G bao nhiêu chi phối thế giới trong thế kỷ 21?

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thế giới tưởng như là đơn cực với Mỹ chi phối toàn cầu. Tuy nhiên, với sự sa lầy về chính trị - quân sự tại nhiều khu vực trên thế giới, với những khó khăn lớn về kinh tế, trong đó có những khoản chi khổng lồ hàng năm cho cuộc chiến chống khủng bố trên quy mô toàn cầu, cùng với sự nổi lên mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi, nhất là nhóm BRIC, thế giới đã nổi lên nhiều cực.
 
Với nhận xét trên, nhà nghiên cứu cao cấp Parag Khanna thuộc New America Foundation, trong bài viết trên tờ "International Herald Tribune" số ra mới đây, đã đặt vấn đề những nhóm nào (G bao nhiêu) đang và sẽ chi phối thế giới trong thế kỷ 21?

Theo tác giả, trong tất cả mô thức về trật tự thế giới hiện nay, có lẽ G-2 là nguy hiểm nhất, vì nó gợi lại một thế giới tương tự như thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hơn nữa, Mỹ không muốn một đối thủ có ảnh hưởng và đạt được cân bằng chiến lược nhanh chóng với mình, trong khi Trung Quốc chưa quen với một trách nhiệm cao tương xứng sức mạnh của mình trên trường quốc tế. Mối quan hệ Mỹ-Trung hiện nay khó có thể được nhận xét là dễ chịu, tiến bộ, hoặc thậm chí mang tính xây dựng. Song chúng vẫn khiến người ta nghĩ đến một G-2. Trong khi đó, G-20 - với một số thành viên chưa xứng tầm trong đó như Áchentina hay Italia - chỉ có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính, mặc dù còn rất nhiều vấn đề toàn cầu cấp thiết khác như biến đổi khí hậu, không phổ biến hạt nhân… Vì vậy không khó hiểu khi nhà bình luận nổi tiếng Ian Bremmer đã gọi G-20 là "G-Zero", do nhóm này không có một nhà lãnh đạo rõ ràng và không có hệ thống chức năng quản trị toàn cầu.

Việc lấp kín các khoảng trống quyền lực nảy sinh từ sau khi Liên Xô sụp đổ là cần thiết để đảm bảo sự ổn định thế giới. Thực tế là một loạt cơ cấu tập hợp nguồn lực tập thể đã ra đời để giải quyết những khoảng trống trong việc xử lý các vấn đề khác nhau của thế giới.

Tác giả cho rằng, động lực đằng sau những đổi mới chính sách toàn cầu hiện nay không phải là Mỹ, cũng không phải Trung Quốc, mà là một quyền lực thứ ba có vẻ như đang ngày một bị bỏ qua: Đó là châu Âu. Châu Âu dường như càng bị lu mờ trong trật tự toàn cầu mới với sự xuất hiện của BRIC - câu lạc bộ của các cường quốc mới nổi gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc (gần đây là BRICS vì thêm Nam Phi).

Lý do châu Âu bị “giảm giá” là vì nó thường thất bại khi muốn có cùng một tiếng nói về một vấn đề nào đó và thường chậm chạp khi đưa ra một quyết định nhất định. Tuy nhiên, bất chấp những bất lợi này, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) vẫn là khối thương mại lớn nhất thế giới, nhà xuất khẩu vốn quan trọng, và là nguồn cung cấp kinh phí và lãnh đạo cho các tổ chức đa phương.

Hơn nữa, bất chấp những khó khăn trong việc ra quyết định tập thể, châu Âu với các nguồn lực của mình không chỉ dẫn dắt các hoạt động gìn giữ hòa bình và triển khai các sáng kiến phát triển trên khắp hành tinh, mà còn thực hiện nhiều hơn bất cứ ai khác nhằm thiết lập một trật tự pháp lý toàn cầu và các quy tắc kinh tế đa phương cho tiến trình toàn cầu hóa diễn ra kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Theo tác giả, chúng ta thực tế đang sống trong một thế giới "G-3" - một thế giới trong đó kết hợp sức mạnh quân sự và tiêu dùng của Mỹ, vốn và lao động của Trung Quốc, các quy tắc và công nghệ của châu Âu. Mỹ, EU và Trung Quốc là ba “đào kép chính” của thế giới, đại diện cho khoảng 60% kinh tế toàn cầu, trong đó EU là lớn nhất. Các mối quan hệ tam giác giữa bộ ba này rất quan trọng với thế giới. Thế giới đều đã chứng kiến mật độ kết nối an ninh, kinh tế và các mối liên kết xuyên Đại Tây Dương, cũng như tầm quan trọng ngày càng tăng của nền kinh tế Trung Quốc - Mỹ. Tuy nhiên, sẽ thiếu sót nếu không nhận thấy các mối quan hệ EU - Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực và trên nhiều phương diện cũng “dày đặc” như các mối quan hệ Mỹ - Trung.

Việt Tú (P/v TTXVN tại Inđônêxia)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN