‘Giết gà dọa khỉ’ – Chiến lược Trung Quốc phá vỡ các liên minh của Mỹ

Giữa lúc căng thẳng Mỹ-Trung Quốc dâng cao, Bắc Kinh đang gây sức ép mạnh mẽ lên Canada và sắp tới có thể là Australia, New Zealand. Giới phân tích đánh giá đây là chiến lược có chủ đích.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Ảnh: CNN

Theo tờ nationalinterest, đầu tháng 12/2018 Trung Quốc đã bắt giữ một giáo viên người Canada tên là Sarah McIver với lý do làm việc trái phép tại nước này. Bà Sarah McIver trở thành công dân Canada thứ 3 bị rơi vào vòng lao lý ở Trung Quốc kể từ khi nhà chức trách Canada bắt giam Giám đốc Tài chính Tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei Mạnh Vãn Chu tại Vancouver.

Thông tin cho hay đã có 13 công dân Canada bị bắt giữ tại Trung Quốc kể từ sau vụ việc liên quan tới bà Mạnh Vãn Chu, dù một vài người trong số này đã được chính quyền Trung Quốc trả tự do, trong đó có bà Sarah McIver. Tuy nhiên, hai người Canada bị bắt đầu tiên vẫn trong nhà giam. Cựu quan chức ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor thậm chí đang đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng như gây phương hại an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Việc Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu theo đề nghị của Washington đã khiến Trung Quốc nổi giận và Bắc Kinh không ngần ngại đưa ra ngay hành động trả đũa. Không phải một mà là hai cách “ăn miếng-trả miếng” khác nhau, đồng thời nhằm vào cả Mỹ và Canada.

Bằng cách làm này, Bắc Kinh muốn gửi lời cảnh báo tới Ottawa không theo chân Mỹ chống lại Trung Quốc và ngăn chặn Washington thiết lập một cú đánh liên hoàn trên phạm vi khu vực cũng như toàn cầu nhằm vào Trung Quốc.

Sâu xa hơn, trong bối cảnh xung động Mỹ-Trung hiện nay, cách xử lý của Trung Quốc đã châm ngòi cho một cuộc chiến buộc các đồng minh của Mỹ phải lựa chọn đứng về phía Bắc Kinh, hoặc ít nhất cũng không đứng về phía Washington.  

Chú thích ảnh
Cuộc đối đầu Mỹ-Trung đang lan rộng

Đối với vụ Huawei, Trung Quốc nhận ra rằng Mỹ đang tập hợp các đồng minh để “đánh hội đồng”, bao vây tập đoàn viễn thông được coi là niềm tự hào của Trung Quốc này. Bước đi của Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng tạo tiền lệ để Mỹ huy động đồng minh kiềm tỏa Trung Quốc trong các lĩnh vực khác trong tương lai.

Trong bài xã luận có tựa đề “Let the country that is invading China’s interests pay the price” (tạm dịch: Hãy khiến quốc gia xâm phạm lợi ích của Trung Quốc phải trả giá), tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng “đối với những nước không đếm xỉa tới lợi ích của Trung Quốc và có cách hành xử khác thường, Bắc Kinh cần cương quyết đáp trả, khiến quốc gia đó phải trả giá và thậm chí phải hứng chịu những tổn thất nghiêm trọng”. Báo này giải thích thêm hành động như vậy cũng sẽ khiến các nước khác hiểu rằng “Trung Quốc có nguyên tắc”.

“Canada đã giúp Mỹ bắt giữ lãnh đạo cấp cao tập đoàn Huawei, phá vỡ đường giới hạn. Trung Quốc cần thể hiện rõ lập trường rằng chúng ta không chấp nhận cách hành xử này. Canada sẽ phải trả giá đắt cho quan hệ với Trung Quốc”.

Tờ Thời báo Hoàn cầu kêu gọi “Trung Quốc cần lựa chọn các mục tiêu phản đòn và khiến những quốc gia gây sự với Trung Quốc phải thất bại đau đớn. Bắc Kinh nên tập trung vào những nước trong nhóm Liên minh Five Eye, đặc biệt là Australia, New Zealand và Canada. Các nước này đang theo chân Mỹ gây phương hại cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc”.

Đây là tuyên bố công khai đầu tiên trên phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng Bắc Kinh sẽ trả đũa các đồng minh của Mỹ và triển khai những biện pháp cụ thể nhằm thực thi chiến lược loại bỏ các đối tác thân thiện và đồng minh của Washington. Diễn biến quan hệ Trung Quốc-Canada thời gian gần đây là một ví dụ điển hình của câu thành ngữ nổi tiếng tại Trung Quốc: Sát kê hách hầu (Giết gà dọa khỉ).

Trên thực tế, chiêu “Giết gà dọa khỉ” đã được Trung Quốc vận dụng nhiều lần trước đây trong quan hệ đối ngoại. Chiến lược tập trung “đánh” các lực lượng thân Mỹ cũng đạt được một số kết quả. Ví dụ từ năm 2012, Bắc Kinh đã thành công trong việc ép buộc một số nước Đông Nam Á ủng hộ lập trường phi lý của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Canada Justin Trudeau gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong chuyến thăm chính thức. Ảnh: nationalobserver

Ngay cả Nhật Bản, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, cũng ngả chút ít về phía Bắc Kinh. Tháng 10/2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến thăm Bắc Kinh. Tại đây, ông Abe tuyên bố Tokyo sẽ không đối đầu với Trung Quốc nữa. Kể từ đó tới nay, nhà lãnh đạo Nhật Bản thận trọng hơn khi sử dụng thuật ngữ “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cởi mở và tự do” được Chính quyền Tổng thống Trump đưa ra.

Trung Quốc tin rằng đã kiểm soát được Tây Thái Bình Dương theo cách này. Và nay, chiến lược của Trung Quốc buộc các đồng minh của Mỹ phải đứng về phía Bắc Kinh sắp được triển khai ở Đông Thái Bình Dương.  

Mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Mỹ sẽ là Australia. Bài báo cho rằng Austrlia là đồng minh đầu tiên của Mỹ hưởng ứng lời kêu gọi của Washington “cấm cửa” các sản phẩm công nghệ của tập đoàn Huawei. Nếu Bắc Kinh hành động cứng rắn hơn nhằm đáp trả quyết định của Canberra, nhiều nước khác sẽ cảm thấy lo ngại.

Có lý do để Trung Quốc đặt niềm tin lớn vào chiến lược tấn công các đồng minh của Mỹ, trong khi lại thể hiện một lối hành xử “mềm” với chính Washington. Thứ nhất, Bắc Kinh hiểu rằng hầu hết các đồng minh của Mỹ đều đang có những mối quan hệ kinh tế-thương mại tích cực với Trung Quốc. Thậm chí, Trung Quốc chứ không phải Mỹ mới là đối tác thương mại lớn nhất của họ. Australia và New Zealand đều coi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của mình. Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Canada.

Thứ hai, Bắc Kinh không muốn làm xói mòn sự đồng thuận và tiến triển hướng tới một thỏa thuận thương mại đạt được giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tháng 12/2018 tại Argentina. Điều đó lý giải vì sao Trung Quốc đang cố gắng tránh một cuộc đối đầu trực diện với Mỹ.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái, hàng đầu) gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Argentina. Ảnh: The Guardian

Bên cạnh đó, nhiều đồng minh của Mỹ như Canada hay Australia không có sức mạnh như nền kinh tế số 1 thế giới, nên dễ dàng trở thành mục tiêu ra đòn của Trung Quốc. Đó là lý do vì sao Trung Quốc không nhằm vào Mỹ, dù Mỹ là nước yêu cầu bắt giữ Giám đốc Tài chính tập đoàn Huawei, mà lại “hưỡng mũi súng” vào Canada.  

Tuy vậy, hiện còn quá sớm để khẳng định chiến lược này của Trung Quốc sẽ khiến những nước đồng minh của Mỹ như Canada hay Australia bị khuất phục và đứng về phía Bắc Kinh trong cuộc đối đầu với Mỹ. Để vượt qua cuộc chiến tuyên truyền và chiến lược của Mỹ nhằm ngăn chặn các công ty viễn thông và công nghệ cao của Trung Quốc, Bắc Kinh không chỉ dựa vào mỗi chiến thuật này.   

Thanh Tuấn-Khắc Hiếu
Hiện trường lửa cháy ngùn ngụt, người bị cháy đen do nổ đường ống ở Mexico
Hiện trường lửa cháy ngùn ngụt, người bị cháy đen do nổ đường ống ở Mexico

Ít nhất 20 người thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương trong một vụ nổ đường ống khí đốt ở miền Trung Mexico.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN