Kênh truyền hình Fox News mới đây dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc sắp triển khai thêm “hàng trăm” tên lửa đất/biển đối không từ Hải Nam tới các đảo nhân tạo trên Biển Đông trong những tháng tới. Những hệ thống tên lửa phòng không được Mỹ phát hiện trên đảo Hải Nam là CSA-6b và HQ-9.
CSA-6b là hệ thống phòng không kết hợp, gồm các tên lửa tầm ngắn với tầm bắn 16 km và súng phòng không. HQ-9 là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa với tầm bắn lên tới 200 km, được chế tạo dựa theo nguyên mẫu S-300 của Nga.
Trước đó, Trung Quốc cũng cho máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6K bay tuần tra trên Biển Đông dọc theo "đường 9 đoạn" (do Trung Quốc tự vẽ, đã bị Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ra phán quyết bác bỏ vào ngày 12/7/2016), một hành động được cho là thị uy các nước trong khu vực và Mỹ.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh hôm 29/11/2016 cho thấy Trung Quốc đã đưa vũ khí ra bố trí ở một số đảo nhân tạo xây dựng phi pháp tại Biển Đông. Ảnh: AMTI |
Hiện nay, Trung Quốc đã triển khai các tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa trên đảo Hải Nam, hòn đảo lớn nhất ở Biển Đông. Hệ thống tên lửa tầm xa tiên tiến SA-21 trên hòn đảo này có khả năng đánh chặn máy bay chiến đấu trong bán kính 400 km. Fox News dẫn lời một quan chức quân sự Mỹ cho biết, tổng số lượng tên lửa mặt-đối-không trên đảo Hải Nam có thể lên tới 500 quả.
Cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) của Mỹ ngày 14/12 cho biết Trung Quốc dường như đã lắp đặt vũ khí, trong đó có các hệ thống phòng không, trên toàn bộ 7 đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong tháng này, các vệ tinh tình báo Mỹ cũng phát hiện các thành phần của hệ thống tên lửa đất/biển đối không SA-21 của Trung Quốc tại cảng Yết Dương, Đông Nam nước này. Các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã có những lô hàng quân sự vận chuyển bằng đường biển tương tự chuyển đến các đảo ở Biển Đông trong quá khứ. Hệ thống tên lửa SA-21, dựa trên hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến S-400 của Nga, là hệ thống tên lửa có uy lực lớn hơn so với HQ-9.
Hành động của Trung Quốc trong những ngày qua đang đi ngược lại cam kết trước đó của nước này. Cụ thể, năm ngoái, tại vườn hồng ở Nhà Trắng, trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cam kết "không quân sự hóa" Biển Đông. Trung tướng David Deptula, cựu Giám đốc lực lượng tình báo không quân Mỹ, nói với "Fox News": "Đây là một ví dụ cho thấy sự gây hấn táo tợn của Trung Quốc khi chứng kiến những chính sách bạc nhược và không hiệu quả của chính phủ Mỹ suốt 8 năm qua".
Theo nhận định của tờ New York Times, tốc độ và quy mô của các hoạt động nói trên của Bắc Kinh ở Biển Đông đã khiến các nước có lợi ích liên quan trong khu vực cảnh giác và lo lắng. Sau khi thông báo rằng tiến trình xây dựng 7 hòn đảo mới gần như đã được hoàn tất, Trung Quốc đã tập trung nỗ lực xây dựng các cảng, 3 đường băng, các công trình quân sự và lắp đặt các thiết bị radar trên các đảo này. Các hoạt động xây dựng đó sẽ giúp củng cố vị thế của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, một thực thể tranh chấp gồm các rạn san hô và các hòn đảo ở Biển Đông cách Trung Quốc Đại lục hơn 800km. Hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là nguyên nhân gây bất đồng lớn giữa Bắc Kinh và Washington.
Mira Rapp-Hooper, cựu Giám đốc AMTI cho biết mặc dù Biển Đông có lượng cá đáng kể và trữ lượng dầu mỏ, khí đốt tiềm năng lớn, nhưng các động thái nói trên của Trung Quốc là nhằm củng cố các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ chứ không phải là để khai thác tài nguyên thiên nhiên. Mặc dù các đảo này quá nhỏ để hỗ trợ các đơn vị quân sự lớn, nhưng chúng có thể giúp duy trì các hoạt động tuần tra trên không và trên biển, tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực này.
Theo Giáo sư Frank Muller-Karger về hải dương sinh học của Đại học Nam Florida, hành động quân sự hóa của Trung Quốc gây tác động xấu đến hệ sinh thái ở Biển Đông bởi vì trầm tích "có thể rơi lại xuống biển, tạo thành các vật thể nhẹ mà có thể bao phủ sinh vật biển và có thể bị pha trộn với các kim loại nặng, dầu mỏ và các chất hóa học khác từ tàu và các thiết bị bờ biển". Các vật thể nhẹ đó đã đe dọa các rạn san hô đa dạng về mặt sinh học ở khắp quần đảo Trường Sa, điều mà Tiến sĩ Muller-Karger cho rằng có thể sẽ đe dọa sự sinh tồn trong tầng nước chứa đầy trầm tích.