Ngoại trưởng Sergey Lavrov (trái) gặp người đồng cấp Mỹ Marco Rubio (phải) tại Saudi Arabia ngày 18/2/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Đài phát thanh châu Âu tự do (RFE/RL) ngày 22/2 đưa tin, sau thành công trong việc tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Nga kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Saudi Arabia đang có tham vọng mới: trở thành trung gian hòa giải giữa Washington và Tehran. Động thái này không chỉ thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của Riyadh trên trường quốc tế mà còn phản ánh những tính toán chiến lược của vương quốc này trong khu vực.
Theo kênh CNN, mặc dù chưa có đề xuất chính thức nào được đưa ra, nhưng các chuyên gia đánh giá Saudi Arabia đang có những lợi thế đáng kể để đảm nhận vai trò trung gian hòa giải này, vượt trội hơn so với các bên trung gian truyền thống như Oman hay Qatar.
Gregory Brew, nhà phân tích cấp cao tại Eurasia Group, nhận định rằng Riyadh đang tìm cách giải quyết ba vấn đề chính: chương trình hạt nhân của Iran, các hoạt động của Tehran trong khu vực, và sự hỗ trợ của nước này cho các lực lượng dân quân thân Tehran. Theo ông Brew, Saudi Arabia ưu tiên giải pháp ngoại giao thay vì các biện pháp quân sự để tránh nguy cơ xung đột leo thang trong khu vực Vịnh.
Từ đối đầu đến hòa giải
Quan hệ Saudi Arabia - Iran đã trải qua những biến động lớn trong thập kỷ qua. Năm 2016, hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao sau vụ đột kích vào các cơ sở ngoại giao Saudi Arabia tại Iran. Tình hình càng trở nên căng thẳng vào năm 2019 khi lực lượng Houthi thân Iran tấn công các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp dầu khí của vương quốc này.
Tuy nhiên, bước ngoặt quan trọng đã đến vào tháng 3/2023 khi hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao dưới sự trung gian của Trung Quốc. Động thái này phản ánh chiến lược mới của Saudi Arabia dưới sự lãnh đạo của Thái tử Muhammad bin Salman, người đang theo đuổi tham vọng biến đất nước trở thành cường quốc kinh tế và ngoại giao toàn cầu thông qua kế hoạch Tầm nhìn 2030.
Behnam Taleblu, Giám đốc cấp cao của Chương trình Iran tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ (FDD), cho rằng việc Saudi Arabia sẵn sàng điều chỉnh quan hệ giữa Tehran và Washington không phải là quyết định ngẫu nhiên. Bằng cách dung hòa quan hệ với Iran nhưng vẫn duy trì mối liên kết chặt chẽ với phương Tây, Riyadh hy vọng có thể tránh được nguy cơ trở thành điểm nóng trong một cuộc xung đột khu vực lớn hơn.
Ngoài ra, Saudi Arabia có thể mang đến những ưu đãi kinh tế hấp dẫn cho Iran - điều mà các bên trung gian truyền thống khó có thể đề xuất. Theo chuyên gia Brew, Tehran đang tìm kiếm những lợi ích kinh tế cụ thể, và Saudi Arabia có thể đáp ứng thông qua các kênh đầu tư, thương mại và hợp tác khác.
Một yếu tố quan trọng nữa là tính liên tục trong chính sách. Trong khi các thỏa thuận với Mỹ có thể bị thay đổi theo nhiệm kỳ tổng thống, thì các cam kết từ phía Saudi Arabia dưới sự lãnh đạo của Thái tử Muhammad bin Salman được đánh giá là ổn định và lâu dài hơn.
Tuy nhiên, con đường phía trước không hoàn toàn thuận lợi. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei gần đây đã bác bỏ khả năng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump về một thỏa thuận hạt nhân mới. Điều này cho thấy vai trò trung gian của Saudi Arabia có thể trở nên quan trọng hơn trong việc xây dựng lòng tin và tìm kiếm các giải pháp thỏa hiệp giữa các bên.