Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump giải thể Bộ Giáo dục Mỹ?

Trong chiến dịch tranh cử, ứng cử viên đảng Cộng hoà Donald Trump đã cam kết sẽ xóa sổ Bộ Giáo dục Mỹ, “làm sạch đầm lầy giáo dục của chính phủ”. Liệu sau khi đắc cử, ông Trump có thể làm được điều đó và nếu vậy, chuyện gì sẽ xảy ra?

Chú thích ảnh
Ông Donald Trump phát biểu tại bang Maryland ngày 24/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Kế hoạch giải thể Bộ Giáo dục Mỹ - một phần quan trọng trong cương lĩnh tranh cử của ông Donald Trump và là ưu tiên của các đồng minh chính trị của ông - đang là mối quan tâm chính của các trường học khi ông chuẩn bị tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1/2025.

Nhưng liệu ông Trump có thể và có thực sự thực hiện lời hứa đó không? Và điều đó nếu xảy ra sẽ có tác động như thế nào?

Câu trả lời ngắn gọn: Việc giải thể Bộ Giáo dục sẽ cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ và rất nhiều “vốn chính trị” mà ông Trump có thể muốn nhắm đến ở nơi khác, đặc biệt là trong những ngày đầu của nhiệm kỳ, khi ông sẽ chịu áp lực phải thực hiện các lời hứa về cắt giảm thuế và nhập cư. Nhưng khả năng giải thể bộ này là có.

Ông Trump đã tìm cách giải thể Bộ Giáo dục trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, nhưng những nỗ lực của ông không mấy hiệu quả. Những người ủng hộ cho rằng ông có thể có con đường rõ ràng hơn để hoàn thành các ưu tiên của mình với động lực tái đắc cử. Và với việc đảng Cộng hòa đang kiểm soát lưỡng viện Quốc hội, ông Trump có thể sẽ theo đuổi các kế hoạch thu hẹp quy mô và hợp nhất một số chương trình giáo dục liên bang, ngay cả khi ông không xóa sổ hoàn toàn Bộ Giáo dục.

Đảng Cộng hòa có lịch sử lâu dài về những nỗ lực bất thành nhằm xóa sổ Bộ Giáo dục 

Các tổng thống và ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa đã đe dọa sẽ giải thể Bộ Giáo dục Mỹ kể từ năm 1979, khi Tổng thống lúc đó là Jimmy Carter, một đảng viên Dân chủ, ký luật biến Bộ Giáo dục thành một cơ quan cấp nội các. Trước đó, mọi hoạt động thực thi luật giáo dục liên bang đều nằm trong phạm vi quản lý của Bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi, sau đó được đổi tên thành Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.

Chú thích ảnh
Trụ sở Bộ Giáo dục Mỹ. Ảnh: Getty Images

Cơ hội tốt nhất để thực hiện điều đó có thể đã đến vào năm 1981, khi Bộ trưởng Giáo dục Terrel H. Bell của cựu Tổng thống Ronald Reagan soạn thảo một bản ghi nhớ dài 91 trang về việc chuyển đổi cơ quan giáo dục liên bang mới thành lập thành một quỹ nhỏ, có nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu và cung cấp hỗ trợ nhưng "tránh chỉ đạo và kiểm soát". Kế hoạch đó đã vấp phải sự phản đối tại Quốc hội.

Năm 1981, Tổng thống Reagan ký Đạo luật Hợp nhất và Cải thiện Giáo dục, đạo luật này đã cắt giảm các quy định của liên bang đối với “Đề mục I” (Title I), một chương trình tài trợ cung cấp thêm tiền cho các trường tuyển sinh một lượng lớn học sinh từ các hộ gia đình có thu nhập thấp. Nhưng kế hoạch xóa sổ Bộ Giáo dục của ông đã thất bại.

Trước ông Trump, ứng cử viên tổng thống gần đây nhất kêu gọi bãi bỏ Bộ Giáo dục là Thượng nghị sĩ Bob Dole, người đã thua cựu Tổng thống Bill Clinton vào năm 1996.

Vai trò của Bộ Giáo dục Mỹ

Vai trò lớn nhất của Bộ Giáo dục Mỹ từ mẫu giáo đến lớp 12 là giám sát việc thực hiện Đạo luật Mọi học sinh đều thành công (Every Student Succeeds Act), yêu cầu các tiểu bang theo dõi tiến độ của trường học và can thiệp vào các trường học hoạt động kém – những trường nhận ngân sách liên bang, bao gồm cả tiền từ “Đề mục I”.

Bộ này cũng quản lý Đạo luật Giáo dục Cá nhân Khuyết tật, hay IDEA —một chương trình trị giá 14,2 tỷ USD giúp các trường chi trả cho các dịch vụ giáo dục đặc biệt dành cho học sinh khuyết tật - và danh mục các khoản kinh phí liên quan đến an toàn trường học, đào tạo giáo viên và chuẩn bị lực lượng lao động.

Trong năm học 2020-2021, năm học gần đây nhất có dữ liệu liên bang, chính phủ liên bang chịu trách nhiệm về 10,6% chi tiêu quốc gia cho các trường công lập và tỷ lệ đó đã tăng lên do các quỹ cứu trợ COVID.

Bộ Giáo dục Mỹ đảm bảo tuân thủ luật liên bang bảo vệ quyền công dân và quyền của người khuyết tật tại các trường công. Cơ quan này cũng thu thập dữ liệu về nhiều vấn đề, bao gồm an toàn trường học, kỷ luật học sinh, lực lượng giáo viên và quyền công dân.

Trong giáo dục đại học, Bộ Giáo dục giám sát chương trình "Đơn xin Hỗ trợ Tài chính Miễn phí cho Sinh viên", hay FAFSA, và các chương trình cho vay và trợ cấp liên bang khổng lồ dành cho sinh viên.

Tại sao Đảng Cộng hòa muốn đóng cửa Bộ Giáo dục?

Những người bảo thủ ủng hộ việc đóng cửa Bộ Giáo dục coi cơ quan này là biểu tượng của một bộ máy quan liêu liên bang phình to và vi phạm quyền của các tiểu bang theo Tu chính án thứ 10 của Hiến pháp Mỹ, trong đó nêu rõ rằng các quyền hạn không được liệt kê cụ thể cho chính quyền liên bang là trách nhiệm của các tiểu bang.

Nhưng những người ủng hộ cơ quan này cho biết Bộ Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo học sinh được đối xử công bằng và giúp các tiểu bang nâng cao tiêu chuẩn về thành tích của trường học.

Ngay cả khi ông Trump được Quốc hội chấp thuận đóng cửa cơ quan này, ông vẫn phải chuyển trách nhiệm của mình - quản lý các khoản vay của sinh viên và quản lý các nguồn kinh phí hiện có của Bộ Giáo dục - cho các cơ quan khác. Những người chỉ trích cho rằng điều đó sẽ không có tác động ý nghĩa đến dấu ấn giáo dục liên bang, vì các chương trình của bộ vẫn tồn tại trong luật liên bang, mặc dù chính quyền có thể yêu cầu Quốc hội thu hồi hoặc cắt giảm kinh phí cho chúng.

Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump đã đề xuất sáp nhập Bộ Giáo dục với Bộ Lao động trong một kế hoạch vào năm 2018 nhưng không bao giờ được thực hiện. Ông cũng đề xuất chuyển đổi 29 chương trình liên bang hiện có thành một khoản tài trợ theo khối linh hoạt, một đề xuất mà Quốc hội đã bác bỏ.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Education Week)
Ông Trump đề cử người dẫn chương trình truyền hình làm Bộ trưởng Quốc phòng
Ông Trump đề cử người dẫn chương trình truyền hình làm Bộ trưởng Quốc phòng

Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 12/11 cho biết ông sẽ đề cử người dẫn chương trình của kênh Fox News Pete Hegseth làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN