Cuộc chiến Syria định hình di sản của Tổng thống Obama

Cuộc xung đột kéo dài gần 6 năm tại Syria chắc chắn sẽ để lại những dấu ấn quan trọng trong di sản của ông Obama.

Tình hình tại Syria đang có những diễn biến mới hết sức đáng chú ý trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama chuẩn bị rời khỏi Nhà Trắng.

Cuộc chiến tại Aleppo

Ngày 14/12, quân nổi dậy Syria, trong đó có nhóm Nureddin al-Zinki và lực lượng có tư tưởng cứng rắn Ahrar al-Sham, từng là một nhóm chân rết của tổ chức khủng bố al-Qaeda, tuyên bố vừa đạt được thỏa thuận di tản dân thường và người bị thương tại thành phố Aleppo, sau khi thành phố này hứng chịu hàng loạt cuộc tấn công bằng bom và các cuộc không kích. 

Yasser al-Youssef, một chính trị gia thuộc Nureddin al-Zinki, nói: “Một lệnh ngừng bắn đã có hiệu lực tại Aleppo sau các cuộc đàm phán giữa người Nga và tổ chức Lưỡi liềm Đỏ Thổ Nhĩ Kỳ… Nhóm dân thường và những người bị thương đầu tiên sẽ đi khỏi thành phố ngay rạng sáng 15/12”. Ông cho biết các bên cũng đã nhất trí về một thỏa thuận tương tự liên quan đến việc di tản của quân nổi dậy, song không tiết lộ chi tiết kế hoạch.

Binh sĩ Syria tuần tra trên đường phố ở Aleppo ngày 14/12. Ảnh: EPA/TTXVN

Tuy nhiên, một nguồn tin thân Chính quyền Syria phủ nhận thông tin này trong khi Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết giao tranh vẫn diễn ra kể từ sau sự đổ vỡ của thỏa thuận trước đó. Nguồn tin này nói: “Vẫn chưa có bất kỳ thỏa thuận nào, quá trình đàm phán vẫn đang diễn ra”.

Một nguồn thạo tin, có liên quan tới các nỗ lực nhằm khôi phục lệnh ngừng bắn trước đây cho biết Syria, Thổ Nhĩ Kỳ - ủng hộ quân nổi dậy, cùng lực lượng hậu thuẫn Chính quyền Damascus là Nga và Iran, vẫn đang bế tắc trong các cuộc đàm phán. Moskva cáo buộc quân nổi dậy vi phạm lệnh ngừng bắn, đe dọa chiến dịch phản kháng của quân nổi dậy tại Aleppo sẽ kết thúc trong “2 đến 3 ngày tới”. Một nguồn tin thân chính quyền cho biết Damascus phản đối con số dân thường dự kiến đi khỏi thành phố mà quân nổi dậy đưa ra, do cho rằng lực lượng này đã tìm cách nâng con số thực tế từ 2.000 người lên thành 10.000 người.

Tuy nhiên, ông Youssef, thuộc nhóm nổi dậy Nureddin al-Zinki, cho rằng Chính quyền Syria và Iran muốn đạt được một thỏa thuận trao đổi liên quan tới Aleppo và số phận ngôi làng có đông người Hồi giáo dòng Shi’ite sinh sống là Fuaa và Kafraya, ở phía Tây Bắc Syria và hiện do quân nổi dậy kiểm soát. Hiện vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận mới có bao gồm điều kiện cho phép những người bị thương được rời khỏi khu vực này hay không. Trong khi đó, lực lượng nổi dậy và Ankara đang cáo buộc Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và những người ủng hộ ông đang cản trở việc đưa dân thường và những người bị thương ra khỏi khu vực.

Quân đội Syria đã triển khai chiến dịch tấn công suốt một tháng qua và giành lại tới 90% phần lãnh thổ mà quân nổi dậy từng nắm giữ ở phía Đông thành phố Aleppo. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết những người dân thường được rời khỏi Aleppo sẽ tới tỉnh Idlib, hiện do lực lượng liên minh nổi dậy, trong đó có Mặt trận Fateh al-Sham, nắm giữ.

Di sản của ông Obama

Giới phân tích đánh giá việc quân nổi dậy thất thủ tại các khu vực cuối cùng ở thành trì Aleppo sẽ quyết định số phận của điều mà người ta vẫn gọi là “học thuyết Obama”, càng khoét sâu thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới trong nhiều thập kỷ qua, và thu hẹp các di sản của nhà lãnh đạo da màu này.

Việc quân nổi dậy bị quân đội chính quyền và đồng minh đẩy lùi khỏi các vùng lãnh thổ đang phản ánh rõ sự thất bại của Mỹ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài đã gần 6 năm tại Syria. Một số nhà chỉ trích cho rằng những thành tựu mà ông Obama có được sẽ bị lu mờ bởi cuộc khủng hoảng này, tương tự những gì mà cựu Tổng thống Bill Clinton từng phải trải qua khi ông từ chối can thiệp giải quyết thảm họa diệt chủng Rwanda tại châu Phi năm 1994. 

Ông Aaron David Miller, cựu cố vấn Trung Đông cho các chính quyền đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, nhận định: “Ông ấy chắc chắn sẽ bị nhắc tên trong lịch sử. Người ta sẽ đặt câu hỏi vì sao ông ấy không nỗ lực nhiều hơn”. Chủ tịch Hội đồng Kiểm soát Vũ khí Thượng viện Mỹ John McCain cho rằng việc Mỹ không trực tiếp tham chiến ở Syria, và chỉ “lãnh đạo từ phía sau đã tạo khoảng trống để ông Bashar al-Assad và Vladimir Putin thao túng”.

Liệu những thành tựu của Tổng thống Barack Obama có bị khủng hoảng Syria làm lu mờ. Ảnh: EPA/TTXVN

Emile Hokayem, một nhà nghiên cứu cấp cao tại viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định: “Chính sách Syria của ông Obama quá chần chừ và do dự, (ông ấy) chỉ xem xét các lựa chọn khi chúng không còn khả thi”. Trong khi đó, James Jeffrey, cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng cách tiếp cận tránh rủi ro của ông Obama không những đã cho phép Tổng thống Assad tấn công phe đối lập mà không vấp phải bất kỳ cản trở nào, mà còn mở cánh cửa giúp Nga và Iran gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông.

Tuy nhiên, ông Paul Pillar, từng là một nhà phân tích tình báo Mỹ, chuyên về vấn đề Trung Đông, cho rằng ông Obama đã đúng khi thận trọng trong vấn đề Syria bởi “Mỹ không có quyền và không được phép thay đổi chế độ (tại Syria)”. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cũng khẳng định Tổng thống Obama đã tỏ ra hết sức “có trách nhiệm” khi coi việc đảm bảo lợi ích và an toàn của người dân Mỹ là ưu tiên hàng đầu.

Cuộc chiến vẫn còn tiếp tục và chiến thắng của Chính quyền Bashar al-Assad tại Aleppo sẽ càng khích lệ Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, người từng khẳng định các cuộc nổi dậy sẽ thất bại và Mỹ cần tập trung vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bằng việc hợp tác với Nga, và xa hơn là chế độ Damascus. 

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ có một sự chuyển hướng mạnh mẽ từ chính sách quá thận trọng của ông Obama sang một chính sách cứng rắn hơn, mặc dù chưa rõ cụ thể những gì ông sẽ làm. Ông sẽ “thừa kế” một cuộc xung đột ngày càng phức tạp tại Syria và nhiều nhà phân tích lo ngại rằng việc thiếu kinh nghiệp trong các chính sách đối ngoại có thể khiến ông đưa ra những tính toán sai lầm.

TTXVN/Tin Tức
Báo Nga chỉ rõ nguyên nhân Moskva và Washington can thiệp vào Syria
Báo Nga chỉ rõ nguyên nhân Moskva và Washington can thiệp vào Syria

Từ trước đến nay, việc can thiệp vào Syria của các cường quốc thường được bọc bởi lý do chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm khủng bố khác ở Trung Đông, nhưng đó có thể không phải là nguyên nhân sâu xa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN