Iran sẽ đối phó ra sao trước chiến lược gây sức ép tối đa của Mỹ?

Các chuyên gia nhận định, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể kết hợp biện pháp quân sự và trừng phạt kinh tế để buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei đang thể hiện thái độ cứng rắn trước những sức ép này.

Chú thích ảnh
Nhà máy lọc dầu Isfahan ở Iran. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Phát biểu tại một triển lãm quốc phòng ở Tehran trong tuần qua, lãnh tụ Iran Khamenei tuyên bố Iran sẽ tiếp tục phát triển năng lực quân sự, đồng thời khẳng định: "Ngày nay, sức mạnh phòng thủ của Iran đã được công nhận. Kẻ thù của chúng ta sợ điều đó".

Tuyên bố này được đưa ra nhằm đáp trả chiến lược gây sức ép của Mỹ. Trước đó, ngày 4/2, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh nhằm hạn chế mức xuất khẩu dầu của Iran xuống mức 0. Đồng thời ông Trump tuyên bố: "Tôi muốn có một thỏa thuận với Iran về vấn đề phi hạt nhân. Tôi thích điều đó hơn là phải ném bom họ tới mức hủy diệt".

Tiếp đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn Fox Business ngày 14/2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent cho biết Iran hiện đang xuất khẩu từ 1,5 đến 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, Mỹ cam kết sẽ đưa con số này xuống mức 100.000 thùng/ngày, tương đương mức giảm 90% so với hiện tại. Đây được xem là sự tiếp nối chính sách cứng rắn mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên, khi Washington thành công trong việc cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran từ 3 triệu thùng/ngày (2017) xuống còn 400.000 thùng/ngày (2019).

Những tuyên bố này của lãnh tụ Iran đặt Mỹ và Tehran vào lộ trình đối đầu trực diện. Dù không phải chủ đề chính tại Hội nghị An ninh Munich vừa diễn ra từ 14-16/2 tại Đức, nhưng Iran vẫn là một vấn đề mà các nước lưu tâm.

Theo Damon Golriz, chuyên gia nghiên cứu chiến lược tại Viện Địa chính trị The Hague, chiến lược gây áp lực tối đa của Tổng thống Trump đã khiến Iran rơi vào thế yếu.

Ông nói: "Nhiều quan chức cấp cao của Iran gần đây đã bày tỏ mong muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ. Tuy nhiên, lãnh tụ Khamenei phản đối vì lo ngại mất dần ảnh hưởng trong nước và khu vực".

Ông Golriz cho rằng sự sụp đổ của chính quyền ông Bashar al-Assad ở Syria, một đồng minh lâu năm của Iran, đã giáng một đòn mạnh vào vị thế khu vực của Tehran. Trong nước, ông Khamenei cũng đang chịu áp lực lớn.

Một điểm nóng trong căng thẳng Mỹ - Iran vẫn là chương trình hạt nhân của Tehran. Chính quyền Tổng thống Trump luôn khẳng định sẽ ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân bằng mọi giá.

Theo chuyên gia Aghaie, Mỹ có thể không tham gia vào một cuộc chiến toàn diện, nhưng vẫn có thể tiến hành các cuộc không kích phủ đầu để phá hủy cơ sở hạt nhân Iran. Trước nguy cơ đó, các chuyên gia cho rằng Iran cần ưu tiên giải pháp ngoại giao. "Bóng đang nằm trong sân của Iran", ông Aghaie nhận xét.

Dù vậy, ông cho rằng khả năng đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Tổng thống Trump là rất thấp, vì điều đó đồng nghĩa với việc Tehran phải nhượng bộ về nhiều vấn đề nhạy cảm, như chương trình tên lửa đạn đạo, thiết bị bay không người lái và các mạng lưới ủy nhiệm. "Vì vậy, Iran có xu hướng kéo dài đàm phán mà không đạt được kết quả cụ thể", ông nhấn mạnh.

Theo chiến lược gia Golriz, Mỹ cần một chính sách dài hạn để thúc đẩy Iran trở thành một quốc gia có thể chung sống hòa bình với khu vực và cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, ông cho rằng cách tiếp cận của ông Trump chỉ tập trung vào các thỏa thuận ngắn hạn thay vì xây dựng chiến lược dài hạn. Nhiều nhà phân tích cho rằng các cuộc đàm phán hạt nhân sẽ chỉ giúp Iran kéo dài thời gian và củng cố lực lượng. Mỹ cần phải có hành động cụ thể.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo DW)
Iran ra mắt phương tiện tác chiến gây lo ngại toàn khu vực Trung Đông
Iran ra mắt phương tiện tác chiến gây lo ngại toàn khu vực Trung Đông

Iran tăng cường sức mạnh hải quân với một tàu sân bay mới, làm dấy lên lo ngại an ninh của Israel về tương lai của Trung Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN