Tuyên bố thuế quan mới từ ông Trump gây sóng gió quan hệ Mỹ - Brazil

Trong diễn biến thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận quốc tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/7 đã tuyên bố áp thuế bổ sung 50% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Brazil – nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latinh. Quyết định này dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới.

Chú thích ảnh
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva phát biểu tại Brasilia. Ảnh: THX/TTXVN

Theo The Guardian (Anh), đây là mức thuế cao nhất được công bố trong tuần, đồng thời nhắm tới một quốc gia mà Mỹ đã duy trì trạng thái thặng dư thương mại liên tục trong 17 năm qua. Ngoài ra, bức thư mà Tổng thống Trump gửi tới người đồng cấp Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cũng gây chú ý vì có giọng điệu gay gắt, khác hẳn phong cách ngoại giao trong văn bản chính thức gửi các nguyên thủ quốc gia khác.

Tổng thống Trump cho rằng quyết định áp thuế là phản ứng trước các diễn biến pháp lý liên quan đến cựu Tổng thống Jair Bolsonaro – người hiện đang bị xét xử với cáo buộc âm mưu đảo chính sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2022. Ông Bolsonaro đã phủ nhận toàn bộ các cáo buộc này.

Bối cảnh căng thẳng gia tăng

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó, ngày 7/7, Tổng thống Trump đã đưa ra phát biểu thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đối với ông Bolsonaro, cho rằng cựu Tổng thống Brazil là đối tượng của một chiến dịch chính trị nhằm ngăn cản khả năng quay lại tranh cử vào năm sau. Phản ứng trước tuyên bố này, Brazil đã triệu tập Đại sứ Mỹ để bày tỏ phản đối.

Đến ngày 9/7, ông Trump công bố áp mức thuế 50%, đồng thời lặp lại các cáo buộc tương tự. Ông cũng chỉ trích Tòa án Tối cao Brazil vì ban hành cái mà ông gọi là “lệnh kiểm duyệt” đối với các công ty công nghệ Mỹ, cáo buộc Brazil đang thực hiện các hành động can thiệp sâu rộng, gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh kỹ thuật số của doanh nghiệp Mỹ.

Phản ứng trước các động thái từ phía Mỹ, Brazil tiếp tục triệu hồi đại sứ và từ chối tiếp nhận bức thư của ông Trump một cách tượng trưng. Tổng thống Lula – người trước đó khẳng định “Brazil không chấp nhận sự can thiệp từ bên ngoài” – đã công khai bác bỏ từng nội dung trong các cáo buộc từ phía ông Trump. Đồng thời, phía Brazil cũng đang cân nhắc khả năng đưa ra các biện pháp đáp trả tương ứng với mức thuế mới.

Phản ứng trong nước tại Brazil

Chú thích ảnh
Quang cảnh cảng hàng hóa tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Việc Mỹ tăng thuế mạnh đối với Brazil đã khiến nhiều người bất ngờ, đặc biệt trong bối cảnh hai nước vẫn duy trì quan hệ thương mại khá ổn định và Brazil từng chỉ bị áp mức thuế tối thiểu 10% hồi tháng 4.

Nghị sĩ Eduardo Bolsonaro – con trai của cựu Tổng thống Jair Bolsonaro – đã lên tiếng về diễn biến này. Ông cho rằng kết quả trên đến từ quá trình đối thoại liên tục với các thành viên trong Chính quyền của Tổng thống Trump, bắt đầu từ tháng 3 khi ông chuyển sang Mỹ sinh sống và làm việc.

Trong khi đó, giới doanh nghiệp Brazil – đặc biệt là các ngành xuất khẩu chủ lực như cà phê, thịt, dệt may, nhựa và giày dép – bày tỏ lo ngại trước nguy cơ thiệt hại kinh tế từ mức thuế mới. Một số ý kiến trong nội bộ chính trị Brazil cũng cho rằng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của các chính sách này để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Những cáo buộc nhắm vào ông Bolsonaro

Chú thích ảnh
Cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro (giữa) tại tòa nhà Quốc hội ở Brasilia, Brazil, ngày 18/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Cựu Tổng thống Jair Bolsonaro đang đối mặt với nhiều cáo buộc pháp lý liên quan đến cuộc biểu tình ngày 8/1/2023 tại thủ đô Brasília. Ngoài ra, Tòa án Bầu cử Brazil cũng đã ra quyết định không cho phép ông tham gia tranh cử trong kỳ bầu cử sắp tới, liên quan đến các phát ngôn trước đó về hệ thống bỏ phiếu.

Ông Bolsonaro đang bị điều tra về các vấn đề khác, bao gồm việc quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước và giấy tờ liên quan đến việc tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong tất cả các vụ việc, cựu Tổng thống đều bác bỏ các cáo buộc và tuyên bố sẽ hợp tác với cơ quan chức năng.

Tác động chính trị tiềm tàng

Theo nhà xã hội học Celso Rocha de Barros, diễn biến mới trong quan hệ Mỹ - Brazil có thể tạo ra những hệ quả không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà cả trong đời sống chính trị nội bộ của Brazil. Ông nhận định rằng những động thái từ phía Mỹ có thể ảnh hưởng tới tiến trình xét xử đang diễn ra, đồng thời tạo ra áp lực không nhỏ đối với các bên liên quan.

Mặt khác, cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay cũng có thể được xem là cơ hội để Tổng thống Lula củng cố hình ảnh chính trị. Trong bối cảnh đã chính thức công bố kế hoạch tái tranh cử, ông Lula đang sử dụng thông điệp “Brazil có chủ quyền” như một điểm nhấn trong chiến dịch truyền thông, tương tự chiến lược từng được một số chính trị gia các nước khác áp dụng khi đối mặt với sức ép từ bên ngoài.

Dư luận trong nước Brazil vẫn đang theo dõi sát sao những tác động kinh tế và chính trị của chính sách thuế mới, đồng thời kỳ vọng các bên sẽ lựa chọn giải pháp phù hợp nhằm duy trì quan hệ đối tác ổn định giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Mỹ.

Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc
Sức 'đề kháng' của Brazil với mức thuế cao 50% từ Mỹ
Sức 'đề kháng' của Brazil với mức thuế cao 50% từ Mỹ

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế nhập khẩu hàng hóa Brazil tới 50% đồng thời chỉ trích vụ xét xử cựu Tổng thống Jair Bolsonaro đã khiến nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh không còn nhiều lựa chọn để hạ nhiệt căng thẳng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN