Cụ thể, chỉ số của khu vực chế tạo ở nhiều quốc gia châu Á có kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc, đã yếu đi trong tháng 10/2018 trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung phủ bóng lên triển vọng thương mại.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) - thước đo chủ chốt đánh giá hoạt động chế tạo - của Trung Quốc trong tháng 10 ở mức 50,2 (điểm), giảm so với mức 50,8 của tháng trước. Đây được coi là dấu hiệu sa sút mới nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào thời điểm Bắc Kinh phải đối mặt với cuộc chiến thương mại và vấn đề nợ trong nước. Các chuyên gia nhận định sự “giảm tốc” của kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của khu vực cũng như của thế giới.
Bên cạnh đó, các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu khác ở châu Á, từ Hàn Quốc đến Malaysia, cũng ghi nhận xu hướng PMI giảm tương tự trong tháng 10/2018, theo báo cáo của công ty khảo sát Nikkei - IHS Markit.
Tuy nhiên, chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo của Việt Nam đã tăng từ mức thấp nhất trong vòng 10 tháng là 51,5 điểm trong tháng 9 lên 53,9 trong tháng 10/2018.
Báo cáo trên cho hay vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) chứng kiến hoạt động sản xuất sụt giảm lần đầu tiên kể từ tháng 5/2016, và các doanh nghiệp trong ngành dự kiến sản lượng tiếp tục đi xuống trong 12 tháng tới.
PMI ngành chế tạo của Hàn Quốc cũng hạ từ mức 51,3 (điểm) trong tháng 9/2018 xuống 51 trong tháng vừa qua. Một chỉ số khác thể hiện lòng tin của các doanh nghiệp lớn Hàn Quốc cũng đang ở mức thấp nhất trong hai năm qua. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Hãng tin AFP dẫn lời một nhà phân tích của Viện Tài chính Hàn Quốc, nhận định rằng tình hình có thể tồi tệ hơn trong năm tới do cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Rủi ro vỡ nợ của các công ty Trung Quốc đang ngập trong nợ nần, cùng với sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc.
Trong khi đó, PMI lĩnh vực chế tạo tại Malaysia và Thái Lan đã giảm xuống dưới mức 50 (điểm) - ngưỡng phân định giữa chiều hướng tăng trưởng và sụt giảm của hoạt động sản xuất. Đây là mức PMI thấp nhất của Malaysia kể từ tháng Bảy và là mức thấp nhất của Thái Lan trong vòng hai năm trở lại đây.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo tại cuộc họp thường niên vào tháng trước rằng xung đột thương mại và các mối đe dọa khác sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, đồng thời hạ giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 và 2019. Trong khi Eurozone đã công bố số liệu PMI kém khả quan trong tháng 10.
Tuy nhiên, không phải mọi nền kinh tế đều chứng kiến bức tranh tiêu cực. Ngành chế tạo Nhật Bản ghi nhận kết quả khá tốt vào tháng trước. Còn tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump không gặp quá nhiều áp lực về các chính sách thương mại khi mà triển vọng kinh tế Mỹ đang rất “sáng”, với tỷ lệ thất nghiệp thấp và tiền lương tăng khá tốt.
Đáng chú ý, các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ hưởng lợi giữa bối cảnh căng thẳng thương mại đang leo thang hiện nay. Quốc gia này dường như trở thành điểm thu hút các nhà sản xuất nước ngoài muốn di dời hoạt động ra khỏi Trung Quốc. Chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo của Việt Nam đã tăng từ mức thấp nhất trong vòng 10 tháng là 51,5 điểm trong tháng 9 lên 53,9 trong tháng 10/2018.