Chuyên gia dự báo ba kịch bản về an ninh Ukraine từ cuộc gặp Nga - Mỹ ở Saudi Arabia

Cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ tại Saudi Arabia là bước tiến quan trọng trong việc giải quyết cuộc xung đột Ukraine kéo dài. Với sự tham gia của các quan chức cấp cao từ hai quốc gia, cuộc gặp này mở ra cơ hội thảo luận về tương lai của quan hệ song phương và cấu trúc an ninh toàn cầu. 

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Liên bang Nga Sergey Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (thứ 2, trái) tại cuộc đàm phán ở Riyadh, Saudi Arabia, ngày 18/2/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Ngày 18/2, các quan chức Nga và Mỹ đã bắt đầu đàm phán về khôi phục quan hệ song phương và vấn đề Ukraine tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 2021, và nó được coi là bước đầu tiên trong một quá trình đàm phán dài hơn để giải quyết xung đột ở Ukraine.

Phái đoàn Nga có các đại diện gồm Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov, trợ lý tổng thống Yuri Ushakov và Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev. Phái đoàn Mỹ có sự tham dự của Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz và đặc phái viên của Tổng thống Trump tại Trung Đông Steve Witkoff.

Tại cuộc đàm phán, hai bên chủ yếu thảo luận về việc khôi phục quan hệ song phương, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cho biết. Xung đột Ukraine cũng nằm trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ nào đối với Kiev đều không được tính đến, theo Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov.

Phía Ukraine không có đại diện tham dự cuộc đàm phán trên và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev sẽ không công nhận bất kỳ thỏa thuận nào được thực hiện liên quan đến Ukraine khi nước này không có mặt tại bàn đàm phán. Châu Âu cũng không tham dự cuộc họp, mặc dù họ đã tham gia vào các nỗ lực ngoại giao để giải quyết xung đột.

Đánh giá về cuộc gặp trên, nhà sáng lập Krainer Analytics, chuyên gia phân tích châu Âu Alex Krainer cho rằng những vấn đề quan trọng hơn sẽ được thảo luận trong cuộc đàm phán, bao gồm tương lai của quan hệ song phương giữa hai cường quốc, cấu trúc an ninh của lục địa Á-Âu và phần còn lại của thế giới.

"Đây đúng hơn là một sự chệch hướng khỏi nguyên trạng đã phát triển trong hai thế kỷ qua. Tôi tin rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Rubio rằng thời điểm đơn cực đã qua và thế giới phải tiến tới đa cực có nghĩa là chấp nhận thực tế mới này", chuyên Krainer nói với báo Izvestia (Nga).

Về phần mình, Giáo sư lịch sử Peter Kuznick, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hạt nhân tại Đại học Mỹ ở Washington, D.C., cho rằng vấn đề lớn nhất không phải là gia nhập liên minh hay trao lãnh thổ mới cho Nga, mà là cung cấp cho Ukraine các bảo đảm an ninh được Nga chấp nhận. Do đó, một số kịch bản có thể xảy ra. Các kịch bản sau đây đang được giới truyền thông và cộng đồng chuyên gia cân nhắc:

Thứ nhất, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình quy mô nhỏ: Khoảng 7.500 người, được thành lập với sự đồng ý của cả Nga và Ukraine.

Thứ hai, trừng phạt bên tiếp tục gây hấn: Để ngăn chặn xung đột tiếp tục leo thang. 

Thứ ba, Ukraine không gia nhập NATO: Nhưng có triển vọng trở thành thành viên EU, Kiev đồng ý ban hành lệnh cấm tên lửa tầm xa, lệnh ngừng bắn dọc theo giới tuyến với giải pháp hòa bình sau đó cho các tranh chấp lãnh thổ.

Tóm lại, cuộc gặp giữa Nga và Mỹ tại Saudi Arabia là một bước quan trọng trong việc giải quyết xung đột Ukraine. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn cần được vượt qua để đạt được một giải pháp hòa bình bền vững.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo TASS)
Hình ảnh đầu tiên về cuộc đàm phán Mỹ - Nga tại Saudi Arabia
Hình ảnh đầu tiên về cuộc đàm phán Mỹ - Nga tại Saudi Arabia

Các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Mỹ và Liên bang Nga đã bắt đầu tại Saudi Arabia. Truyền thông Nga đưa tin rằng các bên sẽ thảo luận về hợp tác kinh tế và “vấn đề giải quyết xung đột Ukraine”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN