Có đến hàng chục nghìn người rơi vào tình cảnh này, khi nền kinh tế Nga đối diện với mức lạm phát cao nhất trong vòng 20 năm, còn cơ hội tìm kiếm việc làm chưa bao giờ là điều dễ dàng kể cả trước thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 22/4.
McDonald là cái tên mới nhất gia nhập làn sóng rời thị trường Nga. Doanh nghiệp nhượng quyền có trụ sở chính tại Chicago (Mỹ) ngày 16/5 tuyên bố rút khỏi thị trường Nga và bắt đầu thủ tục để bán lại chuỗi cửa hàng sau 30 năm hoạt động tại Nga. Với 850 nhà hàng trên khắp nước Nga, McDonald tuyển dụng lượng lao động bản địa lên đến 62.000 người. Họ sẽ được chi trả lương cho tới thời điểm hoàn tất thương vụ bán lại, còn sau đó chưa biết tương lai việc làm sẽ ra sao.
Lượng nhân công người Nga làm việc cho nhà máy Renault (Pháp) ở Nga là 45.000 người. Khoảng 15.000 nhân viên làm việc cho Ikea tại Nga được nhận thù lao đến hết tháng 8, sau đó là chấm dứt hợp đồng. Siemens (Đức) cũng có 3.000 lao động người Nga thuộc diện này, với tiền lương được chi trả cho đến giữa tháng 5 vừa qua. Cả nhân viên cổ trắng và nhân viên cổ cồn tại những công ty, tập đoàn nước ngoài có văn phòng, liên danh tại Nga đều gia nhập vào đội quân thất nghiệp, tại thời điểm khủng hoảng việc làm ở Nga có dấu hiệu tăng tốc.
Theo khảo sát do Bloomberg tiến hành hồi tháng trước, tỷ lệ thất nghiệp tại Nga từ mức 4,6% trong quý 1 sẽ lên mức 9% vào cuối quý 4 năm nay. Cùng lúc, lạm phát của Nga trong tháng 4 vừa qua cũng tăng tới 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai yếu tố này hội tụ cùng lúc khiến mức sống của người dân Nga suy giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nga. Tài liệu rò rỉ nội bộ cho thấy Bộ Tài chính Nga dự báo GDP nước này trong năm nay sẽ suy giảm 12%, xóa bỏ gần như toàn bộ tăng trưởng kinh tế từng đạt được trong một thập kỷ qua.
Thất nghiệp tại Nga không phải khởi nguồn từ các công ty nước ngoài rời khỏi thị trường Nga. Một phần nguyên nhân chính là kết nối giữa Nga với kinh tế toàn cầu. các lệnh trừng phạt do Mỹ và phương Tây dựng lên hủy hoại gián tiếp cơ hội việc làm của người lao động Nga tại chính những doanh nghiệp trong nước.
Theo giới chức Nga, ở thời điểm đầu tháng 3 vừa qua, có 95.000 người lao động Nga rơi vào tình cảnh phải nhận trợ cấp thôi việc. Tính ở thời điểm tháng 2, có khoảng 3 triệu người Nga thất nghiệp. Nhưng theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (CSR) có trụ sở ở Moskva, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm khoảng 2 triệu người nữa gia nhập đội quân thất nghiệp.
Khi doanh nghiệp nước ngoài rời đi, sinh kế của những người lao động từng làm việc trong các công ty, văn phòng này sẽ phụ thuộc vào số phận của chính những doanh nghiệp đó sau bước tiếp quản, chuyển giao. Đơn cử, máy sản xuất ô tô Renault ở Moskva sẽ vẫn hoạt động sau khi Renault rời đi và sẽ được đặt dưới quyền điều hành của chính phủ. Điện Kremlin ra quyết định quốc hữu hóa, đưa tổ hợp này chuyên tâm sản xuất mẫu xe hơi Moskvitch có từ thời Liên Xô.
“Chúng ta không thể để hàng nghìn công nhân không có việc làm. Chúng ta sẽ phải giữ lại được các bộ phận lao động trực tiếp tại nhà máy và các dây truyền liên quan”, thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin trấn an người lao động.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được may mắn như công nhân làm việc cho Renault. McDonald’s hiện vẫn chưa tìm được một đối tác bản địa để bán lại chuỗi nhà hàng. Với những công ty như Spotify, đơn vị đã đóng cửa văn phòng tại Nga, mọi việc thậm chí còn khó hơn, bởi không có một công ty dạng nào của Nga có loại hình kinh doanh tương tự như Spotify để có thể tiếp nhận. Nhiều người cũng rơi vào tình cảnh bất ổn việc làm, nhưng là theo dạng khác. Zara, thương hiệu lớn về quần áo, thời trang, đã ngưng hoạt động tại Nga. Nhân viên của Zara ở Nga vì thế chỉ nhận được khoản thù lao bằng 2/3 so với bình thường.
Rất khó để khẳng định tình cảnh bấp bênh về việc làm sẽ còn kéo dài trong bao lâu. Các lệnh trừng phạt chống Nga nhiều khả năng vẫn sẽ được duy trì kể cả khi xung đột Ukraine chấm dứt, đẩy Nga tách biệt với phần còn lại của kinh tế thế giới.
Cùng lúc, kinh tế Nga có xu hướng thiên về một số ít ngành trọng điểm, như dầu mỏ, khí đốt, khai khoáng, một số lĩnh vực chế tạo. Không có quá nhiều công ty hoạt động trong các ngành kinh tế này, đủ để hấp thụ một lượng lớn lao động dư thừa. Các công ty như Zara và Renault sẽ không quay lại Nga trong trung hạn. Khủng hoảng việc làm sẽ là điểm nghẽn lớn đối với nền kinh tế Nga.