Nga tôn trọng “lựa chọn lịch sử” của Crimea

Quốc hội Nga ngày tuyên bố sẽ tôn trọng “lựa chọn lịch sử” của người dân nước Cộng hòa tự trị Crimea (Crưm) của Ukraine trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 16/3 tới về việc sáp nhập vào lãnh thổ của Nga. Trong khi đó, cuộc chiến ngoại giao với những lời chỉ trích gay gắt qua lại giữa Mỹ và Nga vẫn chưa chấm dứt, thậm chí còn nóng bỏng hơn.


Quốc hội Nga ủng hộ ý nguyện của người dân Crimea


Chủ tịch Hạ viện Nga Sergei Naryshkin ngày 7/3 cho biết: “Chúng tôi ủng hộ lựa chọn dân chủ và tự do của người dân Crimea”. Theo ông Naryshkin, việc quốc hội Crimea nhất trí đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin xem xét cho khu vực này trở thành một phần của Liên bang Nga gắn với nhu cầu đảm bảo quyền lợi, tự do và bảo vệ mạng sống cho người dân Crimea, trong bối cảnh Ukraine rơi vào hỗn loạn sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị phế truất.

Tuần hành ủng hộ việc sáp nhập vào Nga ở thành phố Yevpatoria, Crimea, ngày 5/3.


Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko cũng khẳng định sự ủng hộ đối với ý nguyện của người dân Crimea nếu họ muốn sáp nhập vào Nga thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Khẳng định sẽ không có chiến tranh giữa Nga và Ukraine, bà Matviyenko nhấn mạnh Moskva sẽ không để xảy ra chiến tranh giữa hai dân tộc anh em.


Trước đó, lãnh đạo đảng A Just Russia, Sergei Mironov, đã trình Hạ viện Nga một dự thảo sửa đổi luật về quy trình nhập một khu vực mới vào Liên bang Nga. Ông Mironov cho rằng có thể dự luật sửa đổi sẽ được thông qua vào tuần tới. Theo dự luật, Nga có thể tiếp nhận một phần lãnh thổ của nước khác trong hai trường hợp: Một là người dân lãnh thổ đó đồng ý sáp nhập vào Nga qua trưng cầu dân ý, hai là cơ quan quyền lực nhà nước hợp pháp của lãnh thổ đó đề nghị Nga cho phép được sáp nhập.


Phản ứng nói trên của Nga được đưa ra một ngày sau khi quốc hội Crimea bỏ phiếu thông qua nghị quyết về việc tách Crimea khỏi Ukraine để trở thành một phần của Nga. Vấn đề này sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân vào ngày 16/3 tới.


Đáp lại hành động của quốc hội Crimea, ngày 7/3, Tổng thống lâm thời Ukraine Alexandr Turchynov đã ký một sắc lệnh, trong đó bác bỏ quyết định tiến hành trưng cầu dân ý của quốc hội Crimea về sáp nhập vào Nga. Sắc lệnh nêu rõ theo hiến pháp Ukraine cũng như hiến pháp Crimea, bất cứ cuộc trưng cầu dân ý nào ở địa phương đều là bất hợp pháp và vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bằng một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc được sự chuẩn thuận của quốc hội Ukraine. Trước đó, ông Turchinov cho biết quốc hội Ukraine đã bắt đầu thủ tục giải tán quốc hội Crimea sau khi cơ quan này bỏ phiếu gia nhập Nga.


Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 6/3 đã cảnh báo rằng cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea về việc gia nhập Nga sẽ là vi phạm hiến pháp Ukraine và luật pháp quốc tế. Ông Obama cho rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về tương lai của Ukraine phải có cả chính phủ hợp pháp của Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì khẳng định: “Crimea là Ukraine. Mỹ ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và chính phủ Ukraine cần tham gia vào bất kỳ quyết định nào”.


Nga, Mỹ lời qua tiếng lại


Bất đồng giữa Nga và Mỹ quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraine ngày càng căng thẳng. Bộ Ngoại giao Nga ngày 6/3 tuyên bố: Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan đến cuộc họp báo về tình hình Ukraine của Tổng thống Putin ngày 4/3 không chỉ xuyên tạc sự thật mà còn lộ rõ “tiêu chuẩn kép” của Washington. Nga cho rằng Mỹ đang tìm cách suy diễn một chiều một cách đáng xấu hổ về các sự kiện đã xảy ra ở Ukraine như thể các sự kiện này không có bằng chứng. Theo Moskva, Mỹ không và không thể có quyền rao giảng về cách tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền của nước khác và rõ ràng Mỹ không thể tiếp nhận các sự kiện một cách đầy đủ khi áp dụng tiêu chuẩn Mỹ.


Về những biện pháp trừng phạt mà Mỹ định áp đặt với Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng chỉ riêng ý định trừng phạt đã là một lời đe dọa đối với Nga.


Bất đồng Nga - Mỹ còn thể hiện rõ trong cuộc điện đàm kéo dài một giờ giữa tổng thống hai nước. Trong đó, Tổng thống Putin cho biết Nga không thể phớt lờ lời kêu gọi giúp đỡ từ những người nói tiếng Nga ở Ukraine và đã hành động phù hợp hoàn toàn với luật pháp quốc tế. Sau cuộc điện đàm, ông Putin cũng thừa nhận khoảng cách Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine là quá xa. Dù vậy, Tổng thống Nga cho rằng không nên hi sinh quan hệ giữa hai nước vì những khác biệt cá nhân, đặc biệt là trong những vấn đề quốc tế quan trọng.


Về phần mình, Tổng thống Obama đã kêu gọi Tổng thống Putin chấp nhận điều khoản của một giải pháp ngoại giao và cho rằng bất đồng quanh Crimea có thể được giải quyết mà vẫn tính đến lợi ích hợp pháp của Nga ở đây. Giải pháp ngoại giao mà ông Obama đề xuất gồm đàm phán trực tiếp giữa chính phủ Ukraine và Nga, triển khai giám sát viên quốc tế để bảo vệ quyền lợi của người Ukraine (trong đó có người Nga), lực lượng Nga rút về căn cứ đã có ở Crimea, ủng hộ bầu cử tổng thống ở Ukraine vào tháng 5 tới.


Cũng như cuộc điện đàm dài 90 phút trước đó, hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ vẫn không thống nhất được quan điểm trong cuộc điện đàm lần này.

 

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN