'Gieo mầm' phục hồi từ cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19

Cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra dự báo còn tiếp tục kéo dài trong năm 2021 khi dịch bệnh chưa được kiểm soát và những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới.

COVID-19 đang dẫn đến những thay đổi lớn với ước tính thiệt hại về kinh tế toàn cầu lên tới 28.000 tỷ USD tính tới năm 2025.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất xe tải hạng nặng của Tập đoàn sản xuất ô tô Thiểm Tây, Trung Quốc ngày 23/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 5/1, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới ở mức 4% trong năm 2021 khi việc tiêm chủng ngừa COVID-19 trở nên phổ biến. Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo triển vọng ngắn hạn vẫn "không chắc chắn" và các kết quả tăng trưởng khác nhau có thể xảy ra. Theo kịch bản bất lợi, dịch bệnh tiếp tục gia tăng và việc triển khai vaccine bị trì hoãn có thể hạn chế mức tăng trưởng toàn cầu xuống 1,6%. Trong khi đó, ở kịch bản trái ngược, việc kiểm soát thành công đại dịch và quy trình tiêm chủng được đẩy nhanh hơn có thể giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng tốc đạt gần 5% trong năm 2021.

Tăng trưởng toàn cầu được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm 2021 sau khi rơi xuống những mức thấp nhất trong nhiều năm với các nền kinh tế lớn, trừ Trung Quốc, rơi vào suy thoái sâu hồi năm ngoái. Chủ tịch WB David Malpass cho rằng nền kinh tế toàn cầu dường như đang trỗi dậy sau một trong những cuộc suy thoái sâu nhất và bắt đầu phục hồi nhẹ.

Năm 2021 có thể đánh dấu sự phục hồi kinh tế giai đoạn đầu, tương tự như giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Sau khi giảm 4,3% vào năm 2020, WB dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay, thấp hơn 2/10 so với dự báo trước đó, do hơn một nửa số quốc gia bị tụt hạng trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của WB. 

Theo WB, Trung Quốc là một điểm sáng bởi có thể phục hồi nhanh chóng đáng ngạc nhiên với mức tăng trưởng 2% năm 2020. Kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng 7,9% trong năm nay nhờ cải thiện lòng tin người tiêu dùng cũng như sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh. Một chiến lược hiệu quả kiểm soát sự lây lan dịch bệnh và các biện pháp kích thích tài khóa đã mang lại kết quả tốt. Tuy nhiên, các nhà phân tích WB cũng lưu ý một số rủi ro đối với nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn, như gia tăng khối lượng nợ, những khó khăn trong phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ vẫn đang phải vật lộn để tạo lực đẩy với mối quan tâm chính trong tương lai vẫn là những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Các thước đo về lòng tin của người tiêu dùng, vốn rất quan trọng đối với chi tiêu và tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này, vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. WB dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng 3,5% trong năm nay, sau khi giảm 3,6% vào năm 2020. Còn theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Kinh tế kinh doanh quốc gia Mỹ (NABE), các chuyên gia cho rằng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi về mức trước đại dịch vào nửa cuối năm 2021, khi việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được triển khai rộng rãi.

Nhật Bản, vốn chứng kiến kinh tế suy giảm 5,3% năm ngoái, được dự báo sẽ tăng 2,5% năm nay. Đối với Nhật Bản, việc tăng tốc triển khai vaccine ngừa COVID-19 cũng như khả năng Thế vận hội Tokyo và Paralympic 2020 diễn ra vào tháng 7/2021 như kế hoạch sẽ tạo động lực giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới phục hồi mạnh mẽ vào nửa cuối năm nay. Các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản cho rằng kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 3,42% trong tài khóa 2021 (kết thúc vào tháng 3/2022) sau khi giảm 5,37% trong tài khóa hiện nay (kết thúc vào tháng 3/2021).

Nếu dịch bệnh được kiểm soát trong năm 2021, nền kinh tế, thương mại toàn cầu và chi tiêu của người tiêu dùng sẽ phục hồi mạnh. Những lý do khác giúp nền kinh tế thế giới khởi sắc trong năm 2021 như xung đột thương mại Mỹ-Trung giảm căng thẳng, thỏa thuận Brexit đạt được vào phút chót, Mỹ và châu Âu vẫn duy trì các biện pháp hỗ trợ kinh tế. Châu Á có vị trí quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam... xử lý tốt dịch bệnh và tăng trưởng trở lại mang lại hy vọng thúc đẩy nền kinh tế thế giới. Theo WB, kinh tế Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng trưởng 6,7%, sau khi là một trong số ít nền kinh tế vẫn tăng trưởng trong năm 2020 đầy khó khăn.

Báo cáo vừa được công bố của WB cho thấy GDP của các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng 5% năm nay, sau khi giảm 2,6% năm 2020. Các nền kinh tế tiên tiến chứng kiến "sự phục hồi chậm và đầy thách thức" do các ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh, với mức tăng trưởng ước đạt 3,3% năm 2021, sau khi giảm 5,4% năm ngoái. Tuy nhiên, tiến trình phục hồi kinh tế ở các khu vực khác nhau sẽ không đồng đều và hầu như cả thế giới sẽ chưa thể quay trở lại mức tăng trưởng như trước đại dịch cho đến tận năm 2022.         

Tại châu Âu, tiến trình phục hồi kinh tế có thể theo hai tốc độ khác nhau. Trong khi các nước Bắc Âu sẽ hồi phục đáng kể sau những thiệt hại về kinh tế trong năm 2020 như tăng trưởng GDP, việc làm, sản xuất, tiêu dùng và đầu tư, thì những chỉ số quan trọng này ở các nước Nam Âu sẽ vẫn duy trì ở mức thấp hơn trước khi đại dịch xảy ra. Tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sản lượng kinh tế sẽ tăng 3,6% trong năm 2021, sau khi giảm 7,4% vào năm 2020.

WB coi khả năng bùng phát đại dịch với biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là nguy cơ lớn nhất đối với sự ổn định phát triển kinh tế. Các ưu tiên chính sách ngắn hạn hàng đầu là kiểm soát sự lây lan của COVID-19 và đảm bảo triển khai vaccine nhanh chóng và rộng rãi. Bên cạnh đó, Chủ tịch WB cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư, theo hướng đầu tư phải thích hợp với sự phục hồi kinh tế và đó sẽ là một biến số quan trọng thể hiện sức mạnh phục hồi và khả năng giảm bất bình đẳng.

Với hàng triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo đói do suy thoái vì COVID-19, các quốc gia sẽ cần phải tìm cách vượt ra ngoài khuôn khổ viện trợ trực tiếp và tái đầu tư để kích thích tăng trưởng. Đó là tập trung vào các chính sách thúc đẩy đầu tư để chống lại "vết sẹo lâu dài của đại dịch", bao gồm việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh giúp thúc đẩy tăng trưởng đồng thời giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Theo Chủ tịch WB Malpass, điều đó sẽ bao gồm việc loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và cung cấp những khoản ưu đãi cho công nghệ xanh.

Đại dịch cũng làm trầm trọng thêm rủi ro nợ của các quốc gia đang phát triển. Quyền Phó chủ tịch WB phụ trách về tăng trưởng công bằng, tài chính và thể chế Ayhan Kose nhận định: “Cộng đồng toàn cầu cần phải hành động nhanh chóng và mạnh mẽ để đảm bảo rằng sự tích lũy nợ gần đây không kết thúc với một chuỗi các cuộc khủng hoảng nợ", bởi thế giới đang phát triển "không thể chịu thêm một thập niên mất mát nữa".

Chủ tịch WB Malpass cho rằng việc một số quốc gia thu nhập thấp đang phải đối mặt với tình trạng nợ nần chồng chất là một "báo động đỏ", bởi càng buộc phải trả nợ trước đại dịch thì các nước này càng ít có nguồn đầu tư vào chăm sóc sức khỏe. Trung Quốc, quốc gia nắm giữ 65% nợ của các nước thu nhập thấp nhất, có vai trò quan trọng trong việc giải quyết thách thức này.

Liệu các nước nghèo, lạc hậu ở khu vực Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông và Trung Á có tiếp tục chứng kiến tình trạng gia tăng số ca mắc COVID-19 hay không cũng là một câu hỏi lớn. Nếu cuộc chiến toàn cầu chống COVID-19 không được thúc đẩy một cách tổng thể và không thể loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2, thì virus và dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại ở bất kỳ nơi nào trên thế giới và một lần nữa gây hại cho các khu vực khác. Sự tái bùng phát theo vòng tuần hoàn của dịch bệnh sẽ làm cho thế giới rơi vào khổ đau liên miên.

2021 được coi là năm trọng tâm toàn cầu vượt lên thử thách và hướng tới sự đoàn kết sau một năm 2020 với vô vàn khó khăn. Nhìn lại lịch sử, khi nhân loại phải đối mặt với một loạt biến cố như thiên tai, chiến tranh, nạn đói, bệnh dịch... tinh thần kiên cường của con người đã chiến thắng khi cùng hành động tập thể chứ không phải là hoạt động của cá nhân hay quốc gia biệt lập. Quá trình phục hồi tăng trưởng toàn cầu có được đẩy nhanh hay không còn phụ thuộc vào việc triển khai thành công các chương trình chủng ngừa vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, tinh thần hợp tác, đoàn kết và không để lại những người dễ bị tổn thương nhất có thể bắt đầu "gieo mầm" cho một thế giới tốt đẹp.

Tố Uyên (Phóng viên TTXVN tại Geneva)
WHO nhấn mạnh các đối tượng được ưu tiên tiêm phòng COVID-19
WHO nhấn mạnh các đối tượng được ưu tiên tiêm phòng COVID-19

Ngày 5/1, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết nhân viên y tế và những người gặp vấn đề về sức khỏe phải là những người đầu tiên được tiêm chủng vaccine ngừa bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN