Nhu cầu về khí đốt của Nga từ các nước bên ngoài Khối cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) đã tăng mạnh trong tuần qua khiến các chuyên gia hàng đầu suy đoán rằng các nhà cung cấp đang tích trữ trong trường hợp Nga cắt nguồn cung khí đốt.Kể từ ngày 1/3, việc cung cấp khí đốt của Nga ra bên ngoài khối Liên Xô cũ đã tăng 8%, đạt 476,5 triệu m3 mỗi ngày. Chỉ tính riêng việc lượng nhập khẩu của Tập đoàn khí đốt quốc gia Ukraine Naftogaz đã tăng gấp đôi, đạt 45 triệu m3/ngày.
Theo Konstantin Simonov, một nhà phân tích và là Tổng giám đốc của Quỹ an ninh năng lượng quốc gia Nga, mức tăng trên có thể là do những lo ngại về một cuộc chiến tranh khí đốt mới nổ ra. "Châu Âu (EU) hiểu rằng hậu khủng hoảng sẽ là bất cứ điều gì", ông Simonov cho biết và dự đoán rằng EU có lẽ đang bơm một lượng khí đốt ngày càng nhiều vào các kho lưu trữ dưới lòng đất đề phòng trường hợp nguồn cung khí đốt qua Ukraine bị cắt. Mikhail Korchemkin, người đứng đầu công ty tư vấn và phân tích gas Đông Âu, nói thêm rằng Kiev cũng đang chuẩn bị về việc bị cắt hoàn toàn khí đốt từ Nga.
Có một số tình huống có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh khí đốt. Nga có thể từ chối cung cấp khí đốt cho Ukraine vì không thanh toán hoặc vì Kiev không đủ năng lực thực hiện theo hợp đồng đã ký giữa hai bên. Ukraine có thể sẽ từ chối mua gas với một mức giá được đề xuất mới là 400 USD/1000 m3. Hoặc trong trường hợp một đường ống dẫn khí có thể bị phá hủy do sự phá hoại hoặc do xung đột vũ trang.
Mặc dù vậy, cho tới thời điểm này, các chuyên gia vẫn chưa tin rằng nguồn cung cấp khí đốt từ Nga cho Ukraine sẽ bị dừng lại, vì một động thái như vậy sẽ gây bất lợi cho Moskva. Theo ông Korchemkin Nó có thể dẫn đến sự mất độc quyền về nhà cung cấp khí đốt của Tập đoàn Gazprom của Nga, vốn chiếm đến 13% kim ngạch xuất khẩu của nước này, đương đương với 10 tỷ USD. Ông Korchemkin cho biết thêm rằng Gazprom đặc biệt không muốn tiến thêm một bước như vậy trong khi các nước phương Tây đang đe dọa trừng phạt kinh tế. "Các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ khiến cho các công ty nhà nước của Nga sẽ khó vay vốn ngân hàng hơn, như vậy Gazprom chỉ đơn giản là sẽ không có tiền để xây dựng dự án ‘Dòng chảy phương Nam’", ông Korchemkin nói.
Tuy nhiên, Ukraine không phải là trạm “quá cảnh” duy nhất cho khí đốt của Nga. Khí đốt cũng đang được lưu chuyển dưới biển Baltic thông qua các đường ống dẫn Nord Stream (Dòng chảy phương bắc). Ông Korchemkin cho rằng nếu trạm “quá cảnh” Ukraine bị dừng lại và đường ống Nord Stream được bơm đầy đủ, EU sẽ vẫn nhận được khoảng 2/3 khối lượng theo hợp đồng. Theo kịch bản này, việc cung cấp khí đốt bị gián đoạn sẽ chỉ ảnh hưởng đến Slovakia. Korchemkin cho rằng trừ khi các đường ống dẫn khí qua Ukraine bị phá hoại, không có mối đe dọa thực sự về một cuộc chiến tranh khí đốt cho đến mùa đông tới.
Tuy nhiên, theo Simonov, một cuộc chiến tranh khí đốt có thể diễn ra bây giờ vì nhu cầu cần thiết phải bơm khí vào các kho lưu trữ dưới lòng đất để chuẩn bị cho mùa đông tới. Trong khi trên thực tế, khí đốt của Nga chuyển sang châu Âu qua đường ống ở Ukraine và Ukraine cung cấp khí đốt từ các cơ sở lưu trữ nằm gần biên giới châu Âu của nước này. Do đó, nếu Ukraine đã không được bơm đủ khí vào các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của mình, sẽ có một mối đe dọa về lượng cung khí đốt đối với EU.
"Khí đốt cần được bơm vào các kho lưu trữ bắt đầu từ cuối mùa hè. Tôi sợ rằng các nhà chức trách mới [ở Kiev] đã không tính toán đến vấn đề này, vì vậy chúng ta có thể dự đoán rằng nguy cơ về một cuộc khủng hoảng khí đốt nghiêm trọng vào mùa thu", Simonov nói.
Alexei Skopin, Trưởng Khoa Kinh tế khu vực tại Đại học Kinh tế ở Moscow, cho rằng cuộc chiến khí đốt xảy ra có thể mang lại một số lợi ích đối với việc xuất khẩu khí đốt của Nga. "Nếu Crimea (Crưm) tách ra khỏi Ukraine và độc lập, Nga sẽ phải đàm phán về dự án Dòng chảy phương Nam và các dự án khác trực tiếp với Crimea, và tôi nghĩ rằng việc thương lượng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Dự án có thể được triển khai một cách bình thường mà không đòi hỏi phải đầu tư lớn, nghĩa là chỉ cần đầu tư vào các quốc gia có đường ống đi qua”, Skopin nói.
Công Thuận (Theo R.B.H)