Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ sử dụng lối tiếp cận quen thuộc của mình là lạc quan tích cực và một lượng tiền mặt khủng, nhằm đối phó với những áp lực tăng nhanh đe dọa làm tan vỡ Vương quốc. Scotland một lần nữa đe dọa sẽ thoát khỏi Điện Westminster (Nghị viện Vương quốc Anh).
Bạo lực – được thúc đẩy một phần từ những căng thẳng xung quanh Brexit – bùng phát dữ dội tại Bắc Ireland. Thậm chí Xứ Wales cũng đang chứng kiến sự gia tăng ủng hộ với chủ nghĩa dân tộc.
Vương quốc Anh là tên gọi ngắn để chỉ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, bao gồm: England, Wales, Scotland và Bắc Ireland.
Mặc dù trên thực tế England là xứ đứng đầu về quyền lực, nhưng các chính phủ trung thành ở ba xứ còn lại cũng nắm giữ quyền lực quyết định đối với nhiều lĩnh vực cuộc sống của người Anh, gồm y tế, giáo dục và phúc lợi. Vấn đề của Thủ tướng Johnson là các nghị viện thành viên có thể hoạt động chống lại Westminster, sau đó đổ lỗi cho London về bất kỳ thất bại nào.
Trong nỗ lực hàn gắn đất nước, Thủ tướng Boris Johnson đã quyết định chọn một cách tiếp cận khác với chiến dịch Brexit bắt đầu 5 năm trước. “Dự án Tình yêu” sẽ là nỗ lực “cháy chậm”, và đối nghịch với chiến dịch gây sợ hãi của cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập tại Scotland năm 2014 hay phần lớn cuộc đấu tranh đòi Brexit năm 2016, nỗ lực này sẽ tìm cách đưa ra một viễn cảnh lạc quan cho liên minh, để tất cả mọi người ở Scotland, Wales và Bắc Ireland cùng thấy, “gia đình quốc gia” hiện tại có ý nghĩa thế nào với họ.
Ngoại trưởng Simon Hart của Xứ Wales cho rằng công chúng muốn nghe Westminster đưa ra những lợi ích của liên minh “theo cách tích cực, thay vì chỉ là kiểu xỉa xói những tiêu cực của việc tách ra độc lập”.
Ngoại trưởng Bắc Ireland, Brandon Lewis cũng khẳng định kế hoạch để duy trì sự gắn kết của bốn thực thể trong Vương quốc Anh là thuyết phục họ về lợi ích của liên minh, và giá trị mà mỗi nước mang lại cho cả vương quốc.
Phong trào đòi độc lập lên cao
Scotland chắc chắn là nỗi lo ngay lập tức của ông Boris Johnson. Tỷ lệ ủng hộ tách ra độc lập đã đạt đến mức cao nhất trong thời kỳ đại dịch, và sau một thời gian giảm lại, đang tăng trở lại trước cuộc bầu cử quốc hội Scotland vào tháng tới.
Lực lượng ủng hộ độc lập, Đảng Quốc gia Scotland, gần như cầm chắc chiến thắng, chỉ với câu hỏi là với mức độ bao nhiêu.
Sự ủng hộ dành cho phản ứng với đại dịch mạnh mẽ của Thủ hiến Nicola Sturgeon dường như đang tập hợp cử tri. Bà Sturgeon hy vọng, với chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử tới, bà sẽ đảm bảo được một thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về độc lập, sau lần đầu thất bại năm 2014.
Tâm lý ủng hộ cho nền độc lập cũng đã tăng lên ở Xứ Wales, dù khởi đầu thấp hơn nhiều so với Scotland. Một cuộc thăm dò hồi tháng 3 cho thấy 39% người được hỏi ủng hộ tách ra khỏi Vương quốc, trong khi phần lớn còn lại có những thái độ khác nhau. Mặc dù còn xa mới đạt được đa số, tâm lý dân tộc chủ nghĩa đã đủ mạnh để dẫn đến những lời xì xào rằng chính quyền Công đảng phải thành lập một liên minh khác với đảng ủng hộ độc lập Plaid Cymru, sau cuộc bầu cử nghị viện Wales vào tháng 5 tới.
Giống như người đồng cấp Scotland, Ngoại trưởng Xứ Wales Simon Hart lo lắng Cardiff (thủ phủ Wales) có thể bị đẩy đến bờ vực tương tự nếu chính phủ Thủ tướng Johnson không thể phản ứng hiệu quả với các cuộc khuấy động chủ nghĩa dân tộc.
Bạo lực ở Bắc Ireland
Trong khi đó, Brexit đang gây tổn hại nặng nề tại Bắc Ireland, với tình trạng gián đoạn kinh doanh và biến động chính trị. Một số người trong chính phủ lo lắng rằng sự ủng hộ đối với chủ nghĩa liên minh ôn hòa đang bị tổn hại bởi cuộc tranh cãi, đe dọa thỏa thuận chia sẻ quyền lực mong manh ở Bắc Ireland, vốn đã chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa những người theo chủ nghĩa liên minh và chủ nghĩa dân tộc.
Bạo lực đã bùng phát dữ dội trong những ngày gần đây. Tính đến ngày 15/4, làn sóng bạo loạn bước sang đêm thứ bảy liên tiếp khi hai phe phái đối địch tại đây, gồm những người theo đạo Thiên chúa ủng hộ thống nhất toàn bộ Ireland và những người theo đạo Tin lành mong muốn duy trì Bắc Ireland là một phần của Vương quốc Anh tiếp tục đụng độ với lực lượng cảnh sát chống bạo động tại thủ phủ Belfast.
Các vấn đề trên khắp Vương quốc Anh còn bị làm phức tạp lên bởi đại dịch COVID. Các chính quyền thành viên có quyền kiểm soát tối cao trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vì thế bất chấp nỗ lực áp đặt các hạn chế bổ sung trên khắp Vương quốc, mỗi vùng lại thực thi các quy tắc khác nhau. Điều đó khiến ông Boris Johnson chỉ giống như thủ tướng của riêng England.
Niềm lạc quan từ 'Dự án Tình yêu'
"Theo quan điểm của chính phủ Vương quốc Anh, nó sẽ tích cực và chủ động, và thể hiện nhiều hơn là nói - thực sự thể hiện giá trị của Vương quốc Anh đối với tất cả công dân của mình", một chiến lược gia quen thuộc của Đảng Bảo thủ cho biết.
Trọng tâm "cuộc tấn công quyến rũ" của Điện Westminster sẽ là kế hoạch thay thế nguồn tiền mặt đầu tư từ EU bằng một "quỹ thịnh vượng chung" mới, được quản lý từ London và bỏ qua các chính quyền trong liên hiệp. Các bộ trưởng hy vọng nó sẽ trở thành một công cụ để thể hiện giá trị của Vương quốc Anh - trao tiền mặt trực tiếp cho chính quyền địa phương trong các mục đích cụ thể dưới biểu ngữ thống nhất, thay vì giao tiền cho nghị viện các vùng.
Điện Westminster cũng muốn thúc đẩy các “hợp đồng phát triển”, rót hàng trăm triệu bàng đầu tư cho các doanh nghiệp và dự án ở địa phương.
Bên cạnh đó, ông Johnson đã tuyển dụng nhiều cố vấn tham gia cứu liên minh, như một phần trong quá trình cải tổ các quy trình ra quyết định của chính quyền trung ương. Nhưng nỗ lực này đã không bắt đầu suôn sẻ. Nhiều tuần xung đột giằng co đã cản trở “đơn vị liên minh”, gồm các cố vấn của Phố Downing, sau khi Thủ tướng Johnson sa thải quan chức đứng đầu.
Ông Johnson cuối cùng đã từ bỏ “đơn vị liên minh” để ủng hộ hai ủy ban Nội các cấp cao nhất, được giao nhiệm vụ xem xét các chính sách của chính phủ ảnh hưởng đến từng xứ thuộc vương quốc như thế nào. Đích thân ông Johnson sẽ chủ trì một ủy ban, và Chánh Văn phòng Nội các Michael Gove lãnh đạo ủy ban còn lại.