Nga nêu điều kiện mở lại các cảng bên bờ Biển Đen của Ukraine

Theo hãng thông tấn Interfax, Bộ Ngoại giao Nga ngày 19/5 khẳng định kêu gọi của Liên hợp quốc (LHQ) yêu cầu mở lại các cảng bên bờ Biển Đen của Ukraine cần phải gắn với quyết định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva.

Chú thích ảnh
Tàu tuần dương Moskva của Nga tham gia tập trận trên Biển Đen. Ảnh (do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp ngày 18/2/2022): AFP/TTXVN

Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cho rằng không thể chỉ kêu gọi Nga mà cần nhìn nhận thấu đáo toàn bộ nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay và rõ ràng những biện pháp trừng phạt do Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt nhằm vào Nga đã can thiệp vào thương mại tự do bình thường, bao gồm cả các sản phẩm thực phẩm, lúa mì và phân bón.

Ukraine, một trong những quốc gia sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới, xuất khẩu phần lớn hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển của nước này. Tuy nhiên, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 vừa qua, Kiev đã buộc phải xuất khẩu hàng hóa bằng tàu hỏa hoặc thông qua những cảng nhỏ ven sông Danube.

Ngày 18/5, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ, ông David Beasley, đã đề nghị Nga mở lại các cảng bên bờ Biển Đen của Ukraine.

WFP cung cấp lương thực cho khoảng 125 triệu người và mua 50% ngũ cốc từ Ukraine. Theo WFP, xung đột tại Ukraine đã khiến các cảng của nước này đóng cửa, dẫn tới việc hàng triệu tấn ngũ cốc phải lưu giữ trong kho tại các cảng trên Biển Đen và cảng ở Odessa. Nếu tình hình không được cải thiện, nông dân Ukraine sẽ không có chỗ dự trữ lương thực trong vụ thu hoạch vào mùa Hè.

Từ đầu năm đến nay, khoảng 276 triệu người trên toàn thế giới đã phải đối mặt với nạn đói và con số này có thể tăng thêm 47 triệu người nếu xung đột ở Ukraine tiếp diễn.

Phan An (TTXVN)
EU xem xét một khoản vay chung nhằm giúp tái thiết Ukraine
EU xem xét một khoản vay chung nhằm giúp tái thiết Ukraine

Ủy ban châu Âu (EC) hôm 18/5  xem xét lựa chọn một khoản vay chung mới trong Liên minh châu Âu (EU) được lấy ý tưởng từ kế hoạch phục hồi sau COVID-19 để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine. Tuy nhiên, chủ đề này lại gây ra sự miễn cưỡng trong 27 quốc gia thành viên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN