Theo trang barron.com, động thái của Mỹ là bước đi táo bạo, dường như đã có tác dụng trong ngắn hạn khi giá dầu giảm hơn 10% trong vòng ba tuần qua do lường trước tình hình. Tuy nhiên, động thái tiếp theo nằm trong quyền quyết định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
OPEC có lịch họp trực tuyến với các đồng minh như Nga và ngày 2/12 tới và quyết định của tổ chức này trong cuộc họp có thể cho thấy sức mạnh cũng như hạn chế của mình với giá dầu.
OPEC rõ ràng có nhiều quyền lực hơn Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn trong thiết lập quy tắc thị trường dầu. Khác với Mỹ, quốc gia giám sát nhưng không kiểm soát sản xuất dầu trong nước, các thành viên OPEC có ảnh hưởng lớn hơn nhiều với mức độ sản xuất dầu nội địa. Xuất dầu dự trữ cũng chỉ có giới hạn vì kho dầu không phải là vô tận. Dự trữ dầu của Mỹ chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước trong một tháng.
Trong khi đó, quan hệ liên minh giữa Saudi Arabia và Nga vẫn ổn định sau khi hai nước bất đồng hồi đầu đại dịch COVID-19. Cả Saudi Arabia và Nga, cũng như các nước còn lại trong OPEC và các đồng minh như Mexico, đều duy trì kế hoạch sản xuất dầu nghiêm ngặt trong hơn một năm qua. Kế hoạch này đã có kết quả tích cực với họ khi giá dầu cao, giúp các nước thu về hàng tỷ USD khi dần đưa sản lượng dầu về mức trước đại dịch.
Việc Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… xuất dầu từ kho dự trữ chiến lược giống như “cơn nấc” tạm thời, không thể làm gián đoạn các kế hoạch sản xuất của OPEC và đồng minh. Rõ ràng là các nhà giao dịch dầu mỏ cũng nghĩ như vậy vì giá dầu Brent đã tăng trở lại 82 USD/thùng vào giữa ngày 23/11 sau khi giảm xuống dưới 80 USD trong những ngày gần đây.
Tổng lượng xuất kho của các nước có thể là 65-70 triệu thùng dầu. Bao nhiêu dầu được đưa trở lại thị trường còn tùy vào bao nhiêu tháng các nước cần để xuất đầy đủ lượng dầu đã thông báo. Giả sử cần hai tháng, có nghĩa là mỗi ngày sẽ có hơn 500.000 thùng dầu được tung ra thị trường. Đây là con số nhỏ nhoi so với nhu cầu 99 triệu thùng trên thị trường ngày nay, nhưng đủ để tạo khác biệt. Số lượng dầu này sẽ đẩy nhanh quá trình tăng nguồn cung. Mỹ đã xuất gần 500.000 thùng dầu/ngày theo kế hoạch đã thông báo trước đó để bán một lượng dầu dự trữ. Trung bình Mỹ đưa ra 457.000 thùng từ tuần trước.
OPEC và đồng minh (hay còn gọi là OPEC+) đã cắt mạnh sản lượng hồi đầu đại dịch để ngăn giá dầu lao dốc. Từ đầu năm nay, họ đã bổ sung 400.000 thùng dầu vào thị trường mỗi tháng và đang lên kế hoạch tương tự cho tới tháng 9/2022. Việc OPEC+ nối lại sản xuất dầu dần dần đã khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden tức giận. Ông Biden cho rằng OPEC đã giữ giá dầu quá cao, gây ra lạm phát với các sản phẩm như xăng. Đó là lý do tại sao ông phối hợp với nhóm quốc gia tiêu thụ dầu để xuất dầu dự trữ.
Sau động thái trên của Mỹ, một số nhà phân tích cho rằng OPEC có thể điều chỉnh giảm mức tăng sản lượng để đối phó với tác động dìm giá và để thể hiện sức mạnh.
Nhà phân tích Edward Moya của công ty Oanda nhận định: “Không ai ngạc nhiên nếu họ giảm kế hoạch sản xuất nhất là trong bối cảnh bất ổn ngắn hạn với triển vọng nhu cầu dầu thô và động thái xuất dầu dự trữ phối hợp nói trên”.
Tuy nhiên, chiến thuật này cũng có rủi ro. OPEC đã từ chối ông Biden khi không đồng ý tăng sản lượng tại cuộc họp mới đây nhất. Do đó, thực hiện thêm động thái gây hấn có thể gây hậu quả chính trị. Một số quốc gia Vùng Vịnh có quan hệ gần gũi với Mỹ có thể phản đối động thái đó vì sợ hậu quả chính trị từ Mỹ.
Ví dụ, các nhà lập pháp hai đảng ở Mỹ đã ủng hộ một dự luật có tên NOPEC, cho phép Bộ Tư pháp kiện các thành viên tổ chức sản xuất dầu mỏ vì vi phạm chống độc quyền. Động thái quyết liệt của OPEC có thể khiến dư luận thêm ủng hộ dự luật trên.
Tính chất chính trị khó đoán của mặt hàng dầu khiến đa số nhà phân tích cho rằng OPEC sẽ bám lấy kế hoạch sản xuất đã công bố từ trước, ít nhất là bây giờ.