Sự hưng phấn về vaccine COVID đang mang lại cho các nhà dự báo kinh tế hy vọng về một năm 2021 "bom tấn" và kéo định giá thị trường lên mức cao nhất trong lịch sử.
Theo trang Politico, nền kinh tế mà ông Joe Biden thừa hưởng khi trở thành Tổng thống Mỹ từ ngày 20/1/2021 có thể hướng tới một sự bùng nổ lịch sử, hoặc một vụ phá sản đáng thất vọng.
Hai yếu tố có nhiều khả năng nhất sẽ quyết định kết quả, đó là: Một cuộc triển khai nhanh, hiệu quả vaccine phòng COVID; và những kích thích thêm vào hệ thống nhằm đưa đất nước vượt qua một mùa Đông và mùa Xuân tàn khốc.
Những liều vaccine COVID-19 đầu tiên đã bắt đầu đến tay người nhận vào ngày 14/12, và thêm hai loại nữa có thể sẵn sàng vào tháng 2/2021. Tuy nhiên việc cung cấp vaccine cho hơn 300 triệu người Mỹ, cũng như thuyết phục đủ số người tiếp nhận, sẽ là một thách thức lớn. Hơn nữa, để tất cả mọi người “sống sót” đến lúc đó cũng đòi hỏi Quốc hội phải cung cấp nhiều gói kích thích hơn nữa cho một nền kinh tế trì trệ do ảnh hưởng của làn sóng dịch mới.
Theo giới phân tích, những vấp ngã trên mặt trận vaccine và kích thích kinh tế có thể khiến nền kinh tế và các thị trường rơi vào hỗn loạn, khiến năm đầu tiên của vị tân Tổng thống trở thành cơn ác mộng. Nhưng nếu kịch bản hoàn hảo diễn ra – nguồn viện trợ đều cho người Mỹ và doanh nghiệp đang khó khăn, cũng như phân phối và chủng ngừa bệnh COVID thành công, ông Biden có thể chủ trì cuộc bùng nổ đáng kể cho một nền kinh tế với nhu cầu khổng lồ đang bị dồn nén từ những người Mỹ khao khát trở lại cuộc sống bình thường.
“Nếu chúng ta kích thích đủ để thay thế năng lực mua sắm đã bị mất đi, như ta đã làm trong làn sóng COVID đầu tiên, thì ta có thể trông đợi một cuộc bật tăng trở lại rất sắc bén”, ông Brad McMillan, Giám đốc đầu tư tại Commonwealth Financial Network nói. “Chúng ta chỉ cần hỗ trợ 'sự sống' cho người dân cho đến khi ta đạt được điều đó”.
3 rủi ro trên mặt trận vaccine
Những nguy cơ và phần thưởng tiềm tàng đã thể hiện từ ngày 14/12 vừa qua khi Phố Wall khởi sắc trước tin vaccine của Pfizer/BioNTech bắt đầu tới các điểm phân phối. Tuy nhiên ngay sau đó chứng khoán lại trượt sâu khi tổng số ca tử vong do COVID tại Mỹ vượt ngưỡng 300.000 người, cùng mối lo nguy cơ áp đặt lệnh phong tỏa tại thành phố New York và các khu vực quan trọng khác.
Các nhà thương mại và phân tích Phố Wall lúc này lo ngại thị trường chứng khoán đang bị định giá trên cả hai yếu tố kích thích kinh tế và chiến dịch tiêm chủng. Nếu chỉ một trong hai thất bại, đặc biệt là chiến dịch vaccine, thì khả năng cao sẽ là một cuộc sụt giảm quan trọng của thị trường.
Trong cuộc khảo sát mới nhất, nhà phân tích Jim Reid, thuộc Ngân hàng Trung ương Đức (Deutsche Bank) phát hiện rằng, những lo ngại về vaccine đang ngự trị tâm trí các nhà đầu tư. Top 3 rủi ro lớn nhất theo họ bao gồm: virus biến đổi gien và 'qua mặt' vaccine; tác dụng phụ nghiêm trọng của vaccine; và số lượng lớn người Mỹ từ chối tiêm chủng.
Điều đó cho thấy thị trường có thể lao dốc nếu bất kỳ rủi ro nào trong số đó xuất hiện. Hoặc nó có thể tăng cao hơn trong vài tháng đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống nếu không có dấu hiệu nào của những rủi ro đó.
Triển vọng các gói kích thích kinh tế
Việc thiếu các biện pháp kích thích mới cũng là một rủi ro lớn đối với ông Biden. Dịch COVID dẫn đến làn sóng sa thải chủ yếu tập trung vào những người có thu nhập thấp trong các ngành bán lẻ, giải trí, ăn uống và những ngành đòi hỏi làm việc tại thực địa. Những người này hứng chịu nhiều tổn thương và năng lực chi tiêu của họ gần như đã mất sạch khi đợt kích thích cuối cùng hết hạn, bao gồm cả trợ cấp thất nghiệp
Tỉ lệ việc làm quay trở lại đang tăng chậm hơn sau khi COVID xóa sổ khoảng 22 triệu việc làm. Nền kinh tế Mỹ chỉ tăng 245.000 việc làm trong tháng 11 và các nhà kinh tế lo ngại con số này có thể sớm chạm mức 0, hoặc âm nếu không có thêm hỗ trợ từ liên bang. Chưa kể nước Mỹ còn thiếu khoảng 10 triệu việc làm tồn từ trước dịch COVID.
Hiện tại Quốc hội vẫn còn đang tranh luận về cách thức và liệu có nên bơm thêm tiền trước khi hoãn lại hay không. Các nhà đàm phán tại Thượng viện của lưỡng đảng đã công bố một cặp gói kích thích hôm 14/12, có thể cung cấp từ 750 tỷ USD đến 1 nghìn tỷ USD, với gói lớn hơn bao gồm cả viện trợ cho các chính quyền địa phương và bang đang gặp khó khăn và lá chắn trách nhiệm từ các vụ kiện Covid-19 cho các doanh nghiệp.
Nhưng con đường để ban hành một trong hai gói kích thích đó thành luật vẫn vướng nhiều mây mù. Vì vậy, ông Biden có thể đối mặt với viễn cảnh nền kinh tế còn chìm sâu hơn nữa trong một cuộc suy thoái khác khi nhậm chức vào tháng 1/2021.
Theo một phân tích mới từ Chỉ số Toàn cầu của Standard & Poor, quy mô và thời điểm của các biện pháp kích thích mới sẽ xác định mức độ nhanh chóng mà nền kinh tế Mỹ có thể trở lại như trước khi virus tấn công đất nước hồi tháng 3/2020. Dựa trên các ước tính trung bình về mức tăng từ kích thích, nền kinh tế Mỹ sẽ đạt mức GDP trước đại dịch vào quý 3 năm 2021 với gói viện trợ 1 nghìn tỷ USD và vào quý 2 với gói 1,5 nghìn tỷ USD – theo báo cáo.
Nhưng nếu không có biện pháp kích thích, “tiến bộ kinh tế sẽ trì trệ và GDP không đạt được mức trước đại dịch cho đến tận năm 2022, nếu không muốn nói là muộn hơn”.
Nếu Quốc hội có thể thông qua các biện pháp kích thích đáng kể trước cuối năm nay - bao gồm mở rộng viện trợ thất nghiệp và tài trợ khẩn cấp mới cho các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn - thì người Mỹ sẽ tồn tại và "sống sót" sau làn sóng dịch mới nhất cho đến khi vaccine được phổ biến rộng rãi vào mùa Xuân.
Đó là kịch bản có thể cho phép Tổng thống đắc cử Joe Biden chủ trì một nền kinh tế hồi sinh và thị trường chứng khoán bùng nổ vào năm 2021, khi người Mỹ, đặc biệt là ở tầng lớp trên, chi tiêu mạnh tay cho các kế hoạch du lịch và giải trí bị trì hoãn.