EU có thoát khỏi 'vòng kim cô khí đốt' của Nga?

Đầu tháng này, khi các nhà lãnh đạo châu Âu (EU) cáo buộc Nga đưa quân vào Crimea (Crưm), họ lại rùng mình khi nghĩ đến những tháng ngày lạnh giá còn lại trước khi mùa xuân đến. Họ cũng sợ rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ gây ảnh hưởng đến việc lưu thông khí đốt từ Nga sang EU, vốn chủ yếu vận chuyển quá cảnh qua Ukraine.

Quá khứ vẫn nhắc nhở họ rằng, cuộc khủng hoảng khí đốt ở Ukraine năm 2009, khi xảy ra bất đồng giữa Nga và Ukraine về các khoản thanh toán, đã dẫn đến việc cung cấp khí đốt bị gián đoạn ở nhiều quốc gia châu Âu mà kết quả là không đủ nhiệt để sưởi ấm giữa mùa đông năm đó.

Kể từ đó, một số nước EU đã bắt đầu cải thiện các nguồn cung cấp khí đốt cho mình, trong đó có việc cải thiện cơ sở hạ tầng bằng cách xây dựng thêm các đường ống dẫn khí để có thể lưu thông dễ dàng hơn giữa các quốc gia châu Âu.

Tuy nhiên, hiện nay châu Âu vẫn còn rất dễ bị tổn thương trong vấn đề này. Mặc dù cơ sở hạ tầng đã được cải thiện một phần, nhưng thách thức thậm chí còn tăng lên và sẽ diễn ra trong một thời gian dài vì những chính sách năng lượng của Liên minh này. Những vấn đề này cũng chính là lý do tại sao đề xuất mới đây của Mỹ - do người phát ngôn Hạ viện John Boehner và cựu cố vấn năng lượng Mỹ Jason Bordoff đưa ra - nhằm tăng tốc độ xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ sang châu Âu để bù vào lượng thiếu hụt do cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra - có vẻ được ủng hộ rộng rãi. Nhưng trước khi đề xuất này được thực hiện, Mỹ cần xem xét một vài điểm về nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu.


Các nhà quan sát có thể nói về một thị trường năng lượng châu Âu, nhưng đó là sự ảo tưởng. Các quốc gia ngoại vi của châu Âu, chẳng hạn như Bulgaria, Hy Lạp và Hungary có giá năng lượng cao hơn nhiều và thách thức an ninh năng lượng lớn hơn so với các quốc gia ở trung tâm cựu lục địa, như Đức. Đó là bởi vì khí thiên nhiên không phải là một thứ hàng hóa có một giá chung trên toàn cầu mà nó được bán với giá khác nhau tại các thị trường khác nhau, tùy thuộc vào nguồn cung và sự biến động của nhu cầu. Các nước ở Tây Âu có thể tiếp cận với nhiều đường ống dẫn khí hơn so với các nước ở ngoại biên châu Âu và do đó được hưởng nguồn cung bảo đảm hơn và giá cả rẻ hơn.

Các nước Đông Âu đặc biệt dễ bị tổn thương bởi vì rất khó tiếp cận được nguồn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu. Điều đó sẽ không quan trọng nếu châu Âu có một hệ thống đường ống dẫn khí tốt và được liên kết chặt chẽ với nhau, nhưng hiện tại thì điều này vẫn chưa xảy ra. Hơn nữa, ngay cả khi LNG của Mỹ có thể xuất khẩu sang Đông Âu, hầu hết các nước ở khu vực này cũng không thể có khả năng mua nó. Bởi vì LNG từ Bắc Mỹ, sau khi hóa lỏng, quá cảnh, và tái khí hóa, sẽ có chi phí ít nhất là gấp đôi so với giá khí đốt của Nga được dẫn từ đường ống phía đông của châu Âu. Như vậy, việc vận chuyển khí xuất khẩu từ Mỹ sang châu Âu là quá tốn kém. Nói cách khác, LNG từ Mỹ sẽ không có thể cạnh tranh được với đường ống dẫn khí từ Nga.

Có lẽ EU cũng đã nhận thấy điều này. Thế nên, vào cuối năm ngoái, Liên minh này đã lên kế hoạch triển khai đường ống dẫn khí từ khu vực Shah Deniz, nơi có lượng khí lớn của Azerbaijan, kết nối 7 quốc gia khác nhau và kết thúc tại Italy nhằm tạo ra "Hành lang khí đốt phía Nam". Tuy nhiên, liệu điều đó đã đủ để châu Âu có thể độc lập về nguồn khí đốt với Nga hay chưa? Theo ông Steffen Bukold, Giám đốc Tổ chức tư vấn "Enery Comment", điều này là chưa đủ bởi việc sản xuất khí đốt ở các khu vực khác đang giảm sút. Tại Hà Lan, Anh và Na Uy, nguồn dự trữ khí đốt đang dần cạn kiệt. Và kế hoạch trên về lâu dài không thể là sự thay thế thực sự cho nguồn khí đốt của Nga. Sự hy vọng giờ đây nằm ở nguồn LNG khi nguồn nguyên liệu thô được làm lạnh ở âm 164 độ C và sẽ dễ dàng vận chuyển. Khí đốt có thể vận chuyển ngay trên các con tàu biển từ Qatar, Algeria hay các nước khác tới Đức. Vấn đề hiện nay là tại Đức không có cảng tiếp nhận nguồn nguyên liệu này.

Ngoài thách thức về nguồn cung, EU cũng đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng hơn, đó là những chính sách về năng lượng. Những chính sách này đều dựa trên nền tảng hệ tư tưởng thị trường tự do cực đoan, thực sự không phù hợp với một khu vực thị trường năng lượng chắp vá. Kể từ những năm đầu của thập kỷ trước, Brussels đã tìm cách làm giảm vai trò của nhà nước và các thể chế của EU trong lĩnh vực năng lượng. Nó đã hỗ trợ việc tư nhân hóa các công ty năng lượng, phân loại định giá các chuỗi cung ứng khí và điện, nhưng lại không có các hợp đồng cung cấp khí dài hạn… Brussels có vẻ như đang học tập mô hình giải quyết vấn đề khí tự nhiên tương đối thành công của Mỹ, trong đó dựa chủ yếu vào giá cả tại chỗ và liên quan đến rất ít sự can thiệp của chính phủ. Tuy nhiên, thị trường khí đốt của Mỹ về cơ bản là khác với ở châu Âu.

Trong khi không có bằng chứng nào cho thấy lực lượng thị trường sẽ dẫn đến sự phát triển của cơ sở hạ tầng năng lượng châu Âu thực sự cần thiết, ngoại trừ việc ủng hộ cho chương trình Hành lang khí đốt miền Nam và không thể giải quyết không đồng đều giữa các khu vực của thị trường khí đốt châu Âu, thì chính sách năng lượng của EU cũng đang bị chi phối bởi một vấn đề mới. Nỗ lực của Liên minh này trong việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu đã dẫn đến một sự kết hợp gượng ép - tăng tiêu thụ năng lượng tái tạo và than đá. Nếu có một bài học cho EU vào lúc này thì đó là cuộc cách mạng khí đá phiến của Mỹ, đó là chính sách năng lượng thành công tốt nhất khi kết hợp giữa lợi ích công cộng và thương mại.
 
EU hiện đang tiến hành các bước nhằm trừng phạt Nga với cáo buộc Moskva can thiệp quân sự vào bán đảo Crimea của Ukraine. EU còn cảnh báo sẽ trừng phạt nặng hơn nữa nếu Nga không có động thái cụ thể nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt cứng rắn có thể sẽ không được đưa ra bởi châu Âu vẫn lo sợ Nga xiết "chiếc vòng kim cô" khí đốt, nguồn năng lượng mà họ còn đang phụ thuộc nặng nề.


Công Thuận (Theo F.A)

EU ‘dọa’ Nga: Đàm phán về Ukraina hoặc bị trừng phạt
EU ‘dọa’ Nga: Đàm phán về Ukraina hoặc bị trừng phạt

Các biện pháp trừng phạt, bao gồm đóng băng tài sản và cấm các quan chức và giới quân sự sang EU, có thể được áp dụng ngay sau khi Crimea tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN