Tờ Moscow Times ngày 19/5 dẫn số liệu của Bộ Tài chính Nga cho biết, nước này đã chi hơn 300 triệu USD mỗi ngày cho quốc phòng vào tháng 4, tăng hơn gấp đôi so với mức chi tiêu quốc phòng trước chiến tranh.
Chi tiêu quốc phòng đã tăng lên hàng tháng kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin đưa quân vào Ukraine từ cuối tháng 2, không giành được chiến thắng nhanh chóng và chuyển sang giai đoạn 2 tập trung vào chiếm các vùng lãnh thổ phía đông.
Nếu chi tiêu quốc phòng của Nga trong tháng 2 đạt tổng cộng 369 tỷ rúp (5,4 tỷ USD), thì tháng 3 đã chứng kiến mức tăng lên 450 tỷ rúp (6,6 tỷ USD), theo dữ liệu của Bộ trên.
Cho đến nay, tháng 4 là tháng Nga chi tiêu quốc phòng lớn nhất với 628 tỷ rúp (9,2 tỷ USD). Con số này tương đương khoảng 21 tỷ rúp, tức 308 triệu USD mỗi ngày.
Chi tiêu quốc phòng của Nga trong tháng 4 đã cao hơn gấp đôi so với thời kỳ trước chiến tranh, với 233,7 tỷ rúp (3,4 tỷ USD) được chi vào tháng 1/2022. Vào tháng 4/2021, tổng chi tiêu quốc phòng là 275 tỷ rúp.
Từ tháng 1 đến cuối tháng 4/2022, 1.681 nghìn tỷ rúp (24,6 tỷ USD) từ ngân sách Nga đã được phân bổ cho chi tiêu quân sự. Con số này cao gấp ba lần số tiền chi cho giáo dục, hơn gấp đôi ngân sách chi cho y tế và gấp 10 lần số tiền chi cho quản lý và bảo tồn môi trường.
Theo hãng tin TASS, ngày 19/5 Bộ Phát triển Kinh tế Nga cũng đưa ra bản dự báo kinh tế vĩ mô xấu đi đáng kể cho năm 2022. Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ giảm 7,8%, lạm phát tăng lên 17,5%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 6,7% và thu nhập thực tế của người dân sẽ giảm 6,8%.
Tỷ giá hối đoái trung bình hàng năm của đồng nội tệ dự kiến ở mức 76,7 rúp quy đổi 1 USD, trong khi giá trung bình của dầu Urals được dự báo là 80,1 USD/thùng.
Bộ trên dự báo từ năm 2023, phần lớn các chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ bắt đầu phục hồi trong khi chỉ có GDP tăng trưởng âm với mức giảm 0,7%.
Nhật báo Izvestia dẫn lời nhà phân tích Stanislav Murashov tại ngân hàng Raiffeisenbank đánh giá bản dự báo trên hoàn toàn thực tiễn, đồng thời cho rằng các chỉ số sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu Nga có thể quản lý nguồn cung xuất - nhập khẩu hay không.
"Mức độ lạm phát sẽ phụ thuộc vào tình trạng thâm hụt sản phẩm, liệu xảy ra nhập khẩu song song hay không. Lạm phát quanh mức 17-18% là mức mục tiêu thực tế với tình hình hiện nay”, chuyên gia Murashov nói.
Theo bà Natalya Lavrova, nhà kinh tế cấp cao của BCS Global Markets, trong điều kiện hiện tại, biện pháp hỗ trợ chính cho nền kinh tế Nga sẽ là nguồn thu nhập từ xuất khẩu. Nữ chuyên gia cho biết nếu các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung vào lĩnh vực xuất khẩu nguyên liệu thô của Moskva, các chỉ số kinh tế có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều.
Cuối tháng 4 vừa qua, Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIRI) báo cáo, tổng chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng 0,7% trong năm 2021 lên 2.113 tỉ USD. Năm nước chi tiêu lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và Nga, chiếm 62% tổng chi toàn cầu.
Như vậy tổng chi tiêu quân sự của thế giới trong năm 2021 đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, vượt 2,1 ngàn tỉ USD và đây là năm tăng thứ 7 liên tiếp.