Iran ra mắt tàu sân bay Shahid Bagheri được trang bị một sàn cất cánh kiểu “ski jump” với một đoạn boong dốc lên giúp máy bay có thể cất cánh ở tốc độ thấp. Ảnh: X
Theo báo Bưu điện Jerusalem ngày 15/2, mối đe dọa từ Iran đối với Israel đã gia tăng với sự ra mắt của tàu sân bay mới mang tên Shahid Bagheri. Con tàu này giúp nâng cao đáng kể năng lực hải quân của Iran và gây lo ngại trên toàn khu vực.
Tàu sân bay Shahid Bagheri thực chất là một tàu chở hàng được cải tiến để có thể vận hành máy bay trực thăng và thiết bị bay không người lái (UAV).
Đây thực chất là căn cứ quân sự di động có khả năng phóng và tiếp nhận máy bay trên biển. Shahid Bagheri được trang bị một sàn cất cánh kiểu “ski jump” với một đoạn boong dốc lên giúp máy bay có thể cất cánh ở tốc độ thấp mà vẫn đảm bảo tuổi thọ của máy bay. Khi hạ cánh, máy bay sử dụng dây hãm để giảm tốc nhanh chóng, với sự hỗ trợ của các hệ thống điều khiển bay tiên tiến giúp điều hướng trong điều kiện thời tiết khó khăn.
Việc chế tạo một tàu sân bay là một quá trình phức tạp kéo dài nhiều năm, tiêu tốn hàng tỷ USD. Các tàu sân bay của Hải quân Mỹ được chế tạo từ thép cường độ cao trong các xưởng đóng tàu khổng lồ, thường chạy bằng năng lượng hạt nhân, cho phép hoạt động hàng thập kỷ mà không cần tiếp nhiên liệu. Trong khi đó, các tàu sân bay chạy bằng dầu diesel phải tiếp nhiên liệu sau mỗi 10.000 - 15.000 km.
Một tàu sân bay thường có từ 1.500 - 6.000 thủy thủ, bao gồm phi công, kỹ sư vũ khí, kỹ thuật viên và đội ngũ y tế để đảm bảo hoạt động thông suốt. Các tàu sân bay hạt nhân, với phạm vi hoạt động không giới hạn, có thể triển khai sức mạnh trên toàn cầu, trong khi tàu sân bay chạy bằng dầu diesel có phạm vi hoạt động hạn chế hơn.
Tàu sân bay Shahid Bagheri của Iran dài 240 mét, có khả năng mang nhiều phi đội thiết bị bay không người lái và máy bay trực thăng. Các báo cáo trong khu vực cho biết con tàu này cũng có thể triển khai tàu ngầm và rải thủy lôi, giúp tăng cường khả năng tác chiến. Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), ông Hossein Salami, tuyên bố rằng tàu sân bay này sẽ “tăng cường năng lực răn đe của Iran”, đồng thời cam kết rằng “Iran sẽ đối đầu với mọi mối đe dọa”.
Việc triển khai tàu sân bay này nằm trong chiến lược mở rộng hải quân của Iran nhằm tăng cường khả năng răn đe và phản ứng nhanh. Các quan chức Israel và quốc tế đang theo dõi sát sao diễn biến này, lo ngại rằng con tàu có thể trở thành căn cứ tiền phương để phóng thiết bị bay không người lái và tên lửa, đe dọa các tuyến hàng hải quốc tế và sự ổn định khu vực.
Quyết định chuyển đổi một tàu hàng thay vì đóng mới tàu sân bay chuyên dụng cho thấy Iran đang gặp hạn chế về kinh tế và công nghệ.
Dẫu vậy, tàu sân bay là yếu tố quan trọng trong chiến lược triển khai sức mạnh toàn cầu, cho nên, việc Iran đưa vào vận hành tàu sân bay Shahid Bagheri cho thấy tham vọng mở rộng hiện diện hải quân của nước này, từ đó làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Trung Đông vốn đã bất ổn.
Các quốc gia khác trên thế giới đang sở hữu tàu sân bay:
• Mỹ: 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.
• Vương quốc Anh: 2 tàu sân bay lớp Queen Elizabeth.
• Pháp: Charles de Gaulle (năng lượng hạt nhân).
• Nga: Admiral Kuznetsov.
• Trung Quốc: 2 tàu sân bay và đang mở rộng hạm đội.
• Ấn Độ: 1 tàu sân bay Vikramaditya và đang đóng thêm một tàu sân bay khác.
• Italy: Có 2 tàu sân bay là Cavour và Giuseppe Garibaldi.
• Tây Ban Nha: Có 1 tàu sân bay mang tên Juan Carlos I.