Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian (giữa, bên trái) tham quan cuộc triển lãm về những thành tựu hạt nhân của Iran ngày 9/4. Ảnh: Iranian Presidency/Zuma Press Wire/DPA
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực ngày càng căng thẳng, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra cảnh báo có thể sử dụng hành động quân sự nếu không đạt được thỏa thuận. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi ưu tiên con đường ngoại giao để tránh một cuộc khủng hoảng mới.
Dẫn đầu đoàn đàm phán Mỹ là đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Trump, ông Steve Witkoff. Dự kiến, thông điệp và đề xuất của Mỹ sẽ được chuyển trực tiếp hoặc thông qua vai trò trung gian của phía Oman. Nhiều nhà phân tích cho rằng cách Iran phản ứng với các đề xuất này – hợp tác hay đối đầu – sẽ định hình cục diện sắp tới.
Phái đoàn Iran do Ngoại trưởng Abbas Araghchi dẫn đầu vẫn giữ thái độ thận trọng. Tehran không muốn tạo ấn tượng là đang nhượng bộ, đặc biệt trong bối cảnh Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei luôn phản đối việc đàm phán dưới áp lực trừng phạt – các biện pháp mà chính quyền ông Trump đã tái áp dụng từ tháng 2 năm nay.
Nhà phân tích rủi ro địa chính trị Andreas Krieg, Phó giáo sư nghiên cứu quốc phòng tại King's College London cho biết: “Trước tiên và quan trọng nhất, cả hai bên cần thống nhất với nhau về phạm vi và nội dung cụ thể của cuộc đàm phán. Hiện tại, vẫn chưa rõ hai bên đang thảo luận về điều gì và đâu là những vấn đề có thể mang ra thảo luận, vì vậy các cuộc đàm phán tại Oman lần này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng”.
Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi. Ảnh: IRNA/TTXVN
"Biện pháp răn đe cuối cùng"
Kể từ khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran đã tiếp tục làm giàu urani gần đến mức có thể sử dụng cho mục đích vũ khí. Tuy nhiên, Tehran vẫn để ngỏ khả năng quay lại bàn đàm phán, với điều kiện là Mỹ thể hiện thiện chí, chẳng hạn nới lỏng trừng phạt hoặc giải phóng các quỹ bị phong tỏa ở nước ngoài.
Các chuyên gia tin rằng Iran có thể chấp nhận việc tăng cường các cuộc thanh tra quốc tế nếu đạt được sự nhượng bộ. Dù vậy, những đề xuất yêu cầu Iran từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân – được phía Israel và một số chính trị gia Mỹ ủng hộ – được cho là sẽ làm phá hỏng các cuộc đối thoại.
Ông Clemens Chay, nghiên cứu viên tại Viện Trung Đông của Đại học Quốc gia Singapore, nhận định chương trình hạt nhân hiện là “biện pháp răn đe cuối cùng” của Tehran trong bối cảnh vị thế khu vực của nước này suy yếu sau cuộc xung đột Israel – Gaza. Vì vậy, việc từ bỏ hoàn toàn là điều khó xảy ra, đặc biệt khi tiếng nói của các phái đoàn đối thoại Iran ngày càng bị hạn chế.
Mức độ hoài nghi của Iran với Mỹ vẫn rất cao. Việc mở rộng phạm vi đàm phán sang các chủ đề như chương trình tên lửa đạn đạo hay các lực lượng thân Iran – như Hezbollah ở Liban hoặc lực lượng Houthi ở Yemen – có thể làm tình hình thêm phức tạp. Các chuyên gia cho rằng những yêu cầu này, nếu được đưa ra, có thể bị Tehran phản đối vì chúng đi ngược với chiến lược phòng thủ quốc gia của nước này.
Cũng theo ông Chay, Iran không muốn bị xem là “chịu khuất phục” trước Mỹ, và điều này khiến việc thu hẹp khoảng cách trong quan điểm trở nên khó khăn hơn. Dù vậy, chính quyền ông Trump được cho là đang cố gắng tận dụng thời điểm Tehran đang gặp khó khăn để đạt được một kết quả có lợi.
Hạn chót ngoại giao
Nhà máy điện hạt nhân ở miền Nam Iran. Ảnh: AFP/TTXVN
Dù còn nhiều bất đồng, cả Washington và Tehran đều không mong muốn một cuộc xung đột quân sự, theo giới chuyên gia. Tổng thống Trump đã nhiều lần nhấn mạnh mong muốn rút Mỹ khỏi các cuộc chiến tranh tốn kém ở Trung Đông, nhằm tập trung vào chiến lược đối phó với Trung Quốc. Về phía Iran, họ cũng tuyên bố sẽ chỉ leo thang hạt nhân nếu bị tấn công trước.
“Điều khá tích cực là cả hai bên đều sẵn sàng thỏa thuận. Cả Iran và Mỹ đều muốn tránh một cuộc đối đầu trực diện”, chuyên gia Krieg nói.
Song thời gian đang trôi qua. Tổng thống Trump đã đặt ra thời hạn 2 tháng để đạt được một bước tiến ban đầu. Trong một lá thư gửi Lãnh tụ Khamenei thông qua UAE hồi đầu tháng 3, ông Trump đã bày tỏ kỳ vọng về một thỏa thuận sơ bộ, tương tự khung đàm phán năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1.
Bà Barbara Slavin, thành viên danh dự của Trung Đông tại tổ chức nghiên cứu Stimson Centre ở Washington, cho rằng: “Mỹ và Iran không nhất thiết phải đạt được một thỏa thuận toàn diện ngay lập tức, mà có thể chỉ là một bản thảo khung ban đầu”. Bà cũng lưu ý rằng phái đoàn Iran có những thành viên từng tham gia đàm phán thỏa thuận năm 2015, điều này mang lại chút hy vọng.
Tuy nhiên, bà Slavin bày tỏ lo ngại về khả năng của nhóm đàm phán Mỹ, do ông Witkoff – vốn là một doanh nhân bất động sản – không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao hạt nhân.
“Vì vậy, tôi sẽ chờ xem liệu đây chỉ là các cuộc đàm phán thăm dò hay không và liệu có điều gì toàn diện hơn theo sau hay không”, bà Slavin cho biết và nói thêm rằng ông Trump cần một chiến thắng sau chính sách thuế quan gây tranh cãi và thất bại trong việc đạt được hòa bình ở Ukraine và Gaza.
Nếu không đạt được thỏa thuận vào tháng 6, căng thẳng có thể leo thang nhanh chóng. Tổng thống Trump đã cảnh báo về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới, đặc biệt với các đối tác thương mại của Iran như Trung Quốc – nước mua dầu lớn nhất của Tehran.
Các quốc gia châu Âu từng tham gia thỏa thuận năm 2015 cũng cảnh báo rằng nếu không có tiến triển, các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đã được dỡ bỏ trước đây có thể được khôi phục vào tháng 10.
Trước kịch bản này, Iran tuyên bố có thể rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), điều có thể dẫn đến một chuỗi leo thang khó lường. Theo nhà phân tích chính trị Mohammad Ali Shabani, biên tập viên của tạp chí điện tử Amwaj.media, dù rủi ro là hiện hữu, các bên đã tích lũy được kinh nghiệm và nền tảng đàm phán đáng kể trong hơn hai thập kỷ qua, điều này có thể giúp mở ra cánh cửa cho một thỏa thuận tạm thời, kéo dài thời gian để tiến tới một giải pháp toàn diện hơn.
“Không bên nào bắt đầu từ con số 0. Đã có rất nhiều nỗ lực được đưa vào quá trình tham gia hạt nhân trong hai thập kỷ qua”, ông Shabani nói, đồng thời cho rằng một thỏa thuận tạm thời có thể kéo dài thời gian cho các cuộc đàm phán sâu rộng hơn.