Tờ “Trung Hoa Nhật báo” cho biết CEWC-2018 có sự tham dự của tất cả các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, Phó Thủ tướng Lưu Hạc cùng hàng loạt quan chức cấp cao phụ trách kinh tế, tài chính-thương mại và chủ tịch của các tỉnh trong cả nước.
Theo nguồn tin trên, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc thường niên năm 2018 đề ra mục tiêu hoạch định chính sách kinh tế của Chính phủ Trung Quốc trong năm 2019.
Hội nghị CEWC-2018 diễn ra vào một thời điểm đặc biệt. 40 năm trước, ngày 18/12/1978, các chính sách cải cách-mở cửa của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình chính thức được thực hiện, mở ra một giai đoạn phát triển rực rỡ, đặt nền tảng để Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới như hiện nay.
Theo kế hoạch, Hội nghị CEWC-2018 sẽ nhóm họp hai ngày với chương trình nghị sự chủ yếu tập trung thảo luận về các biện pháp bình ổn kinh tế trong nước, một nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ đang ngày càng gây nhiều thiệt hại đối với tăng trưởng kinh tế của nước này.
Trong bài viết “Tăng trưởng: Chờ đợi các biện pháp của Trung Quốc”, báo Pháp Les Echos cuối tuần qua nhận định cuộc chiến thương mại đang khiến Trung Quốc thiệt hại nặng nề hơn. Theo các nhà kinh tế thuộc Công ty quản lý tài sản Candriam, nếu cuộc chiến thuế quan bước sang giai đoạn ba (tăng 25% thuế đối với 267 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc), Bắc Kinh có thể mất đến 1,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019, trong khi Mỹ nhiều nhất chỉ thiệt hại 0,2-0,3% GDP.
Trước những diễn biến xấu và thiệt hại ngoài dự tính từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, giới quan sát đánh giá Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc thường niên năm 2018 có ý nghĩa quan trọng để Chính phủ Trung Quốc điều chỉnh và đề ra các đối sách trong năm tới.
Báo “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” đưa tin các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ xem xét thêm các biện pháp nhằm kích thích tăng trưởng, đồng thời hạ thấp các mục tiêu tăng trưởng hàng đầu cho năm 2019. Các biện pháp do Chính phủ Trung Quốc triển khai tới thời điểm này vẫn chưa đủ “chắp cánh” cho nền kinh tế.
Kể từ khi bị cuốn vào cuộc thương chiến với Mỹ, kinh tế Trung Quốc dường như đã “giảm tốc” thấy rõ. Trong Quí III vừa qua, tăng trưởng của nền kinh tế số 2 thế giới chỉ còn 6,5%, mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ, trong khi các chỉ số quan trọng khác cũng dự báo đà sụt giảm sẽ tiếp tục duy trì trong Quí IV/2018. Giới phân tích dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ “ngấm đòn” nặng nhất trong 6 tháng đầu năm 2019 khi các biểu thuế bổ sung của Mỹ có hiệu lực toàn phần. Bên cạnh đó, chủ trương tăng chi tiêu và cắt giảm thuế sẽ tiếp tục được thúc đẩy.
Trước thềm Hội nghị CEWC-2018, Chủ tịch Tập Cận Bình cuối tuần trước tuyên bố Trung Quốc sẽ nỗ lực phát triển “một thị trường nội địa mạnh” như là một hướng đi nhằm bù đắp cho các bất ổn từ bên ngoài trong năm tới. Tuyên bố này nêu bật quyết tâm của Chính phủ Trung Quốc giảm thiểu tác động của căng thẳng thương mại đối với chương trình nghị sự trong nước của nước này.
Các chính sách kinh tế được thông qua tại Hội nghị CEWC-2018 sẽ được Hãng thông tấn Tân Hoa tổng hợp trong một báo cáo. Nội dung chi tiết dự kiến được chuyển tới các bộ ngành và chính quyền các tỉnh.
Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương là hội nghị do Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc Vụ viện triệu tập hằng năm. Nhiệm vụ trọng tâm của CEWC là thảo luận, thông qua chương trình quốc gia về phát triển kinh tế, tài chính-ngân hàng. Từ năm 2012, các kỳ Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc thường họp kín 2-3 ngày trong tuần thứ hai hoặc thứ 3 của tháng 12.