Theo quan sát của Giáo sư Nghiêm Đức Long, những năm gần đây, Việt Nam đã tăng tốc để có những bước đột phá vươn mình ra quốc tế. Năm 2025, dự kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ đạt hơn 500 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 33 trên thế giới. Tính theo bình quân đầu người, người dân Việt Nam đã đạt được mức thu nhập trung bình trên thế giới.
Giáo sư Nghiêm Đức Long nhận định sự lãnh đạo của Đảng, thể chế chính trị ổn định, công cuộc chống tham nhũng, phương thức ngoại giao chính trực là tiền đề cho những thành tựu nói trên. Việt Nam có một thể chế chính trị ổn định và có tính kế thừa. Mặc dù cơ chế chính trị của Việt Nam có đặc thù riêng, phương thức ngoại giao đa phương của Đảng Cộng sản đã giúp xóa bỏ những khác biệt chính trị với nhiều quốc gia khác. Hợp tác chiến lược toàn diện mà Việt Nam có được với Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Pháp, Malaysia, Mỹ, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc là tiền đề cho nhiều chương trình đầu tư kinh tế và hợp tác khoa học - công nghệ trong những năm qua.
Giáo sư Nghiêm Đức Long cho rằng việc “làm trong sạch” bộ máy hành chính và chống tham nhũng là thành công đáng ghi nhận của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm qua. Để hòa nhập với thế giới, đầu tư ra nước ngoài cũng như thu hút đầu tư quốc tế, Việt Nam rất cần một nền kinh tế minh bạch, thủ tục hành chính rõ ràng và hiệu quả.
Nhận định về ý nghĩa của cuộc chiến chống tham nhũng, chủ trương tinh gọn bộ máy đối với sự nghiệp lãnh đạo của Đảng cũng như sự phát triển của đất nước, Giáo sư Nghiêm Đức Long cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng và chủ trương tinh gọn bộ máy có cùng một mục tiêu, đó là một hệ thống hành chính minh bạch, hiệu quả và nhất quán. Cuộc chiến chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” đã loại trừ nhiều quan tham trong bộ máy chính quyền.
Giáo sư Nghiêm Đức Long cho rằng bộ máy hành chính của Việt Nam còn nhiều chồng chéo và chưa hiệu quả. Khi ngân sách có hạn, thu nhập viên chức còn thấp thì không thể triệt để chống tham nhũng. Việc tinh gọn bộ máy, tăng thu nhập chính đáng của viên chức ngang tầm với trách nhiệm của họ là chỉ đạo chiến lược có tầm nhìn, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo nhận xét của Giáo sư Nghiêm Đức Long, tinh gọn bộ máy là một việc rất khó, đòi hỏi sự hy sinh và quyết tâm của Đảng. Tuy nhiên, đây là việc quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay để Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội và hòa nhập với quốc tế.
Đảng Cộng sản Việt Nam xác định đất nước đang đứng trước ngưỡng của của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Lãnh đạo các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nga và Trung Quốc liên tục thăm và làm việc chính thức với Việt Nam trong những tháng gần đây. Giáo sư Nghiêm Đức Long nhận định đây là thời điểm để Việt Nam bước sang một trang mới, không chỉ về kinh tế, xã hội, an ninh trong nước mà còn đóng góp cho cộng đồng thế giới. Nghị quyết 57 của Đảng đã đưa ra những mục tiêu rõ ràng, lộ trình cũng như kế hoạch cụ thể, nhấn mạnh tầm quan trọng của kiến thức, khoa học - công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội. Với mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, sẽ có rất nhiều thách thức đang chờ đón Việt Nam.
Thách thức lớn nhất trước mắt là tận dụng tốt nguồn lực toàn dân, đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Với tỷ trọng 98% trong nền kinh tế, khối SME mới chỉ đóng góp 45% GDP cho Việt Nam. Năng lực cạnh tranh quốc tế của SME Việt Nam còn nhiều hạn chế về công nghệ cũng như phương thức hoạt động. Do vậy, khối SME vẫn chủ yếu hoạt động trong thị trường nội địa. Thành công kinh tế gần đây của Việt Nam rất đáng kính lệ, nhưng sẽ không thể kéo dài khi chưa tận dụng tiềm lực từ SME.
Giáo sư Nghiêm Đức Long cho rằng các doanh nghiệp SME rất đa dạng, có tính cơ động cao, có khả năng đầu tư vào các lĩnh vực mạo hiểm. Khoa học công nghệ sẽ là chìa khóa để giúp các doanh nghiệp SME vươn ra thị trường thế giới. Tính đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế khuyến khích SME Việt Nam tự đầu tư cho nghiên cứu khoa học phát triển sản phẩm và thị trường. Ông bày tỏ mong muốn Đảng và Chính phủ sẽ quan tâm nhiều hơn và có quỹ đầu tư cho các doanh nghiệp SME tại Việt Nam.
Nói về những kỳ vọng đối với sự lãnh đạo của Đảng trong tương lai, Giáo sư Nghiêm Đức Long bày tỏ tin tưởng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ luôn làm tròn nhiệm vụ quan trọng nhất của mình, đó là thực hiện công bằng xã hội. Việc chống tham nhũng, tinh gọn bộ máy cũng nhằm mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội. Đảng nắm quyền lực tối cao và có trách nhiệm với từng người dân Việt Nam. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, Giáo sư Nghiêm Đức Long hy vọng Đảng sẽ luôn quan tâm đến an sinh xã hội, gìn giữ văn hóa và có chế độ đặc biệt với những người thiếu may mắn cần được giúp đỡ.
Lấy “Học thuyết công bằng xã hội” của John Rawls làm dẫn chứng, Giáo sư Nghiêm Đức Long cho rằng điểm mạnh của xã hội loài người là sự đa dạng. Không một thể chế chính trị, một bộ luật, một công cụ hành chính nào tuyệt đối hoàn hảo. Không có ai tuyệt đối hoàn hảo, nhưng xã hội nào cũng có người tài. Và theo ông, chỉ có công bằng mới có thể tận dụng được sự đa dạng trong xã hội để thúc đẩy phát triển.