Mặc dù nhu cầu tái thiết của Ukraine vẫn chưa được đánh giá về quy mô, do xung đột vẫn đang tiếp diễn, nhưng EC nhấn mạnh thiệt hại ước tính lên tới "hàng trăm tỷ euro, trong đó hơn 100 tỷ euro cho cơ sở hạ tầng vật chất".
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Phó Chủ tịch EC, Frans Timmermans nhấn mạnh "cần phải xem xét nguồn tài trợ ở quy mô châu Âu như chúng ta đã làm cho COVID".
Để hỗ trợ quá trình tái thiết này, EC đề xuất thành lập một công cụ tài chính, "RebuildUkraine" (tái thiết Ukraine), được hỗ trợ bởi ngân sách châu Âu, có thể cấp cho Ukraine các khoản vay và trợ cấp, kèm theo điều kiện cải cách về Nhà nước pháp quyền, chống tham nhũng và đầu tư phù hợp với các mục tiêu kỹ thuật số và khí hậu của châu Âu.
EC chỉ rõ rằng công cụ sẽ xây dựng dựa trên "kinh nghiệm mà EU có được trong khuôn khổ Cơ chế phục hồi và thích ứng", công cụ chính của kế hoạch phục hồi châu Âu nhằm hỗ trợ các nước EU trong cuộc khủng hoảng COVID-19, được tài trợ một cách chưa từng có bởi các khoản vay chung.
Theo EC, các khoản tài trợ được cấp cho Ukraine có thể được tài trợ bởi các khoản đóng góp bổ sung từ các quốc gia thành viên (và các nước thứ ba nếu họ muốn) cho chương trình RebuildUkraine và cho các chương trình hiện có của Liên minh, hoặc bởi một bản sửa đổi có mục tiêu của ngân sách châu Âu 2021-2027.
Các nguồn lực này cũng có thể được sử dụng để tài trợ cho các khoản vay được cấp cho Ukraine với quy mô cần thiết, việc huy động vốn với tư cách của EU hoặc với sự bảo đảm từ các quốc gia thành viên là một trong những lựa chọn mà EC hướng tới.
Nhưng ý tưởng về một khoản nợ chung mới làm dấy lên sự miễn cưỡng, đặc biệt là Đức và ở các nước được gọi là “hà tiện” ở Bắc Âu, vốn gặp khó khăn trong việc phê chuẩn kế hoạch khôi phục châu Âu vào mùa hè năm 2020.
EC mời các nước thành viên khám phá những ý tưởng này để "xem liệu có ý chí tiến xa hơn hay không". Theo một quan chức cấp cao của EU, các đề xuất vẫn còn "mơ hồ".