Lý do là các mục tiêu, lợi ích và tham vọng của 3 đối tác Mỹ, Canada và Mexico có rất nhiều khác biệt trong khi lợi ích đan xen giữa các bên lại quá lớn. Ít nhất, các bên cũng đạt được cam kết sẽ đẩy nhanh tốc độ đàm phán để tiến trình này có thể sớm được hoàn tất trước khi bước sang năm 2018.
Các quan chức của Mỹ, Canada và Mexico tại lễ khai mạc vòng tái đàm phán NAFTA đầu tiên ở Washington, Mỹ ngày 16/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Có thể nói, vòng đàm phán mở đầu này mới chỉ dừng lại ở mức các bên thăm dò những mục tiêu ưu tiên và đề xuất của nhau cho phiên bản "NAFTA 2.0". Dù chưa thể thống nhất các đề xuất và yêu cầu từ cả 3 nước đối tác, song các bên đã nhất trí một lịch trình dày đặc các cuộc gặp trong tương lai để có thể gấp rút hoàn tất quá trình đàm phán sửa đổi NAFTA vào cuối năm nay, hoặc ít nhất đầu năm 2018, nhằm tránh vướng vào những rắc rối chính trị có thể xuất phát từ cuộc bầu cử tổng thống tại Mexico cũng như bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào năm sau.
Đây được cho là kế hoạch đầy tham vọng đối với việc đàm phán một hiệp định mang tầm khu vực, khi khoảng thời gian còn lại là không nhiều. Khoảng cách từ việc vạch lộ trình cho đến hiện thực hóa mục tiêu đề ra vẫn còn xa vời, đặc biệt trong bối cảnh mỗi nước đều có những lập trường và mục tiêu cứng rắn cũng như những lợi ích riêng khó có thể dung hòa trong “một sớm, một chiều”.
Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, vòng đàm phán lại NAFTA lần này có ý nghĩa quan trọng khi nó được xem là "phép thử" đánh giá những cam kết và chính sách mà ông Trump theo đuổi từ trước khi nhậm chức, trong đó có việc tái định hình quan hệ thương mại với các nước theo hướng bảo hộ, tăng thêm các rào cản thương mại nhằm thực hiện mục tiêu "Nước Mỹ trên hết".
Trong khi đó, kết quả đàm phán NAFTA không những tiếp tục bảo vệ nền kinh tế và thị trường việc làm của Canada và Mexico, mà còn quyết định vị thế của 2 nước này trước đối tác khổng lồ và cũng là láng giềng quan trọng Mỹ. Hơn thế nữa, cuộc đàm phán lại NAFTA còn được coi là "thước đo" về bản chất mối quan hệ giữa 3 quốc gia láng giềng Bắc Mỹ, vốn vẫn được xem là khá "xuôi chèo, mát mái" dưới thời các chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Trump.
Khởi đầu đàm phán, trưởng phái đoàn Mỹ Robert Lighthizer đã không giấu diếm mục tiêu của Washington, đó là cải tổ cơ bản hiệp định ra đời từ 23 năm trước để xóa bỏ những bất lợi đối với nền kinh tế số 1 thế giới. Nỗ lực này là nhằm giảm thâm hụt thương mại “khổng lồ” giữa Mỹ và 2 đối tác còn lại: với Mexico lên tới hơn 60 tỷ USD, còn với Canada là 9 tỷ USD năm 2016.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng NAFTA là lý do khiến Mỹ mất đi một lượng lớn việc làm vào tay Mexico, nơi có giá nhân công thấp hơn nhiều. Do vậy, Mỹ muốn dùng ảnh hưởng từ vị thế là khách hàng xuất khẩu lớn nhất của hai quốc gia này để yêu cầu nhượng bộ trong vấn đề thâm hụt thương mại, rằng Mỹ muốn siết chặt hơn các quy định về nguồn gốc xuất xứ, nhất là các sản phẩm ô tô.
Trái lại, Canada và Mexico lại cho rằng Mỹ quá chú trọng vào số liệu thương mại song phương mà không quan tâm tới tổng giá trị thương mại của cả khối - vốn được coi là thước đo chuẩn xác cho hiệu quả của một hiệp định thương mại, khi con số này đạt gần 1.000 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 5,5% so với năm trước đó, cũng là mức tăng trung bình hàng năm kể từ khi NAFTA chính thức có hiệu lực.
Cả 2 nền kinh tế láng giềng của Mỹ đều lo ngại các hạn chế thương mại mới sẽ là một thảm họa thực sự cho khả năng cạnh tranh của Bắc Mỹ và gây bất ổn cho doanh nghiệp cũng như công nhân ở cả ba nước. Các khúc mắc này được xem là những nút thắt khó gỡ trong tiến trình đàm phán lại NAFTA, bởi nó gắn chặt với lợi ích mà từng bên kiên quyết bảo vệ trên bàn thương lượng.
Dẫu vậy, với việc là những đối tác thương mại lớn của nhau, cả Mỹ, Canada và Mexico đều được hưởng những lợi ích cũng như có những ràng buộc nhất định khi tham gia NAFTA. Là nước khởi xướng việc đàm phán lại để biến NAFTA thành một mô hình cải tiến và hiện đại hơn, song điều này không đồng nghĩa Washington sẽ chi phối và dẫn dắt quá trình đàm phán.
Bản thân Mỹ cũng sẽ phải có những nhượng bộ nhất định bởi hơn ai hết, giới chức nước này cũng hiểu rằng việc duy trì thỏa thuận 23 năm tuổi đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định của kinh tế Mỹ và khu vực, trong bối cảnh thế giới ngày càng đối mặt với nhiều biến động khó lường cả về kinh tế, chính trị, quân sự và môi trường. Trong khi đó, mặc dù Canada và Mexico coi trọng và cần Mỹ làm đối tác, song vị thế của hai quốc gia này cũng đã khác so với thời điểm ký kết NAFTA hiện nay.
Nếu như vào hai thập kỷ trước, Canada và Mexico chỉ có thỏa thuận khu vực thương mại tự do với Mỹ, thì bây giờ họ đã có được các thỏa thuận tương tự với nhiều đối tác khác. Điều này phần nào lý giải cho những tuyên bố lúc cứng rắn, lúc mềm mỏng mà các quan chức Mỹ đưa ra mới đây, khi Phó Tổng thống Mike Pence khẳng định Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh Canada và Mexico nhằm cải tiến các điều khoản sao cho phù hợp với tinh thần ban đầu của NAFTA.
Mặt khác, sự gắn kết và hội nhập của 3 nền kinh tế đã và đang diễn ra rất sâu rộng trong nhiều lĩnh vực là một lợi thế cạnh tranh của cả Mỹ, Canada và Mexico, mà việc phá bỏ nó sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Trên thực tế, NAFTA không chỉ tạo ra lợi thế cho ngành sản xuất ở Bắc Mỹ nhờ việc khai thác chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn mang lại lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế thế giới. Chính vì thế, việc sửa đổi NAFTA cần tập trung vào việc làm cho Bắc Mỹ trở thành khu vực cạnh tranh hơn và mở cửa hơn cho thương mại quốc tế, tạo ra một khuôn khổ vững chắc để phát triển và thúc đẩy cả 3 nền kinh tế thành viên. Đây chính là những điểm mấu chốt gắn kết lợi ích của 3 nền kinh tế khu vực Bắc Mỹ.
Những thay đổi nhanh chóng trong 23 năm kể từ khi NAFTA chính thức có hiệu lực đang khiến việc đàm phán lại hiệp định này được xem là một cơ hội để các nước cập nhật các mối quan hệ thương mại phù hợp hơn với các động lực và thực tế mới của nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21. Do đó, các bên cần đặt ra một tầm nhìn và phạm vi rộng trong tiến trình thương lượng lại để tạo điều kiện nâng cấp cũng như tăng cường mức độ hội nhập kinh tế của Bắc Mỹ.