Đức mất vai trò lãnh đạo EU vì xung đột Nga-Ukraine?

Nước Đức đã nảy sinh vấn đề về uy tín kể từ khi bùng phát xung đột tại Ukraine, do quan hệ hợp tác với Moskva. Điều này có thể tác động đến cán cân quyền lực bên trong EU.

Chú thích ảnh
Theo các nhà quan sát, phong cách do dự của Thủ tướng Olaf Scholz được coi là một điểm yếu. Ảnh: DW

Một năm trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel chuẩn bị rời nhiệm sở sau 16 năm cầm quyền. Các nhà bình luận trên khắp thế giới một lần nữa ca ngợi bà là nhà lãnh đạo quan trọng nhất của EU. Rất ít người lên tiếng chỉ trích vai trò của bà trong việc ngăn cản Ukraine gia nhập NATO hoặc thúc đẩy đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) từ Nga sang Đức bất chấp việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Năm nay, khi Nga đưa quân vào Ukraine ngày 24/2, tân Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói: "Chúng ta thức dậy trong một thế giới khác".

Chiến dịch quân sự của Nga không chỉ phá vỡ trật tự của châu Âu thời hậu Thế chiến mà còn khiến chính sách với nước Nga của Đức trở nên khó khăn hơn. Vào tháng 4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã mời bà Merkel đến thị trấn Bucha, ngoại ô Kiev để tận mắt chứng kiến những hậu quả tàn khốc của chiến tranh.

Chú thích ảnh
Theo các nhà quan sát, phong cách do dự của Thủ tướng Olaf Scholz được coi là một điểm yếu. Ảnh: DW

Tác giả sách bán chạy nhất Ukraine, Andrey Kurkov gần đây nói với DW rằng ông nhận thấy sự gia tăng tâm lý chống Đức ở đất nước mình. Ông nói: “Khá công khai, bà Angela Merkel đang bị đổ lỗi cho những diễn biến mới nhất”.

Nhiều tiếng nói chỉ trích Đức khác cũng cất lên ở Ba Lan và các nước Baltic, nơi mọi người không chỉ chĩa mũi dùi vào bà Merkel mà còn cả thế hệ các chính trị gia Đức và chính sách "thay đổi thông qua thương mại" của họ đối với Nga. Cựu ngoại trưởng và tổng thống đương nhiệm của Đức, Frank-Walter Steinmeier, thừa nhận "những đánh giá sai lầm" đã khiến Đức mất rất nhiều uy tín. Tuy nhiên, đáng tiếc nhất là vai trò của cựu Thủ tướng Đảng Dân chủ Xã hội, Gerhard Schröder, người cho đến ngày nay vẫn từ chối tạo khoảng cách với Tổng thống Nga, Vladimir Putin.

Không có sự thay đổi mô hình thực sự?

Khi chiến tranh nổ ra, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố về "Zeitenwende" - khái niệm chỉ sự thay đổi mô hình để nhấn mạnh rằng chính phủ Đức sẵn sàng hành động hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, ông Scholz cũng cảnh báo về một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, và do dự cam kết giao vũ khí cho Kiev cũng như tẩy chay mạnh năng lượng Nga. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thậm chí còn cáo buộc ông Scholz ngăn chặn các biện pháp trừng phạt quyết liệt hơn của EU.

Một số loại đạn dược cuối cùng đã sẵn sàng cung cấp cho các xe tăng Gepard cũ mà Đức cam kết chuyển cho Ukraine.

Chú thích ảnh
Sau nhiều do dự, Đức đã quyết định chuyển xe tăng Gepard cho Ukraine. Ảnh: DW

Nhà khoa học chính trị Volker Weichsel, người đã nghiên cứu chính trị Đông Âu trong nhiều thập kỷ, cho biết sự kiềm chế của Thủ tướng Đức cũng không được đền đáp ở Nga. "Liên minh châu Âu kỳ vọng vào sự lãnh đạo mạnh mẽ của Đức. Nhưng trong cuộc khủng hoảng hiện nay, chính phủ Đức đã liên tục hành động rất chậm và chỉ để đáp lại sức ép từ bên ngoài", ông Weichsel nhận xét.

Hôm 20/5, Đại sứ Ukraine tại Đức, Andrij Melnyk, nói với mạng truyền thông RND rằng ông tin là "Thủ tướng [Olaf Scholz] không muốn giao" vũ khí cho Ukraine. “Người ta có thể có ấn tượng rằng họ đang chờ một lệnh ngừng bắn. Sau đó, áp lực sẽ không còn ở Đức, và sau đó sẽ không cần phải đưa ra bất kỳ quyết định can đảm nào nữa”, Đại sứ Melnyk nghi ngờ.

Ai lãnh đạo châu Âu?

Nếu không phải là Đức, thì ai có thể dẫn đầu châu Âu? Các nhà bình luận chính trị đã lưu ý rằng trong tuần qua Tổng thống Ukraine, Zelenskyy mô tả cuộc trò chuyện qua điện thoại của ông với Olaf Scholz là "khá hữu ích" và ngược lại, cuộc điện thoại của ông với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là "quan trọng và lâu dài" với trọng tâm rõ ràng là Ukraine muốn gia nhập EU càng nhanh càng tốt.

Tuy nhiên nhà khoa học chính trị Henning Hoff tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức chỉ ra rằng cũng có nhiều chỉ trích đối với các chính sách của ông Macron. Ông nói: “Cũng có rất nhiều sự không tin tưởng vào nước Pháp. Ông Macron đã khởi đầu một cuộc đối thoại chiến lược với ông Putin vào năm 2019 mà không cần tham vấn trước với các quốc gia Trung và Đông Âu."

Ông Hoff cho rằng, nhìn chung chính sách của châu Âu về Nga "không thể để mặc hết cho Đức hay Pháp. Người dân Trung và Đông Âu, đặc biệt là các nước Baltic và Ba Lan, phải có tiếng nói của họ".

Chú thích ảnh
Thủ tướng Pháp Macron và đồng cấp người Đức Scholz gặp nhau ở Berlin vào tháng 5/2022. Ảnh: DW

Đức có thể làm gì để lấy lại niềm tin?

Nhà khoa học chính trị Weichsel đưa ra ba đề xuất: "Hỗ trợ việc Ukraine nhanh chóng gia nhập EU, cung cấp hỗ trợ nhất quán cho lực lượng phòng thủ quân sự của Ukraine và hoàn thành quá trình xoay trục năng lượng nhanh chóng và thành công."

Ông Weichsel tin rằng: “Những mất mát về uy tín trong những tuần qua sẽ nhanh chóng bị lãng quên nếu Đức chứng tỏ rằng họ có một hình mẫu bền vững cho tương lai.

Trong khi đó, chuyên gia Hoff cho rằng Đức cần phát triển một chính sách mới cho các nước láng giềng phía đông. Ông nói, "trước hết phải tập trung vào các nước láng giềng gần gũi của Đức và các đối tác EU / NATO… Tóm lại, Đức chỉ có thể lấy lại lòng tin nếu nước này định hình được các chính sách của mình về hợp tác với các đối tác châu Âu. "

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo DW)
Tổng thống Zelensky: Quy mô quân đội Ukraine tăng gấp 6 lần kể từ khi xung đột với Nga
Tổng thống Zelensky: Quy mô quân đội Ukraine tăng gấp 6 lần kể từ khi xung đột với Nga

Tổng thống Ukraine tuyên bố quân đội nước này hiện gồm 700.000 binh sĩ, tăng gấp gần 6 lần so với lúc bắt đầu xung đột với Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN