Donald Trump và chính sách kinh tế “tắc kè hoa”

Với một chút gia vị bảo thủ, một liều lượng không hề nhỏ của chủ nghĩa dân túy, thêm vào đó là tính chất hay thay đổi, chính sách kinh tế của Donald Trump vừa tránh được sự phân chia giai cấp, vừa có thể dao động theo những xu thế của dư luận.

Donald Trump, ứng viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa. Ảnh: Reuters.

Cho đến nay, những tuyên bố chính thức của người nhiều khả năng sẽ trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa này đã làm dấy lên những lo ngại tại Washington và Phố Wall, nơi người dân băn khoăn về những điều mà ông Trump đang thực sự nghĩ tới. 

Alan Cole- chuyên gia tại hãng tư vấn Tax Foundation- nhận định: “Suy nghĩ của ông Trump thực sự rất khó xác định khi ông ấy coi các đề xuất về chính sách cụ thể là một dạng điểm yếu có thể bị các đối thủ của ông tận dụng”. 

Những người ủng hộ ông Trump cho rằng tính chất dễ thay đổi- hay còn gọi là sự linh hoạt của ông- trong các chính sách kinh tế đã thể hiện rõ trong tuần vừa qua khi ông nhắc đến một chủ đề nóng là tăng lương tối thiểu trên khắp cả nước. Hồi năm ngoái, ông trùm kinh tế của New York đã gạt bỏ ý tưởng này, nhấn mạnh rằng mức lương tiêu chuẩn của chính phủ liên bang là 7,25 USD/giờ đã là “quá cao” để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Thế nhưng tuần qua, ông Trump đã đảo ngược quan điểm khi nói rằng ông ủng hộ tăng lương trên cả nước, dù ông vẫn muốn để tự các bang tự quyết định. Ông còn nói: “Tôi không hiểu người ta sẽ sống thế nào với mức lương 7,25 USD/giờ”. 

Stan Veuger thuộc hãng tư vấn bảo thủ Học viện American Enterprise nói với AFP rằng “Chính sách kinh tế của ông ấy là một dạng 'gió chiều nào che chiều đó'. Kế hoạch của ông ta thay đổi tùy theo những gì mà ông ta nghĩ là người khác muốn nghe”. Về vấn đề thuế, ửng viên tổng thống này đã ủng hộ một sự cắt giảm lớn cho tầng lớp trung lưu Mỹ, có nghĩa là hơn 50% các hộ gia đình sẽ không phải đóng thuế thu nhập. 

Tuy nhiên, trước những lo ngại về thu nhập không đồng đều trong nước, hồi cuối tuần trước ông lại cho biết có thể sẽ tăng thuế đối với những người giàu có nhất- điều tối kỵ đối với các đảng viên Cộng hòa. Ngay ngày hôm sau, trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Mỹ qua điện thoại, ông lại bày tỏ rằng mình không nghĩ đến việc sẽ tăng thuế đối với tầng lớp giàu có so với mức hiện nay, mà chỉ là so với dự định cũ của ông về vấn đề thuế. Ngoài ra, ông Trump còn khiến dư luận lo ngại ông có thể sẽ cho phép đất nước mình không trả nợ các hợp đồng khi nói rằng dưới thời “Tổng thống Trump”, Mỹ sẽ có thể nghĩ đến việc “điều đình” các khoản nợ của mình trong một cuộc khủng hoảng kinh tế trong tương lai. Vài ngày sau, ông rút lại lời nói đó, cố gắng bảo vệ mình trước những chỉ trích về sự thay đổi liên tục trong các quan điểm: “Người ta thật điên rồ khi nói rằng tôi muốn đi mua nợ và sẽ không trả nợ. Khi tôi lên một kế hoạch nào đó thì hãy đơn giản hóa nó, tôi không ảo tưởng, tôi không nghĩ đó sẽ là một kế hoạch cuối cùng”. 

Ngay cả với những vấn đề mà trước nay ông Trump luôn thể hiện sự kiên định thì con người này vẫn rất khó suy đoán. Ông Trump thường lựa chọn những chính sách trái ngược với đường lối truyền thống của đảng Cộng hòa, nơi ông muốn làm đại diện ra tranh cử tổng thống vào tháng 11 tới. Trong khi các đảng viên Cộng hòa luôn kiên định với việc ủng hộ thương mại tự do, thì ông Trump lại muốn dựng nên những rào cản với hàng nhập khẩu Trung Quốc. 

Theo đài TNHK, ông Trump đã đe dọa sẽ áp đặt thuế rất cao đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc để cân bằng sự chênh lệch mậu dịch kỷ lục giữa Mỹ và Trung Quốc lên tới 366 tỉ USD. Theo giới chuyên gia kinh tế, các chính sách thương mại của ông Trump có thể mang lại thảm họa. Chuyên gia về chính sách thương mại Gordon Hanson nhận định đây là một đề xuất không có cơ sở: “Chúng ta có thể hiểu vì sao ông ấy nói như vậy nếu xét trên phương diện chính trị, nhưng đó thật sự là một cú sốc, lập luận của ông không có nền tảng kinh tế”. Tăng 45% thuế quan đánh trên các mặt hàng Trung Quốc không những là điều bất hợp pháp dựa trên các luật lệ hiện hành của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mà các nhà kinh tế còn cho rằng Mỹ sẽ phải trả giá rất lớn. Chuyên gia kinh tế Fred Bergsten nói: “Theo phân tích của tôi thì chỉ có hai điều đơn giản: nếu ta hạn chế hàng nhập khẩu từ một nước như Trung Quốc, thì trong đa số các trường hợp, những món hàng ấy sẽ có thể nhập từ những nước khác”. 

Trong khi đó, cựu kinh tế gia của Ngân hàng Thế giới Chad Bown khuyến cáo rằng hậu quả có thể có của một quyết định như vậy là một cuộc chiến tranh mậu dịch toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông nói: “Trung Quốc đã chứng minh trong những năm qua là trong bất cứ trường hợp nào một nước áp đặt rào cản thương mại đối với hàng xuất khẩu của họ, thì họ sẽ trả đũa bằng các biện pháp tương tự, bất kể các biện pháp ấy có hợp pháp hay không. Nếu như đề nghị của ông Trump được áp dụng thì dựa trên các quy định của WTO, Trung Quốc được phép trả đũa bằng biện pháp tương tự”. 

Ngoài ra, ông Trump còn đứng về phía đảng Dân Chủ khi cáo buộc các thỏa thuận thương mại lớn xuyên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương mà Chính quyền Obama đã đàm phán được. Chuyên gia Veuger nhận định: “Nếu ông là một người dẫn chương trình truyền hình thực tế, cách duy nhất để giành được khán giả là chiếm khán giả của đối thủ của mình, và đấy cũng là điều mà ông ta đang nghĩ về thương mại quốc tế”. Đáng chú ý, ông Trump đã tuyên bố ủng hộ chương trình an sinh xã hội và chăm sóc y tế dành cho những người về hưu. Đây là những chương trình tốn kém mà chính đảng Cộng hòa của ông tuyên bố sẽ cắt giảm trong nỗ lực giảm chi tiêu công. William Galston, từng làm cố vấn cho cựu Tổng thống Bill Clinton, nói: “Điều ông Trump đang làm là đặt một dấu trừ trước mọi nguyên lý quan trọng của chính sách kinh tế bảo thủ. Điều duy nhất mà ông Trump đồng tình với các đảng viên Cộng hòa có lẽ chỉ là ý tưởng về việc giảm bớt thuế thu nhập doanh nghiêp từ 35% xuống còn 15%. 

Dù bị dư luận công kích về tính mập mờ trong quan điểm, ông Trump cũng khiến đối thủ đáng gờm của ông ở đảng Dân Chủ- cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, phải lo ngại Vậy làm thế nào để đảng Dân chủ có thể đánh bại một “con tắc kè hoa” như ông Trump? Theo chuyên gia Galston, dùng vật chất để đấu lại một người như ông Trump là vô tác dụng: “Nếu những lời lẽ của ai đó khó đoán định, thì điều mà bạn cần làm là hãy để công chúng Mỹ quyết định liệu bản chất thiếu ổn định như vậy có phải là điều họ muốn thấy ở vị tổng thống tiếp theo của mình hay không?” 
TTXVN/Tin Tức
Tỷ lệ ủng hộ ông Trump tăng vọt
Tỷ lệ ủng hộ ông Trump tăng vọt

Tỷ phú Trump đang theo sát nút ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton, khi chỉ kém bà 1% tỷ lệ ủng hộ của cử tri.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN