bị nghe lén hoặc quay lén.
Trong bối cảnh mới này, các công ty, tổ chức phương Tây hoạt động ở Nga cũng như các công ty, tổ chức Nga hoạt động ở phương Tây sẽ phải thích nghi với cuộc chiến tình báo-phản gián mới này, không còn cách nào khác.