Ngày 14/1, Tòa án nhân dân Trung cấp Đại Liên tỉnh Liêu Ninh đã tăng bản án của công dân Canada Robert Schellenberg từ 15 năm tù lên tử hình. Tòa án Trung Quốc kết luận Robert Schellenberg đóng vai trò quan trọng trong hành vi chuyển 222kg methamphetamine từ Trung Quốc tới Australia năm 2014.
Schellenberg có 10 ngày để kháng cáo. Nếu công dân Canada này quyết định buông xuôi hoặc kháng cáo bị bác bỏ thì kết quả tuyên án từ Tòa án nhân dân Trung cấp Đại Liên sẽ được chuyển lên Tòa án nhân dân tối cao tại Bắc Kinh. Khi được chấp thuận, việc hành quyết sẽ diễn ra trong vòng 7 ngày, tuy nhiên, có khả năng Tòa án nhân dân Tối cao sẽ giảm bản án.
Tờ Guardian (Anh) cho biết phán quyết này châm ngòi cho nhiều băn khoăn rằng Trung Quốc lợi dụng vụ án Robert Schellenberg để tăng áp lực lên Canada khi lực lượng chức năng quốc gia Bắc Mỹ này bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) - Giám đốc tài chính đồng thời là con gái của nhân vật sáng lập tập đoàn Huawei vào ngày 1/12/2018 tại Vancouver theo đề nghị của Mỹ.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết Trung Quốc hiếm khi xử tử công dân các quốc gia phương Tây. Trường hợp gần đây nhất là vào năm 2009 khi công dân Anh Akmal Shaikh nhận án tử hình do mang 4kg heroin đến sân bay Urumqi.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cáo buộc Trung Quốc độc đoán trong áp dụng hình thức tử hình đối với Schellenberg. Bộ Ngoại giao Canada cũng đã ban hành cảnh báo du lịch đến Trung Quốc với các công dân quốc gia này.
Các chuyên gia đánh giá điều đáng chú ý trong vụ việc của Schellenberg là thời điểm và tiến độ thay vì bản án tử hình.
Giáo sư luật Maggie Lewis tại Đại học Seton Hall (Mỹ) đánh giá: “Nếu muốn đe dọa, Bắc Kinh có thể khiến vụ việc đi theo tiến độ nhanh chóng như chúng ta đã chứng kiến kể từ lần kháng cáo vào tháng 12 hoặc chính phủ Trung Quốc có thể lựa chọn tạm ngưng, giảm chậm quy trình”.
Schellenberg bị bắt từ năm 2014, đến tháng 11/2018 thì nhận án 15 năm tù. Nhưng sang tháng 12/2018, sau vụ việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, một tòa án cấp cao đã yêu cầu xét xử lại vì công tố viên nhận thấy có thêm bằng chứng Schellenberg đóng vai trò đầu não trong vụ buôn ma túy.
Nhà nghiên cứu William Nee tại Tổ chức Ân xá Quốc tế đánh giá: “Thật là kỳ lạ khi giới chức Trung Quốc để một trường hợp bất động trong 3 năm sau đó chỉ trong 2 tuần lại tìm thấy bằng chứng mới và đột ngột tuyên án tử hình”.
Giáo sư luật Donald Clarke tại Đại học George Washington (Mỹ) cũng chỉ ra điều bất thường là xét xử lại thường được áp dụng đối với những bản án nhẹ hơn. Giáo sư Clarke đánh giá vụ việc này cho thấy Trung Quốc coi việc giữ con tin là cách chấp nhận được trong ngoại giao.
Hiện tại Bắc Kinh cũng bắt giữ hai công dân Canada khác với cáo buộc liên quan tới an ninh quốc gia Trung Quốc là nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor.
Năm 2014, sau khi Canada bắt giữ một doanh nhân Trung Quốc để dẫn độ đến Mỹ vì tội tấn công mạng thì cảnh sát Trung Quốc cũng bắt giữ cặp đôi người Canada kèm cáo buộc gián điệp.