Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud (thứ 4, trái), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải), Cố vấn của Tổng thống Nga về chính sách đối ngoại Yuri Ushakov (thứ 2, phải), Ngoại trưởng Mỹ Marco Antonio Rubio (thứ 2, trái), Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz (thứ 3, trái) và Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff (trái) tại cuộc đàm phán ở Riyadh, Saudi Arabia, ngày 18/2/2025. Ảnh: DPA/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, UAE kỳ vọng “các cuộc đàm phán sẽ là bước tiến quan trọng nhằm thu hẹp bất đồng và thúc đẩy đối thoại, với mục tiêu chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua tại Ukraine”.
Bộ Ngoại giao UAE đánh giá cao những nỗ lực của Saudi Arabia trong việc tổ chức các cuộc đàm phán, coi đây là minh chứng về cam kết của Riyadh trong việc hỗ trợ các nỗ lực hòa bình quốc tế và hướng tới sự ổn định toàn cầu. Bộ Ngoại giao UAE cũng tái khẳng định cam kết của mình trong việc hỗ trợ giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột và thúc đẩy hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức toàn cầu.
Cũng trong ngày 18/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar - ông Majed Al-Ansari hoan nghênh những nỗ lực của Saudi Arabia trong việc dẫn dắt các cuộc đàm phán với hy vọng “các cuộc đàm phán sẽ mang lại hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài”. Ông Al-Ansari nhấn mạnh rằng Qatar từ lâu đã kêu gọi tất cả các bên tham gia giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine, vốn đã gây ra những tổn thất nhân đạo lớn và tác động sâu rộng đến tình hình địa chính trị và kinh tế toàn cầu.
Bộ Ngoại giao Kuwait cũng ủng hộ các cuộc đàm phán Nga - Mỹ và hy vọng rằng các cuộc thương thảo này sẽ “đạt được các mục tiêu mong muốn của hai bên, góp phần tăng cường an ninh và ổn định toàn cầu”. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jordan - ông Sufyan Qudah đánh giá cao vai trò quan trọng của Saudi Arabia trong việc tổ chức các cuộc đàm phán, đồng thời cho rằng những nỗ lực này thể hiện cam kết của Riyadh trong việc thúc đẩy hòa bình toàn diện và công bằng trên thế giới.
Phủ Tổng thống Palestine cũng đánh giá cao các cuộc đàm phán, cho rằng đây là đỉnh cao của chính sách khôn khéo mà Saudi Arabia theo đuổi. Lãnh đạo Palestine nhấn mạnh rằng chính sách này thúc đẩy sự ổn định trong khu vực và quốc tế, đồng thời khẳng định cam kết của Riyadh đối với vai trò quan trọng của mình trong việc đạt được hòa bình và an ninh.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ, đã bày tỏ sự "bất ngờ" khi biết thông tin về cuộc hội đàm Nga - Mỹ qua các phương tiện truyền thông. Ông một lần nữa nhấn mạnh rằng cả Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu cần phải tham gia vào các cuộc thảo luận về tương lai của Ukraine, đồng thời tuyên bố "đàm phán không thể diễn ra sau lưng chúng tôi" và hủy chuyến thăm dự kiến đến Saudi Arabia. Trước đó, ông Zelensky đã nhiều lần tuyên bố rằng Ukraine sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán Mỹ - Nga và không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào không có sự tham gia của Kiev.
Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans cũng khẳng định trong một thông điệp trên mạng xã hội X: "Không thể đàm phán về tình hình tại Ukraine khi không có sự tham dự của đại diện từ Ukraine. Châu Âu phải tham gia quá trình đàm phán”.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định cuộc đối thoại giữa hai cường quốc là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng châu Âu cần phải được tham gia vào tiến trình này. Nhà lãnh đạo Pháp cho biết sẽ tiếp tục tổ chức một cuộc họp mới về Ukraine.
Những phản ứng trái chiều này phản ánh sự phức tạp trong vấn đề Ukraine và cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo sự tham gia của tất cả các bên liên quan vào quá trình giải quyết xung đột.