Lý do Saudi Arabia trở thành một nhà môi giới ngoại giao có ảnh hưởng toàn cầu

Với chiến lược ngoại giao cân bằng và tầm nhìn dài hạn, Saudi Arabia đang định hình lại trật tự khu vực và thế giới, khẳng định vị thế không chỉ là một cường quốc kinh tế mà còn là một người chơi quan trọng trên bàn cờ địa chính trị quốc tế.

Chú thích ảnh
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: IRNA/TTXVN

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, Saudi Arabia đang dần khẳng định vị thế của mình không chỉ là một cường quốc kinh tế mà còn là trung tâm ngoại giao quan trọng trong việc giải quyết các xung đột khu vực và toàn cầu.

Vai trò trung gian trong giải quyết xung đột Gaza

Vào cuối tuần này, Riyadh sẽ đón tiếp lãnh đạo 6 quốc gia Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) cùng với Jordan và Ai Cập để thảo luận kế hoạch tái thiết Gaza mà không cần di dời 2,2 triệu người Palestine. Đây được xem là phản đề xuất đối với kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc di dời người dân Gaza và "sở hữu" vùng đất này.

Khi Tổng thống Trump đưa ra đề xuất gây tranh cãi trên, nó đã tạo ra làn sóng chấn động toàn cầu, đặc biệt tại Jordan và Ai Cập - hai quốc gia mà ông Trump kêu gọi tiếp nhận người Palestine. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã chủ động mời các nhà lãnh đạo Arab cùng xây dựng kế hoạch thay thế, bác bỏ mọi nỗ lực đẩy người Palestine khỏi quê hương.

Ai Cập đang xây dựng chi tiết cho kế hoạch này, đề xuất thành lập cơ quan độc lập gồm các nhà kỹ trị để quản lý Gaza mà không cần sự tham gia của Hamas hay bất kỳ phe phái nào. Kế hoạch tái thiết sẽ được thực hiện thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức quốc tế khác.

Trung tâm đàm phán cho xung đột Nga - Ukraine

Đồng thời, vào ngày 18/2, các quan chức cấp cao Mỹ và Nga đã tiến hành cuộc họp tại Riyadh nhằm thiết lập thông số cho kế hoạch chấm dứt giao tranh ở Ukraine. Cuộc họp này diễn ra trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, cũng tại Saudi Arabia.

Cách tiếp cận cân bằng của Saudi Arabia trong cuộc xung đột Nga - Ukraine đã biến quốc gia này thành địa điểm lý tưởng cho các cuộc đàm phán. Vào tháng 5/2023, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được mời phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab tại Jeddah. Theo lịch trình, Tổng thống Zelensky sẽ thăm Saudi Arabia vào ngày 19/2 ngay sau cuộc họp giữa các quan chức Nga và Mỹ, nhưng ông Zelensky đã bất ngờ tuyên bố dời chuyến thăm sang tháng 3 tới.

Về phía Nga, Tổng thống Putin đã thăm Saudi Arabia vào tháng 12/2023 - một trong những chuyến công du hiếm hoi của ông kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ tháng 2/2022.

Thành công của Saudi Arabia trong vai trò trung gian hòa giải không phải ngẫu nhiên. Vào tháng 3/2023, Riyadh đã chấp nhận sáng kiến của Trung Quốc để bình thường hóa quan hệ với Iran - đối thủ lâu năm trong khu vực.

Vương quốc này cũng đã tích cực trong các nỗ lực chấm dứt chiến tranh ở Sudan, mang lại hòa bình cho Yemen, hỗ trợ tái thiết Syria, và thúc đẩy ổn định tại Liban và Iraq. Đối với xung đột Arab - Israel, Saudi Arabia đã đưa ra Sáng kiến Hòa bình Arab năm 2002. Trước đó, Riyadh đã từng làm trung gian cho Hiệp định Taif năm 1989 nhằm chấm dứt nội chiến Liban, minh chứng cho kinh nghiệm lâu dài trong vai trò hòa giải khu vực.

Mở rộng ảnh hưởng toàn cầu

Chiến lược ngoại giao khéo léo và linh hoạt đã giúp Saudi Arabia xây dựng liên minh với nhiều quốc gia và khối kinh tế quan trọng như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, BRICS, ASEAN và nhiều đối tác khác. Điều đáng chú ý là sự năng động này không đồng nghĩa với việc Saudi Arabia hy sinh các mối quan hệ truyền thống với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Trong khu vực vùng Vịnh, Saudi Arabia cũng đã nỗ lực hàn gắn quan hệ, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng ngoại giao năm 2017 với Qatar, thông qua các cuộc họp cấp cao nhằm khôi phục hợp tác giữa các thành viên GCC.

Là một phần trong kế hoạch cải cách Tầm nhìn 2030, Saudi Arabia đang sử dụng vị thế ngoại giao để tăng cường ảnh hưởng quốc tế. Quốc gia này đang dần trở thành đầu tàu kéo các nước trong khu vực hướng tới tương lai ổn định và thịnh vượng hơn.

Việc lựa chọn Saudi Arabia làm trung tâm ngoại giao cho các sáng kiến giải quyết xung đột quốc tế không chỉ khẳng định ảnh hưởng ngày càng tăng của quốc gia này mà còn phản ánh chính sách đối ngoại "mở cửa với mọi người" đầy khôn ngoan.

Tổng thống Trump từng nhấn mạnh tầm quan trọng của Saudi Arabia với tư cách là cường quốc kinh tế có giá trị đối với nền kinh tế Mỹ. Đây là quốc gia đầu tiên ông Trump thăm trong nhiệm kỳ đầu tiên, minh chứng cho tầm quan trọng chiến lược của Vương quốc này.

Với các nguyên tắc ngoại giao cân bằng, tôn trọng luật pháp quốc tế và không gây căng thẳng với bất kỳ bên nào, Saudi Arabia đang dần trở thành một nhà môi giới ngoại giao có ảnh hưởng toàn cầu, góp phần định hình trật tự khu vực và thế giới trong thời đại đầy biến động hiện nay.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo arabnews.com)
Các nước Trung Đông hoan nghênh vai trò của Saudi Arabia trong hội đàm Nga - Mỹ
Các nước Trung Đông hoan nghênh vai trò của Saudi Arabia trong hội đàm Nga - Mỹ

Các nước Arập như Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait và Jordan đã hoan nghênh vai trò trung gian của Saudi Arabia, đồng thời bày tỏ hy vọng cuộc hội đàm sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN