Tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo tờ Daily Beast, biên đội tàu tấn công do
tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz làm chủ lực đã rời căn cứ hải quân Kitsap-Bremerton vào hôm 25/5 để tới Tây Thái Bình Dương sát cánh cùng với 2 siêu tàu sân bay khác là USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan.
Sự hiện diện của 3 biên đội tàu sân bay cùng một lúc tại khu vực cho thấy rõ đây là động thái mạnh mẽ để răn đe các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Báo Nhật Asahi Shimbun nhận xét: “Chính quyền Tổng thống Donald Trump triển khai đội tàu tấn công này nhằm gây sức ép lên các chương trình hạt nhân và các vụ phóng thử tên lửa trong bối cảnh lo ngại Triều Tiên sẽ sớm đạt được khả năng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa”.
Hiện Triều Tiên dường như sẵn sàng để tiến hành thử thiết bị hạt nhân lần thứ 6. Thiết bị đã được chôn sẵn trong một đường hầm ở bãi thử Punggye-ri phía đông bắc Triều Tiên. Các hình ảnh vệ tinh ghi nhận cũng cho thấy mọi hoạt động chuẩn bị ban đầu cũng đã hoàn tất.
Hơn thế nữa, trong khoảng thời gian gần đây, Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa đạn đạo với tần suất 1 tuần/1 lần, điều này chứng tỏ chương trình vũ khí đang phát triển nhanh và thành công. Cụ thể, ngày 14/5, tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên đã đạt được độ cao ấn tượng. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Hwasong-12 vẫn chỉ là một tên lửa tầm trung, nhưng cũng có một số người nghĩ rằng thực tế nó nằm trong số tên lửa liên lục địa.
Và đó là những lý do khiến tàu sân bay Nimitz theo lịch trình sẽ đến Trung Đông nhưng lại hướng về Tây Thái Bình Dương. Tàu sân bay Carl Vinson đang tham gia các cuộc tập trận chung với tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Biển Nhật Bản. Vẫn chưa biết liệu tàu sân bay USS Nimitz có tham gia cùng với hai tàu sân bay kia không, song thông điệp về việc triển khai đã rất rõ ràng.
James Fanell – cựu Giám đốc Hoạt động Thông tin và Tình báo thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ chia sẻ: “Tôi phục vụ trong hải quân Mỹ từ 1986 đến 2015, và tôi nhớ chưa có lần nào Mỹ điều động tới tận 3 nhóm tàu sân bay tấn công tới Bán đảo Triều Tiên”.
Trong trường hợp thực sự muốn có chiến tranh, quân đội Mỹ sẽ phải bố trí thành nhiều lớp hỗ trợ lẫn nhau, bổ sung thêm lực lượng cho các nhóm tàu sân bay. Cụ thể, trong thời gian chiến tranh Iraq, Mỹ tập kết tới 6 biên đội tàu sân bay ở khu vực Trung Đông, hình thành xu thế áp chế chiến lược rõ ràng.
Tuy nhiên, trước động thái từ phía Mỹ, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng có thể không tỏ ra quá lo lắng về sự bao vây của ba nhóm tàu sân bay. Theo June Teufel Dreyer – giáo sư khoa học chính trị theo dõi tình hình châu Á thuộc Đại học Miami giải thích: “Hỏa lực có thể hữu dụng chỉ trong trường hợp mục tiêu cảm thấy mình bị đe dọa. Tuy nhiên trong quá khứ Mỹ đã nhiều lần kìm nén khiến ông Kim có lẽ không tin chúng ta sẽ sử dụng hỏa lực”.
Giáo sư Dreyer cảnh báo nếu như ông Kim Jong-un nghĩ Tổng thống Mỹ Donald Trump đang “lừa gạt” với 3 tàu sân bay, và vẫn tiến hành các đợt thử tên lửa và nổ hạt nhân, thì Tổng thống Mỹ sẽ tự đưa mình vào thế bí: “Đem ba nhóm tàu sân bay đến mà không sử dụng chúng sẽ gửi đi một tín hiệu xấu”.
Ông Kim Jong-un có thể cảm thấy ba nhóm tàu tấn công này là không tác dụng vì trong trường hợp Mỹ tấn công vào các cơ sở tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể ra lệnh phá hủy Seoul và Nhật Bản để trả đũa. Như lời cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đưa ra vào tuần trước tại buổi họp báo Lầu Năm Góc, “nếu như dùng tới giải pháp quân sự, điều này sẽ là một thảm kịch trên một quy mô không thể tưởng tượng nổi”.
Song thảm kịch vẫn có thể xảy ra. Theo Đô đốc nghỉ hưu Samuel Locklear – người đã từng đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương: “Chỉ vì nó là thảm kịch không có nghĩa ông ấy (Tổng thống) sẽ không làm điều đó”.
Đặc biệt, khi tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có những phát ngôn trong suốt thời gian vận động tranh cử dường như mâu thuẫn với hiệp ước phòng thủ chung Hàn-Mỹ. Nếu như Tổng thống Moon làm theo những gì ông cam kết và chuyển hướng sang “thân” Trung Quốc và Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump có thể quyết định mạng sống của những người dân Hàn Quốc không còn là sự quan tâm hàng đầu của ông ấy. Trong trường hợp đó, một vụ tấn công vào các cơ sở vũ khí của Triều Tiên có thể hiểu được.
Tổng thống Donald Trump thường xuyên nói về việc Mỹ sẽ tự mình giải quyết Triều Tiên nếu như Trung Quốc không giúp, và có lẽ hiện giờ đã đến hạn chót hoàn thành công việc. Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Susan Thornton trả lời phóng viên tại Bắc Kinh hôm 26/5 tuyên bố Triều Tiên là “một vấn đề giới hạn thời gian”. Điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống Donald Trump đang muốn một phương án giải quyết “càng sớm càng tốt”.