Bí ẩn nguồn gốc chất hạ độc điệp viên Skripal

Cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal 66 tuổi, con gái Yulia 33 bị phơi nhiễm chất Novichok ở London ngày 4/3. Sự việc đã khơi mào một cuộc khủng hoảng ngoại giao trên diện rộng giữa Anh và các nước phương Tây sau khi Nga bị Anh cáo buộc hạ độc ông Skripal.

Những chất độc thần kinh đầu tiên

Câu chuyện về Novichok diễn ra từ năm 1936, khi chất độc thần kinh đầu tiên tên là tabun được nhà hóa học người Đức Gerhard Schrader tổng hợp. Ông Schrader đang nghiên cứu hợp chất hữu cơ chứa gốc phốt phát cho Đức quốc xã để nỗ lực tìm ra một loại thuốc diệt côn trùng phù hợp nhằm cải thiện sản lượng mùa màng.

Nhà khoa học Gerhard Schrader, cha đẻ của tabun và sarin.

Ông sớm phát hiện ra chất tabun quá độc hại và không thể sử dụng trong nông nghiệp vì nó sẽ gần như chắc chắn giết chết bất kỳ ai sử dụng chất này. Một năm sau, ông phát triển một chất độc thần kinh còn kinh khủng hơn: sarin.


Sau Thế chiến thứ hai, Anh, Mỹ và Liên Xô được tiếp cận bí quyết hóa học của Đức quốc xã và nhiều nhà khoa học Đức bắt đầu làm việc cho các quốc gia chiến thắng. Tại thời điểm đó, ai cũng cho rằng vũ khí hóa học chắc chắn sẽ được sử dụng trong các cuộc xung đột tương lai và tác dụng của các chất độc thần kinh như tabun và saran được nghiên cứu.


Tuy nhiên, tabun và sarin cũng có hạn chế. Chúng chỉ phù hợp khi được sử dụng trên mặt trận diễn biến nhanh vì chúng bốc hơi và phân hủy khi tiếp xúc với nước và nhanh chóng biến mất sau khi được sử dụng. Do đó, người ta lại nghiên cứu phát triển các chất tồn tại lâu hơn.


Những năm 1950 tại Anh, chất độc thần kinh VX được phát triển. Đây là chất độc được cho là sử dụng ở sân bay Malaysia để sát hại công dân Triều Tiên có hộ chiếu mang tên Kim Chol, người được cho là anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.


Ai kiểm soát các chất độc thần kinh?


Khoảng 20 chất độc thần kinh khác nhau đã được sản xuất và đều bị cấm theo Công ước Vũ khí Hóa học năm 1997. Các chất Novichok là một ngoại lệ vì chúng chưa bao giờ được công bố.

OPCW - cơ quan giám sát các vũ khí hóa học.

Trong Thế chiến thứ nhất, trước khi các chất độc thần kinh xuất hiện, chủ yếu binh sĩ là người bị ảnh hưởng bởi vũ khí hóa học. Trong cuộc xung đột, khoảng 1,5 triệu thương vong trong quân đội là do phơi nhiễm với các chất như clo và photgen hoặc các chất gây bỏng như hơi độc lò. Khoảng 8-10% những người bị phơi nhiễm tử vong. Trong khi đó, khoảng 1.000 dân thường bị thương do các loại vũ khí hóa học trong Thế chiến thứ nhất.


Tuy nhiên, từ Thế chiến thứ nhất, vũ khí hóa học đã được Italy sử dụng ở Abussinia (giờ là Ethiopia) năm 1935-1936, được Trung Quốc sử dụng trong Thế chiến thứ hai, được Ai Cập sử dụng ở Yemen từ năm 1963 đến 1967, được Iraq sử dụng ở Iran (1983-1988) và Kurdistan (1988). Sarin cũng được sử dụng trong vụ tấn công vào tàu điện ngầm ở Tokyo, Nhật Bản năm 1995 khiến 13 người chết. Đây không phải là thông kê hoàn chính nhưng đa số nạn nhân các vụ tấn công hóa học là dân thường hơn là binh sĩ.


Sau vụ tấn công hóa học vào thị trấn Halabja của người Kurd ở Iraq năm 1988, thế giới thúc đẩy nhanh các cuộc thảo luận về một hiệp ước vũ khí hóa học toàn diện tại Hội đồng Giải giáp vũ khí của Liên hợp quốc. Năm 1993, Công ước Vũ khí Hóa học (CWC) được thống nhất. Năm 1997, công ước trở thành luật quốc tế sau khi 65 quốc gia thông qua.


Ngày nay, 192 quốc gia là thành viên đầy đủ của công ước. Chỉ có Triều Tiên, Israel, Nam Sudan và Ai Cập vẫn đứng ngoài. Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) giám sát thực hiện CWC và giám sát phá hủy vũ khí hóa học và cơ sở sản xuất. Tới nay, đã phá hủy 96% kho vũ khí đã được công bố. Tháng 10/2017, Nga thông báo phá hủy 40.000 tấn vũ khí hóa học. Mỹ dự kiến phá hủy vũ khí hóa học vào năm 2021-2022.


Ngoài việc giám sát phá hủy, OPCW còn vận hành một chế độ kiểm soát chất hóa học. Hàng năm, các nước tham gia công ước phải cung cấp chi tiết cho OPCW về địa điểm, quá trình sản xuất, sử dụng, buôn bán, tiêu hủy các chất này. OPCW sẽ xác minh ngẫu nhiên. Mọi chương trình sản xuất vũ khí hóa học hơn 1 tấn/năm sau ngày 1/1/1946 phải được báo cho OPCW. Tuy nhiên, ngày 16/3, OPCW thông báo chưa từng được báo cáo về chất Novichok.


Novichok là gì?


Novichok có nghĩa là “người mới đến” trong tiếng Nga, gồm một nhóm các chất độc thần kinh tân tiến được cho là do Liên Xô phát triển những năm 1970 và 1980. Novichok là vũ khí hóa học thế hệ thứ tư được phát triển trong chương trình có mật danh Foliant của Liên Xô.


Sự tồn tại của Novichok được nhà hóa học Vil Mirzayano tiết lộ những năm 1990 thông qua truyền thông Nga. Ông này về sau đào tẩu tới Mỹ và đăng công thức hóa học chất này trong cuốn sách Bí mật Quốc gia.

Ông Skripal và con gái được cho là bị hạ độc bằng Novichok.

Năm 1999, giới chức quốc phòng từ Mỹ tới Uzbekistan để hỗ trợ phá hủy và chống ô nhiễm tại một trong những cơ sở thử vũ khí hóa học lớn nhất của Liên Xô cũ. Theo ông Mirzayanov, Liên Xô dùng nhà máy này để sản xuất và thử các lô nhỏ chất Novichok.


Một trong số các chất thuộc nhóm Novichok là A-230 độc gấp 5 đến 8 lần so với chất VX. Một số chất Novichok có dạng lỏng, số khác tồn tại ở thể rắn. Điều này có nghĩa là chúng có thể được tán thành bột siêu mịn.


Các chất độc thần kinh như Novichok đều hoạt động giống nhau bằng cách hạn chế enzyme acetylcholinesterase(AChE). Đây là loại enzyme có nhiều trong cơ thể nhưng quan trọng nhất là tại các chỗ giao nhau giữa dây thần kinh và cơ. AChE điều tiết thông điệp truyền từ dây thần kinh tới cơ. Khi cơ thể bị nhiễm Novichok, các cơ lên cơn co thắt và không còn hoạt động bình thường.


Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất diễn ra với chức năng phổi và tim. Trong các vụ bị phơi nhiễm Novichok nặng, liệt hô hấp rất thường xảy ra và thiếu ô xy dẫn tới các cơ quan quan trọng, như tim và não, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nếu không được cấp cứu, chữa trị, nạn nhân có thể tử vong.


Hiện vẫn chưa biết chính xác thời điểm, địa điểm và người đã làm ra những hóa chất này. Người ta vẫn chưa biết rõ như thế nào và ai đã sử dụng để hạ độc hai bố con ông Skripal.


Anh đang thực thi quyền theo công ước CWC và đã đề nghị OPCW điều tra “chương trình Novichok” của Nga. Đây là lần đầu tiên một bên tham gia CWC cáo buộc bên khác tấn công bằng vũ khí hóa học. Phía Nga luôn bác bỏ cáo buộc của Anh.


Vụ hạ độc điệp viên Skripal sẽ là một thách thức lớn với OPCW. Cơ quan này đã được đề nghị cử thanh tra viên tới Anh để thu thập mẫu xét nghiệm.


Nga bác bỏ liên quan tới vụ đầu độc Skripal và yêu cầu Anh cung cấp bằng chứng. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định chưa từng có nghiên cứu nào trên đất Nga liên quan tới Novichok. Phát ngôn viên Maria Zakharova khẳng định từ “Novichok” là phát minh của phương Tây khi một số nhà khoa học thời Liên Xô cũ chạy tới đó vào những năm 1990 và mang theo công nghệ họ đang nghiên cứu.


Nga còn cho rằng chính Anh đã sản xuất chất độc này tại phòng thí nghiệm nghiên cứu Porton Down. Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc khẳng định công trình phát triển chất độc thần kinh thời Liên Xô đã chấm dứt năm 1992 và kho chất độc đã bị phá hủy năm 2017.


Trong khi chưa rõ bên nào, Anh hay Nga, đã sử dụng chất Novichok để tấn công ông Skripal, thế giới đã chứng kiến màn trả đũa ngoại giao ăn miếng trả miếng giữa Nga và một loạt quốc gia phương Tây. Các nước đã trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao của nhau sau vụ hạ độc ông Spripal.


Thùy Dương/Báo Tin tức
Ngoại trưởng Nga tố cáo nhiều nước mù quáng trong vụ điệp viên Skripal
Ngoại trưởng Nga tố cáo nhiều nước mù quáng trong vụ điệp viên Skripal

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 2/4 lên tiếng tố cáo Anh và các nước phương Tây đang chơi “trò con nít” trong căng thẳng liên quan tới vụ đầu độc hai cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN