Trang RT vừa đăng tải bài viết của Fyodor Lukyanov, Tổng biên tập tạp chí “Russia in Global Affairs” (Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu), Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, và Giám đốc nghiên cứu của Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai.
Theo tác giả Lukyanov, khi tranh cử, tổng thống đắc cử Mỹ đã cam kết chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong vòng 24 giờ. Nghe có vẻ không thực tế, nhưng nó phản ánh mong muốn của ông. Rõ ràng tuyên bố đó là có ý thức, và không nên bác bỏ ngay lập tức.
Thật vô nghĩa khi suy đoán dựa trên thông tin rò rỉ và bình luận ẩn danh từ những người được cho là thân cận với ông Trump về những gì ông thực sự nghĩ đến. Rất có thể, ông vẫn chưa biết mình sẽ làm gì. Quan trọng là một điều khác: cách tiếp cận của ông Trump đối với Ukraine sẽ khác với cách tiếp cận của chính quyền tổng thống mãn nhiệm Biden như thế nào và liệu ông có hiểu được sự hòa giải không.
Về cách tiếp cận, sự khác biệt là rất lớn. Tổng thống Joe Biden và nhóm của ông đại diện cho một nhóm chính trị gia có quan điểm được định hình sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Sự chính nghĩa về mặt tư tưởng và đạo đức của nước Mỹ - và sự vượt trội về sức mạnh không thể nghi ngờ của nước này - đã xác định không chỉ khả năng mà là sự cần thiết của việc thống trị thế giới. Sự xuất hiện của các cường quốc đối địch - có thể thách thức một số yếu tố nhất định của trật tự "thế giới tự do" - đã vấp phải sự phản kháng dữ dội. Hành động của Nga ở Ukraine được Mỹ coi là sự xâm phạm vào bản chất của "trật tự tự do". Do đó, họ đã kêu gọi một "thất bại chiến lược" dành cho Moskva.
Trong khi đó, ông Trump ủng hộ sự thay đổi trong định vị nước Mỹ. Thay vì tìm cách thống trị toàn cầu, ông theo đuổi sự bảo vệ mạnh mẽ các lợi ích cụ thể của Mỹ. Ưu tiên của ông sẽ được dành cho những gì mang lại lợi ích rõ ràng (có thể không phải về lâu dài, mà là ngay bây giờ).
Bên cạnh đó, niềm tin vào sự ưu tiên của chính sách đối nội hơn đối ngoại, vốn luôn là đặc điểm của những người ủng hộ ông Trump và hiện đã lan rộng khắp đảng Cộng hòa, sẽ đồng nghĩa là việc lựa chọn các vấn đề quốc tế sẽ mang tính chọn lọc. Việc duy trì quyền bá chủ về mặt đạo đức và chính trị của Mỹ không phải là mục đích tự thân mà là một công cụ. Trong một hệ thống ưu tiên như vậy, Ukraine sẽ mất đi vận mệnh mà họ có trong mắt những người ủng hộ trật tự tự do, như thời chính quyền Biden. Ukraine sẽ trở thành quân cờ trong một ván cờ lớn hơn.
Một điểm khác biệt nữa của tổng thống đắc cử Mỹ là ngay cả những người chỉ trích ông cũng thừa nhận rằng ông không coi chiến tranh là một công cụ có thể chấp nhận được. Ông sẽ sử dụng sự mặc cả cứng rắn, sự phô trương sức mạnh và áp lực cưỡng ép, nhưng không phải là xung đột vũ trang mang tính hủy diệt, vì điều đó với ông là vô nghĩa.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét các phương pháp của ông. Nhiệm kỳ trước của ông Trump đã đặt ra hai ví dụ về cách tiếp cận của ông đối với các cuộc xung đột khu vực. Một là 'Hiệp định Abraham', một thỏa thuận tạo điều kiện cho quan hệ chính thức giữa Israel và một số quốc gia Arab. Thứ hai là các cuộc gặp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, bao gồm cả hội nghị thượng đỉnh chính thức tại Hà Nội.
Trước hết là kết quả hoạt động ngoại giao con thoi của con rể ông Trump là Jared Kushner. Các lợi ích tài chính lớn của Mỹ, các chế độ quân chủ vùng Vịnh và Israel đã dẫn đến một loạt các thỏa thuận chính trị không công khai. Tình hình căng thẳng hiện tại trong khu vực tồi tệ hơn nhiều lần so với thời "Trump 1.0", nhưng không thể nói rằng các thỏa thuận đã sụp đổ. Bộ khung vẫn còn nguyên. Nhưng nền tảng như vậy khó có thể được coi là một mô hình. Hệ thống quan hệ của Mỹ ở Trung Đông rất đặc biệt và quy mô của cuộc xung đột Ukraine lớn hơn rất nhiều.
Còn với ví dụ về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, ông Trump đã cố gắng nhanh chóng thay đổi cuộc đối đầu có hệ thống bằng cách dùng đến một cuộc gặp làm hài lòng cái tôi của nhà lãnh đạo Triều Tiên – vị nguyên thủ quốc gia Triều Tiên đầu tiên gặp một tổng thống Mỹ. Cuộc gặp không hiệu quả, bởi ngoài ý nghĩa đó ra thì không có ý tưởng nào để giải quyết các vấn đề phức tạp thực sự liên quan đến bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo tác giả Lukyanov, chúng ta không thể chỉ đơn giản là áp đặt di sản của giai đoạn 2016-2020 vào giai đoạn sắp tới. Ông Trump đã có được một số kinh nghiệm. Môi trường của ông hiện đã khác, với nhiều không gian để xoay chuyển hơn trước, mặc dù vẫn không đủ cho những nhượng bộ thực sự cần thiết cho một thỏa thuận toàn diện với Moskva.
Về phía Nga, việc phải giữ bình tĩnh và từ chối phản ứng với bất kỳ hành động khiêu khích nào, sẽ mang lại lợi ích cho họ. Khách quan mà nói, tình hình đang thay đổi, nhưng giờ đây, mọi người sẽ nói về thực tế là một cơ hội đã mở ra trong một thời gian ngắn, và chúng ta không được bỏ lỡ cơ hội này.
Trong các cuộc khủng hoảng sâu sắc như cuộc khủng hoảng Ukraine, không có giải pháp đơn giản hay "lối tắt" dễ dàng nào. Hoặc cơ hội này là cánh cổng dẫn đến các mối quan hệ ổn định mới - và không thể ép buộc mở ra, nhưng sẽ cần một cách tiếp cận thận trọng. Hoặc đó là cánh cổng dẫn đến một cuộc đấu tranh thậm chí còn tàn khốc hơn.