Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO), công bố ngày 16/12, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nước châu Mỹ đã ghi nhận khoảng 31 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 787.000 ca tử vong, chiếm gần một nửa số ca nhiễm và tử vong trên toàn thế giới. Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho biết chỉ trong vòng một tuần trước, đã có gần 5 triệu ca nhiễm với virus SARS-CoV-2, trong đó nhiều nhất tại khu vực Bắc Mỹ, nơi Mỹ và Canada tiếp tục là những điểm nóng của dịch bệnh. Riêng tại Canada, số ca nhập viện đã tăng đột biến, càng làm gia tăng lo ngại về tình trạng quá tải trong hệ thống y tế. Trong khi đó, Mỹ đã ghi nhận ngày có số người tử vong cao nhất - lên tới hơn 3.700 người, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên hơn 314.000 ca.
Tại khu vực Trung Mỹ, PAHO nhấn mạnh rằng Panama và Belize là những quốc đảo có số ca nhiễm mới đang gia tăng, trong khi Honduras, El Salvador, Guatemala và Nicaragoa lại ghi nhận số ca nhiễm mới giảm hơn so với tuần trước đó.
Tuy nhiên, quan chức PAHO cảnh báo xu hướng giảm này vẫn chưa chắc chắn, do bão Eta và Lota dự đoán đổ bộ vào những nước này có thể tác động đến hệ thống y tế ghi nhận số ca mắc COVID-19.
Tại Nam Mỹ, Brazil và Colombia là những nước báo động khi có số ca nhiễm mới tăng cao nhất khu vực trong tuần qua. Ngày 16/12, Brazil đã ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục với hơn 70.000 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 của nước này vượt 7 triệu người và số ca tử vong là 180.000 ca, cao thứ hai thế giới sau Mỹ. Con số kỷ lục trên chưa bao gồm số liệu hàng ngày của Sao Paulo, bang đông dân nhất của Brazil, nơi được coi là tâm dịch của quốc gia này. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 3 tháng qua Brazil ghi nhận hơn 900 người tử vong/ngày trong nhiều ngày liên tiếp.
Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, giới chức y tế Mỹ thông báo sẽ mở rộng chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các bác sĩ và y tá tuyến đầu. Theo đó, đợt đầu tiên 2,9 triệu liều là vaccine của Pfizer/BioNtech đang được triển khai trong ngày thứ ba tại 66 điểm tiêm chủng trên toàn quốc.
Tương tự, Chính phủ Brazil cũng thông báo sẽ triển khai 5 giai đoạn tiêm chủng đại trà các loại vaccine ngừa COVID-19 cho toàn bộ 210 triệu dân của nước này trong vòng 16 tháng.