Mỹ có động thái xưa nay hiếm
Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), hai nguồn tin tiết lộ Mỹ sẽ cử tàu một lực lượng tấn công do tàu sân bay dẫn đầu tới phía tây Thái Bình Dương, một động thái rõ ràng là lời cảnh báo với Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Tàu USS Nimitz của Mỹ. Ảnh: AFP |
Tàu sân bay sẽ được cử tới gần Triều Tiên là tàu USS Nimitz, một trong những tàu chiến lớn nhất thế giới và là tàu sân bay thứ ba của Mỹ được phái tới khu vực.
Theo VOA, đây là động thái lạ của quân đội Mỹ vì việc đồng thời điều tới ba tàu sân bay trong tổng số 11 tàu sân bay tới cùng một khu vực là điều "xưa nay hiếm". Quyết định này còn bắn tín hiệu tới Trung Quốc là nước này cần tiếp tục hợp tác với Mỹ về vấn đề Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump từng nói Mỹ sẽ hành động một mình chống Triều Tiên nếu Trung Quốc không hợp tác.
Nhóm tấn công do USS Nimitz dẫn đầu thuộc Hạm đội 3 của hải quân Mỹ ban đầu có lịch trình tới Trung Đông. Theo lịch cũ, nhóm tàu sẽ rời căn cứ hải quân Kitsap ở bang Washington tới Trung Đông ngày 1/6. Sau khi thay đổi, tàu USS Nimitz sẽ tới tây Thái Bình Dương trong 6 tháng để đối phó với cuộc khủng hoảng mới nhất liên quan tới Triều Tiên.
Trước đó, tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan đã nhận lệnh tới tây Thái Bình Dương. USS Carl Vinson cũng thuộc Hạm đội 3 và đã được điều tới Biển Nhật Bản từ cuối tháng 4.
Còn tàu USS Ronald Reagan thuộc Hạm đội 7 ở Yokosuka, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản đã rời cảng ngày 16/4.
Hai tàu trên sẽ tập trận chung nhưng không rõ tàu USS Nimitz có tham gia hay không.
Việc Mỹ điều tàu sân bay thứ ba diễn ra trong bối cảnh mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên ngày càng gia tăng và được xem là một thách thức an ninh lớn với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Trump đã cam kết ngăn chặn Triều Tiên đạt năng lực tấn công Mỹ bằng tên lửa hạt nhân. Theo các chuyên gia, Bình Nhưỡng có thể đạt năng lực này sau năm 2020.
Ngay trước khi Hội nghị thượng đỉnh Các nền công nghiệp phát triển (G7) ở Sicily, Italy bắt đầu ngày 26/5 vừa rồi, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí tăng cường trừng phạt Triều Tiên.
Ngoài việc điều động tàu sân bay thứ ba, quân đội Mỹ cho biết ngày 30/5 sẽ lần đầu tiên thử một hệ thống bắn hạ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Vụ thử sẽ giả định là Mỹ bị ICBM của Triều Tiên nhằm vào.
Theo Cơ quan Phòng thủ Tên lửa, vụ thử hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ được thực hiện để tìm cách chặn một ICBM. Lầu Năm góc đã dùng hệ thống phòng thủ bố trí trên mặt đất (GDM) để chặn các loại tên lửa khác nhưng chưa bao giờ thử với ICBM.
GMD vốn không hoạt động ổn định. Từ năm 1999, GMD chỉ thành công 9 trong 17 lần đánh chặn các tên lửa thuộc loại không có khả năng bắn liên lục địa. Lần thử nghiệm gần đây nhất vào tháng 6/2014 thành công, nhưng ba lần liên tiếp sau đó đã thất bại.
Triều Tiên phóng tên lửa “đáp lễ”
Không lâu sau khi Mỹ có quyết định điều tàu sân bay thứ ba tới gần Triều Tiên, ngày 29/5, Bình Nhưỡng đã phóng một loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới, tương tự như tên lửa Scud. Tên lửa bay 448 km rồi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Ông Kim Jong-un đã cho phóng 78 quả tên lửa từ khi lên nắm quyền. Ảnh: KCNA |
Ông Yoshihide Suga, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, phát biểu trong một cuộc họp báo khẩn: “Vụ phóng tên lửa đạn đạo lần này cực kỳ nguy hiểm với an toàn của máy bay và tàu thuyền. Hành động này cũng vi phạm rõ ràng các nghị quyết mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua”.
Trước lần phóng tên lửa sáng 29/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng chiến tranh với Triều Tiên có thể sẽ là cuộc chiến tồi tệ nhất. Phát biểu với chương trình Face the Nation của kênh CBS, ông Mattis cho rằng nếu không thể giải quyết tình hình hiện nay thông qua các phương tiện ngoại giao, đây sẽ là một cuộc chiến tranh thảm khốc.
Đáng chú ý, đây đã là lần thử tên lửa thứ ba trong vòng ba tuần qua và là lần thử tên lửa thứ 12 trong năm nay của Triều Tiên. Động thái cho thấy quyết tâm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong thúc đẩy năng lực kỹ thuật của Triều Tiên về tên lửa trong bối cảnh Mỹ gia tăng sức ép.
Ông Kim Jong-un đang đẩy mạnh chương trình vũ khí với tốc độ khiến các nhà phân tích và nghị sĩ Mỹ lo ngại. Ông đã ra lệnh phóng nhiều loại tên lửa khác nhau để thực hiện tham vọng về một tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng chạm tới Mỹ.
Trong 5 năm rưỡi cầm quyền, ông Kim Jong-un đã chứng kiến 78 vụ phóng tên lửa. Thời cha ông là Kim Jong-il, Triều Tiên chỉ phóng 16 quả tên lửa trong 17 năm.
Theo chuyên gia Shea Cotton thuộc Trung tâm Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin ở California, mặc dù một số tên lửa nổ ngay sau khi được phóng nhưng Triều Tiên đã đạt được tỷ lệ thành công đáng ngạc nhiên. Trong số 78 quả tên lửa được phóng trong 5 năm rưỡi qua, 61 quả, tương đương tỷ lệ 78%, đã được phóng thành công.