Một viễn cảnh nếu Donald Trump trở thành tổng thống

Phải chăng viễn cảnh mức thuế bị áp đặt đồng loạt 10% đối với hàng hóa nhập khẩu có thể xảy ra nếu Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ? Trên thực tế, đây chính là những gì mà Richard Nixon đã làm vào năm 1971.

Với một đồng USD bị định giá quá cao và mức thâm hụt mậu dịch ngày càng lớn, vị tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa cần phải thực thi lời hứa khi tranh cử để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu.

Tỷ phú Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên đây là đoạn mở đầu bài viết đăng trên tờ "The Wall Street Journal" (Nhật báo phố Wall) ngày 9/3. Bài viết này phân tích những quyền hạn mà vị tổng thống mới của nước Mỹ có thể sẽ vận dụng để định hướng lại chính sách mậu dịch của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo bài viết, trong bối cảnh ông Trump ngày càng tiến gần hơn tới tấm vé vào chung kết của đảng Cộng hòa nhờ lời hứa với các cử tri rằng ông sẽ trấn áp các đối thủ nước ngoài, phần còn lại của thế giới nên đánh giá những quyền hạn đặc biệt mà một vị tổng thống Mỹ có thể vận dụng để định hướng nước Mỹ đi theo chính sách bảo hộ mậu dịch.

Ông Trump tuyên bố rằng ông ủng hộ tự do mậu dịch và không cổ xúy bảo hộ mậu dịch. Tuy nhiên, ông đã đe dọa áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico đồng thời đả kích các hiệp định thương mại, từ Hiệp định Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nhiều quan điểm chính sách của ông Trump không nhất quán, có vẻ thiếu thực tế. Song thái độ ác cảm của ông đối với các đối tác mậu dịch nước ngoài đã trở nên "thâm căn cố đế". Năm 1987, ông viết rằng Nhật Bản trở nên giàu có "bằng cách dùng chính sách thương mại tự cung tự cấp để bòn rút nước Mỹ". Năm 1999, khi bóng gió nói về khả năng ra tranh cử tổng thống, ông đã gọi NAFTA là "một thảm họa". Năm 2010 ông gọi Hiệp định Tự do Mậu dịch Hàn-Mỹ "là thứ mà chỉ có con nít mới ký".

Điều đáng chú ý là không chỉ có ông Trump bày tỏ những quan điểm như vậy đối với mậu dịch tự do. Ứng cử viên Bernie Sanders của đảng Dân chủ cũng tỏ ra hoài nghi không kém về mậu dịch tự do, chỉ trích bà Hillary Clinton là ủng hộ "gần như tất cả những hiệp định mậu dịch thảm họa do các công ty lớn của Mỹ soạn thảo".

Bà Clinton và hai ứng cử viên đảng Cộng hòa là Ted Cruz và Marco Rubio đều đã rút lại sự ủng hộ đối với TPP. Và theo nghiên cứu của Global Trade Alert, một tổ chức giám sát do Ấn Độ và Nga phụ trách, làn sóng bảo hộ mậu dịch đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Nước Anh sẽ sớm bỏ phiếu về việc có nên rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay không. Tóm lại, một tổng thống chủ trương bảo hộ mậu dịch sẽ phù hợp với xu thế của thời đại mới.

Vậy vị tổng thống có thể vận dụng những quyền hạn gì trong khả năng của mình để thúc đẩy bảo hộ mậu dịch? Trên thực tế, tổng thống Mỹ có những đòn bẩy rất lớn thông qua một số công cụ quyền lực như Mục 301 của Điều luật Mậu dịch năm 1974, trong đó cho phép tổng thống thực thi "tất cả những biện pháp thỏa đáng và khả thi" để chống lại bất kỳ hành vi phân biệt đối xử "vô lý và không gì biện minh được" đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, và Mục 201, theo đó tổng thống có thể tìm cách bảo vệ ngành công nghiệp trước làn sóng nhập khẩu ồ ạt.

Ông Trump đã hứa sẽ xác định Trung Quốc là nước "thao túng tiền tệ". Luật liên quan đến vấn đề này không nêu cụ thể biện pháp trừng phạt, mà chỉ đề cập đến việc thảo luận với nước bị cáo buộc là thao túng. Ông Trump cho biết sẽ buộc Trung Quốc "phải ngồi vào bàn đàm phán" nếu không sẽ phải "đối mặt với những mức thuế trả đũa khắc nghiệt".

Những chiến thuật như vậy đã từng có tiền lệ. Bốn tháng sau khi ông Nixon áp đặt phụ thu thuế nhập khẩu, phần còn lại của thế giới đã nhất trí hạ giá trị đồng USD. Vào thập niên 1980, Ronald Reagan đã buộc Nhật Bản phải chấp nhận tự nguyện hạn chế xuất khẩu ô tô sang Mỹ.


Việc ông Trump áp đặt thuế nhập khẩu có thể buộc Mexico phải thanh toán tiền xây dựng bức tường biên giới. Một số người suy đoán ông có thể đưa ra biện minh dựa trên an ninh quốc gia bằng cách viện dẫn một trong hai điều luật: Mục 232 của Điều luật Mở rộng Thương mại năm 1962, hoặc Điều luật Sức mạnh Kinh tế Quốc tế khẩn cấp, từng được dùng để cấm vận thương mại với Nicaragua và Iran.

Để ngăn chặn tổng thống Mỹ dựng lên những rào cản thương mại đơn phương như trên, phần còn lại của thế giới có thể đe dọa trả đũa thông qua một trong nhiều hiệp định thương mại mà Mỹ tham gia. Sau khi cựu Tổng thống George W. Bush áp đặt thuế nhập khẩu thép vào năm 2002 theo Mục 201, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cho phép EU có quyền trả đũa.

Tuy nhiên, nước Mỹ có thể vẫn trụ vững và chấp nhận bị trả đũa. Tổng thống có thể đưa nước Mỹ rút khỏi WTO hoặc NAFTA mà chỉ cần báo trước 6 tháng trong khi vẫn duy trì được những điều luật để thực thi các điều khoản của các hiệp định trong khuôn khổ WTO hay NAFTA.

Chắc chắn các cố vấn của ông Trump đã cảnh báo ông về những hậu quả kinh tế và ngoại giao mà một cuộc chiến tranh mậu dịch sẽ gây ra. Các công ty Mỹ đang bán hàng hoặc đưa dây chuyền sản xuất ra nước ngoài chắc chắn cũng sẽ can ngăn ông. Những nghị sĩ Cộng hòa, phần lớn vẫn ủng hộ mậu dịch tự do, có thể nổi loạn. Khi đó vấn đề đặt ra đối với ông Trump là ông sẵn sàng bất chấp tất cả đến mức độ nào để kiên quyết thực thi những lời đe dọa của mình.

TTK
Các nhà lãnh đạo thế giới nghĩ gì về Donald Trump?
Các nhà lãnh đạo thế giới nghĩ gì về Donald Trump?

Các nhà lãnh đạo trên thế giới chia làm hai phe hoàn toàn đối lập khi bày tỏ quan điểm về ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN