Trái với các dự báo lúc ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump mới nổi trên truyền thông, rằng ông sẽ chỉ là hiện tượng nhất thời và không thể tiến xa trên con đường vào Nhà Trắng. Thế nhưng, sau hơn 8 tháng, ông Trump cứ lừng lững tiến và dường như không ai trong đảng Cộng hòa có thể cản bước. Vậy sức hút với cử tri của ứng cử viên có nhiều phát ngôn gây sốc này là gì?
Trước “Siêu thứ ba”, ông Trump đã đánh bại các đối thủ cùng đảng tại 3 trong số 4 bang tổ chức bầu cử sơ bộ. Còn trong trận đánh lớn “Siêu thứ ba” ngày 1/3, tính đến 14 giờ 30 ngày 2/3 (giờ Việt Nam), ông Trump đã bỏ túi 7 chiến thắng tại Arkansas, George, Virginia, Alabama, Massachusetts, Tennessee, Vermont và Georgia, chỉ chịu thua trên sân nhà Texas của ứng cử viên Ted Cruz. Các chiến thắng này cũng không bất ngờ vì khảo sát cử tri Cộng hòa trước đó cho thấy ông Trump có cơ hội giành chiến thắng ở gần hết các bang miền nam bầu cử sơ bộ vào “Siêu thứ ba”.
Ông Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử tại Madison, Alabama ngày 28/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Gãi đúng chỗ ngứaTheo các nhà quan sát, một bộ phận cử tri Mỹ, đặc biệt là ở miền nam và đặc biệt là cử tri nam giới da trắng, rất thích các chính trị gia “màu mè” và dường như ông Trump đúng là một chính trị gia như thế. Ngoài phong cách ăn nói, hùng biện thẳng tuột giống với các chính trị gia được yêu thích trong lịch sử khu vực, ông Trump còn chỉ thẳng được những vấn đề mà cử tri miền nam quan tâm: chỉ trích chính phủ liên bang, công kích tình trạng nhập cư bất hợp pháp, phản đối các thỏa thuận thương mại nước ngoài, cam kết tăng cường sức mạnh quân đội. Tất cả các bức xúc của cử tri miền nam đều được ông Trump trình bày, thể hiện một cách “huỵch toẹt”, sinh động.
Theo bà Susan MacManus, giáo sư khoa học chính trị trường Đại học South Florida, nói: Cử tri nghĩ “Ông ta cũng là một người có vẻ giống như mình”. Ông thả phanh công kích các “chính trị gia ngu xuẩn”, báo chí “không trung thực”, các đối thủ “dối trá”. Ông đe dọa đánh bom sạch khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Với các cử tri vốn đã quá chán ngấy những lời nói sáo rỗng, công thức, thì những lời của ông Trump “nghe như nhạc rót vào tai rất nhiều người miền nam” – giáo sư MacManus cho biết.
Tại khu vực miền nam, nhiều người luôn cảm thấy bị giới tinh hoa New York và Hollywood coi nhẹ. Và ông Trump cùng với những thông điệp của mình đã “gãi đúng chỗ ngứa” của cử tri. Theo ông Scott Huffmon, nhà khoa học chính trị gia thuộc Đại học Winthrop ở Rock Hill, cử tri miền nam có “đặc tính của đấu sĩ và tâm lý chống giới chức cầm quyền”. Điều này đặc biệt đúng trong “kỷ nguyên Obama” – Tổng thống gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ. Cử tri Cộng hòa ở miền nam rất không ưa ông Obama và nguyên nhân có thể là do chủng tộc.
Nhiều người ủng hộ ông Trump đang gặp khó khăn về mặt kinh tế. Thế nhưng, khối tài sản kếch xù của ông Trump dường như không làm họ bận tâm mấy. Điều này không phải là bất thường đối với nền chính trị miền nam. Ở Nam Carolina trong giai đoạn năm 1890 đến 1918, chính trị gia Ben Tillman đã chiến thắng trong cuộc bầu cử thống đốc bang và giành được một ghế Thượng viện nhờ sự hấp dẫn kiểu dân túy như ông Trump hiện nay, cho dù ông này xuất thân từ một gia đình giàu có.
Thành công của ông Trump trong thời gian qua mang dấu ấn của các chính trị gia từng thành công ở miền nam. Trong giai đoạn những năm 1920 và 1930, khi chính trị gia Huey Long ở bang Louisiana chỉ trích các công ty dầu khí và người giàu là “kí sinh trùng”, các cử tri đã hả dạ và đáp lại bằng những lá phiếu ủng hộ. Năm 1968, Thống đốc bang Alabama George Wallace đã chiến thắng ở 5 bang miền nam với tư cách là ứng cử viên độc lập nhờ đã lớn tiếng phản đối người biểu tình hippie, giới cầm quyền và các trí thức kiêu ngạo. Việc ông Trump thường xuyên công kích giới chính trị gia và chính phủ liên bang là một “chiêu” mà ông kế thừa các chính trị gia nói trên, hay nói cách khác “Ông ta đang la hét vào mặt những người quyền lực và đó là điều cử tri muốn làm”.
Người dân Mỹ bỏ phiếu tại Conway, bang Arkansas, một trong số ít bang bỏ phiếu sớm trong ngày bầu cử “Siêu thứ Ba”, ngày 1/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
“Thẳng ruột ngựa”
Nhìn chung, ông Trump đã xuất hiện vào thời điểm người dân miền nam nói riêng và nước Mỹ nói chung vỡ mộng với nền chính trị Mỹ và các chính trị gia. Thậm chí có cử tri còn nói rằng họ không thấy còn ai để có thể bỏ phiếu ngoài ông Trump. Một người Cộng hòa tên Trump nói: “Tôi thích một điều rằng ông ta không phải chính trị gia. Tôi chán ngấy chính trị gia. Tôi chán ngấy những lời lẽ bọc đường mà họ nói với chúng tôi, kiểu như họ sẽ cải thiện nền kinh tế”.
Thực tế đúng như vậy. Ông Donald Trump không “bọc đường” lời nói của mình. Nhiều chính trị gia rất lão luyện trong nghệ thuật giao tiếp với công chúng. Họ cân nhắc từng lời nói, nên nói gì, không nên nói gì, không nên nói gì như thế nào và làm thế nào để truyền tải thông điệp. Trái lại, ông Trump nghĩ gì nói nấy, không sáo rỗng, rào trước đón sau, “thẳng ruột ngựa”. Tóm lại, ông không làm theo một cuốn sổ tay hay cẩm nang chính trị nào.
Với các chính trị gia truyền thống của đảng Cộng hòa, cách nói của ông Trump là “sự nhào trộn độc hại của chính sách mị dân, xấu tính và vô nghĩa”. Thế nhưng với cử tri, đó là điều mới lạ và họ tin ông Trump nói đúng những gì ông nghĩ.
Trong khi ông Trump tiến nhanh, giới chức đảng Cộng hòa ráo riết bàn cách chặn đà ông này, vì họ sợ ông Trump nếu giành được đề cử ứng cử viên tổng thống của đảng vào tháng 11 tới sẽ là một thảm họa và sẽ mất ghế tổng thống vào tay đảng Dân chủ. Ông Karl Rove, cố vấn chính sách và chính trị của đảng Cộng hòa, cho rằng hiện giờ vẫn chưa quá muộn để ngăn cản ông Trump. Tuy nhiên, có một điều đã quá muộn là cử tri đã mất lòng tin với giới tinh túy đảng Cộng hòa. Cho dù có cản bước được ông Trump thì họ cũng khó có thể lấy lại được niềm tin của cử tri nếu không chịu thay đổi.